BienDong.Net: Kỹ sư đóng tàu Đỗ Thái Bình, Hội KHKT Biển TP HCM, Thành viên Hội Đóng tàu Mỹ (SNAME) đã chia sẻ một bài viết rất chi tiết về chiếc giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc đang đưa vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Dưới đây là nội dung bài viết:
Chưa bao giờ những câu chuyện về biển cả, tàu thuyền đã xâm nhập vào các gia đình như bây giờ. Từ góc độ thuần túy kỹ thuật đóng tàu, chúng tôi muốn mời các bạn cùng tìm hiểu về cái giàn Haiyang 981, một đối tượng học tập của các trường hiện nay tại các khoa “đóng tàu và các công trình nổi”, tức là muốn nói tới các tàu thuyền và các công trình ngoài khơi (offshore structure).Tên nào là đúng: HD 981 hay Haiyang 981?
Muốn nói tới tên gọi, ta phải hiểu chủ sở hữu của nó là ai, đó chính là CNOOC theo tên gọi tắt quốc tế của China National Offshore Oil Corporation tức Tổng công ty dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc mà tên tiếng Trung là 中国海洋石油总公司; Zhōngguó Háiyáng Shíyóu Zǒnggōngsī, âm Hán Việt là Trung Quốc Hải dương Thạch du.
Các phương tiện của CNOOC đều được đặt tên theo quy tắc sau:
Đi đầu là dòng chữ viết bằng tiếng Trung và phiên âm: 海洋石油 và Haiyang Shiyou để chỉ con tàu này thuộc Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc, bởi vậy ta nên viết đủ tên hay viết tắt HYSY, không nên biến nó thành tên tiếng Việt như HD.
Theo sau là các chữ số với số đầu chỉ loại thiết bị, ví dụ 1–Các loại kho nổi FPSO; 2 – Các tàu công trình; 6 – tàu công tác; 7 – tàu địa vật lý; 9 – giàn khoan. Con số thứ hai bổ sung thêm, ví dụ sau số 9 là để chỉ giàn 4 – giàn tự nâng, 8 – nước sâu như giàn 981, 982 (Hiện tại Trung Quốc đang đóng giàn khoan nước sâu thứ 2 là Haiyang Shiyou 982).
Giàn khoan Haiyang Shiyou 981
Từ đó ta có thể đọc tên và hiểu ý nghĩa các con tàu và công trình, ví dụ Các kho nổi FPSO như HYSY 113, HYSY 117. Tàu công trình định vị nước sâu HYSY 289, HYSY 286. Tàu sà lan HYSY 278, tàu đặt ống nước sâu HYSY 201. Tàu công tác nước sâu HYSY 612. Tàu địa vật lý HYSY 720. Giàn tự nâng HYSY 942, HYSY 943. Giàn nửa chìm HYSY 981 và đang chuẩn bị đóng chiếc thứ hai HYSY 982.
Đây là giàn khoan nửa chìm, tức là sức nổi được đảm bảo bằng các pông tông ngầm dưới nước. Đặc tính kỹ thuật chủ yếu như sau: Dài 114 mét, rộng 90 mét, chiều cao từ chân tới đỉnh 130 mét bằng chiều cao tòa nhà 40 tầng, tổng trọng lượng 3 vạn tấn, tổng số đường điện đã dùng là 900 km. Giàn sử dụng 8 tổ máy phát điện,công suất mỗi tổ 5530 CV. Pông tông chìm dưới nước có đặc tính: dài 114 mét, rộng 20,12 mét, cao 8,54 mét. Giàn chính thức đi vào hoạt động ngày 26/02/2010.
Có tổng cộng 167 người làm việc cho giàn khoan bao gồm 160 người làm việc ngoài khơi và 7 người làm việc trên bờ. Giàn trang bị 6 xuồng cứu sinh xuyên lửa tự phóng nhãn hiệu Hatecke (cũng là nhãn của xuồng trên nhiều tàu VN ví dụ ngoài DK 1 hay tàu CSB 8001), mỗi xuồng cho 70 người và 8 bè cứu sinh bơm hơi mỗi bè cho 25 người.
Thế nào là giàn nửa chìm?
Để thăm dò và khai thác dầu mỏ,người ta dùng nhiều công trình ngoài khơi (offshore unit) khác nhau như giàn cố định (fixed platform), tháp ưng thuận (compliant tower), giàn chân căng (tension – leg platform); giàn spar (spar platform); giàn nửa chìm (semi – submersible rig) như giàn Đại Hùng 01 của Việt Nam; giàn chân chống/giàn tự nâng (jack up – drilling rig) ví như giàn Tam Đảo,Cửu Long của Vietsovpetro…
Đồ họa cấu trúc giàn khoan nửa chìm
Như hình vẽ, ta thấy gọi là giàn nửa chìm vì nó nửa chìm nửa nổi trên mặt nước. Phần chìm dưới nước bao gồm những chiếc pông tông tức phao tạo lực nổi để đỡ phần thượng tầng bên trên. Thượng tầng lại tựa lên pông tông bằng các cột chống.
Trên thượng tầng là nhiều tầng boong khác nhau, bố trí các thiết bị để khoan thăm dò hay khai thác (giàn Đại Hùng 01 của ta là giàn khai thác), tầng sinh hoạt, tầng điều khiển, điều khiển hàng hải… và nổi bật là tháp giá khoan derrick vươn lên cao.
Pông tông không chỉ tạo sức nổi mà trong nó chứa nhiều trang thiết bị, gồm thiết bị động lực để làm cho các chân vịt lái (thruster) hoạt động. Chân vịt lái này rất quan trọng, nó giúp cho giàn khoan đứng nguyên tại vị trí đã định bằng phương pháp định vị động học DP (dynamic positioning).
Haiyang Shiyou 981 là giàn nửa chìm thế hệ mới, thế hệ thứ 6 với một số đặc điểm như sau:
Khả năng chống mệt mỏi (fatigue) – một căn bệnh suy sụp của nhiều giàn khoan, trước tác động của thiên nhiên. Giàn này được thiết kế chịu được những cơn bão khủng khiếp nhất thống kê trong 200 năm lịch sử tại vùng Biển Đông.
Khả năng định vị trên biển. Nếu giàn Đại Hùng 01 của ta giữ vị trí trên biển bằng hệ thống 8 neo thì 981 tại các vùng nước sâu dưới 1000 mét vẫn định vị bằng 12 neo cấp R5 nhưng giàn chủ yếu định vị bằng hệ định động học cấp 3 là cấp cao nhất của hệ thống này với 8 chân vịt lái (thruster), mỗi chân vịt được kéo bởi động cơ 4.600 CV.
Khả năng chống tràn dầu. Kinh nghiệm đau đớn của các vụ tràn dầu khiến cho FG tìm mọi biện pháp để ngăn chặn ngay từ giai đoạn đầu tiên. Một hệ thống cảm biến được thiết lập quanh giàn và hành động nhanh chóng để đóng ngay cái BOP (thiết bị chống tràn – Blow Out Preventer).
Bởi vậy, giàn nửa chìm là công cụ không thể thiếu được trong việc chinh phục độ sâu khi khai thác dầu khí.
Giàn khoan 981: sản phẩm công nghệ Mỹ
Cách đây vừa tròn hai năm, vào tháng 5/2012, một số báo chí của Việt Nam bắt đầu nói tới cái gọi là “Ocean Oil 981”, tôi đã có một bài viết giới thiệu chi tiết kỹ thuật về cái giàn này. Lúc đó nó đã thành cái “Haiyang Shiyou 981” với các số định dạng IMO là 9480344, số MMSI để dùng hệ vệ tinh toàn cầu GMDSS là 413464330, hô hiệu viễn thông theo quy định của ITU là BYDG.
Tôi cũng giới thiệu các trang vessel finder để mọi người có thể dùng màn hình máy tính theo dõi tọa độ bằng AIS và vệ tinh, thấy giàn khoan khổng lồ này đang di chuyển từ nhà máy Ngoại Cao Kiều Thượng Hải về phía Nam, đã tới đảo Hải Nam.
Rồi nó tới lô khai thác Liwan. Thực ra, trước đó 6 năm vào tháng 11/2006 trên các tạp chí hàng hải toàn cầu đã thông báo một sự kiện to lớn: CNOOC ký với FG (công ty công nghệ khai thác và thương mại dầu khí hàng đầu của Mỹ) một hợp đồng trị giá 4,6 tỷ NDT (thực tế giá thành công bố là 6 tỷ NDT) để Trung Quốc chế tạo chiếc giàn khoan nửa chìm nước sâu đầu tiên của nước này.
Hợp đồng giữa 2 bên đưa ra quy định về việc cùng giữ sở hữu trí tuệ và khu vực hoạt động của giàn là Biển Đông (trong hợp đồng là Biển Nam Trung Hoa), Vịnh Mexico và Nam Phi.
Cùng sở hữu trí tuệ vì FG cung cấp thiết kế cơ bản (basic) còn Trung Quốc lo nhiều phần khác.
So sánh khả năng khai thác của giàn tự nâng và giàn nửa chìm
Thiết kế cơ bản như vậy nhưng đi vào cụ thể, giàn khoan nửa chìm này được chế tạo dựa trên sự huy động tổng lực của Trung Quốc với rất nhiều đơn vị có thể kể ra như Viện 708 của CSSC, Viện Nghiên cứu Thiết kế của CNOOC, Đại học Đại Liên, Đại học Giao thông Thượng Hải, xưởng đóng tàu Ngoại Cao Kiều, xưởng Đại Liên…
Trung Quốc tự nhận giàn khoan 981 là của mình
Trung Quốc đã tự nhận đây là một công trình giàn nửa chìm, độ sâu 3 nghìn mét “hoàn toàn tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, lắp đặt, thử nghiệm… ” và chỉ cho biết thêm một chú thích nho nhỏ là theo mẫu chung ExD của Công ty F&D Mỹ.
Nhiều trang mạng của họ biểu dương tinh thần ái quốc trong việc chế tạo giàn, chẳng hạn vào YouTube, các bạn sẽ thấy cảnh đóng thân giàn tại xưởng Ngoại Cao Kiều trên đảo Sùng Chính Thượng Hải, đoạn clip mô tả công nhân nhà máy xích neo tại Giang Tô nô nức rèn xích cho neo của giàn…
Các nhà máy này thuộc tập đoàn CSSC (nói cho đơn giản, kiểu như Vinashin của ta) làm cả tàu quân sự lẫn dân sự, giàn khoan… không chia nhỏ như nước ta.
Nhưng tìm hiểu kỹ ta sẽ thấy tất cả các thiết bị – cái quyết định mang tính sinh tử của giàn khoan – là do nước ngoài chế tạo, một điểm yếu rất căn bản của đóng tàu Trung Quốc! Chính họ phải thừa nhận: TQ chỉ có 40% giàn khoan này còn 60% giàn khoan là của thế giới với những tên tuổi lừng danh như ABB, Aker, Haliburton, Siemens…
BDN