Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCông thư 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có...

Công thư 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị với việc công nhận chủ quyền Hoàng Sa

BienDong.Net: Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 23/5 tổ chức họp báo công bố các cơ sở pháp lý và bằng chứng chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đây là lần thứ ba Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo quốc tế kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

 

Theo báo điện tử VNExpress, các quan chức Việt Nam chủ trì cuộc họp báo nêu rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trước hành động gây hấn của phía Trung Quốc. Khi được đề nghị bình luận về việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu rằng Việt Nam “không đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông” và về 16 chữ vàng trong mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, nói: “Vấn đề chủ quyền lãnh thổ là hết sức thiêng liêng và không gì đánh đổi được. Vàng rất quý nhưng độc lập tự do và chủ quyền lãnh thổ còn quý hơn vàng”.

Ông Hải cho biết bất chấp sự giao thiệp nghiêm túc của Việt Nam với phía Trung Quốc từ nhiều cấp, nhiều hình thức, mọi thiện chí của Việt Nam vẫn không được đáp ứng.

Ông Hải khẳng định: “Từ rất nhiều thế kỷ nay, ít nhất là từ thế kỷ thứ 17 các nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền với hai quần đảo này từ khi còn là đất vô chủ. Các Nhà nước phong kiến Việt Nam thực thi chủ quyền của mình ở Trường Sa và Hoàng Sa một cách hòa bình, liên tục phù hợp với luật pháp quốc tế và không bị quốc gia nào phản đối.

“Trong thời kỳ Pháp thuộc từ giữa thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ 20 Pháp đã nhân danh Nhà nước Việt Nam để tiếp tục quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời phản đối các yêu sách của các nước liên quan đối với hai quần đảo này.

“Chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo đã được khẳng định và thừa nhận tại hội nghị San Francisco tháng 9/1951. Đây là hội nghị giải quyết các vấn đề lãnh thổ sau Thế chiến thứ hai.

“Tại hội nghị này, phái đoàn Liên Xô có đề nghị trao hai quần đảo cho Trung Quốc nhưng 46/51 nước đã bỏ phiếu chống. Cũng tại hội nghị này, trưởng phái đoàn của Chính phủ Bảo Đại đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này và không gặp phải sự phản đối của bất cứ ai.

“Sau Hiệp định Geneva 1954, Việt Nam Cộng hòa cũng đã ra nhiều tuyên bố và có những hành động trên thực tế để thực thi chủ quyền với hai quần đảo này. Trung Quốc là một nước tham gia hội nghị quốc tế về Đông Dương Geneva năm 1954, biết rất rõ điều này và phải có trách nhiệm tôn trọng các văn kiện của hội nghị này.

“Năm 1974 Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam Cộng hòa cũng như chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều lên tiếng phản đối hành động đó của Trung Quốc và khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

“Từ góc độ luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là một hành vi phi pháp và không thể đem lại chủ quyền cho Trung Quốc với Hoàng Sa”, ông Hải kết luận. “Thực tế là cho đến nay không có một quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa”.

Về công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958, ông Hải phân tích: Văn bản này hoàn toàn không đề cập đến vấn đề lãnh thổ, chủ quyền và không đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nội dung công thư chỉ ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải 12 hải lý, đồng thời chỉ thị cho các cơ quan Việt Nam tôn trọng giới hạn 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố mà thôi.

Việc công thư không đề cập đến hai quần đảo cũng phù hợp với thực tế lúc đó: Hai quần đảo nằm dưới vĩ tuyến 17 và thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa, được Pháp giao lại năm 1956 phù hợp với Hiệp định Geneva năm 1954 mà Trung Quốc có tham gia.

Ngoài ra, công thư phải đặt trong bối cảnh cụ thể thời điểm được gửi cho Trung Quốc, khi đó Hoàng Sa thuộc quyền quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, theo Hiệp định Geneva, Trung Quốc là bên tham gia.

“Bạn không thể cho người khác cái bạn chưa có. Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị gì với việc công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa hay Nam Sa theo cách gọi của Trung Quốc”, ông Hải khẳng định.

Về khả năng Việt Nam có thể sẽ sử dụng hành động pháp lý trước tình hình hiện tại, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Hàm Vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế Bộ Ngoại giao, cho biết, với tư cách thành viên của Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS), Việt Nam có quyền sử dụng tất cả các cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến mình.

“Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp hòa bình, bao gồm khả năng sử dụng cơ quan tài phán quốc tế mà Hiến chương LHQ và UNCLOS khẳng định. Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp phù hợp luật quốc tế, và sử dụng các biện pháp này tốt hơn là để xảy ra xung đột vũ trang”, bà Hà nói.

“Lãnh đạo Việt Nam khẳng định không loại trừ bất cứ biện pháp nào, chúng tôi với tư cách cơ quan tư vấn pháp lý sẽ chuẩn bị mọi biện pháp có thể sử dụng được”, bà nói thêm.

Việt Nam và Trung Quốc nhất trí giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, các thông tin cho rằng Trung Quốc điều chuyển quân đến khu vực biên giới là chưa chính xác, ông Trần Duy Hải cho biết.

“Trong cuộc gặp của hai Thứ trưởng Ngoại giao, hai bên nhất trí không sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết bất đồng. Tôi xin khẳng định như vậy”, ông Hải nói, và cho biết thêm rằng hiện các hoạt động giao thương trên biên giới Việt – Trung diễn ra bình thường.

Bác bỏ quan điểm của Trung Quốc về khai thác dầu khí, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam cho biết từ năm 1996, sau khi quốc hội Việt Nam phê chuẩn Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS), hoạt động dầu khí chỉ thực hiện trong vòng 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Phía Việt Nam đã ký 99 hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài. 30 mỏ đang được khai thác trong vùng thềm lục địa vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, được quốc tế công nhận.

Ông Hậu bác bỏ tài liệu của phía Trung Quốc công bố hôm 16/5 cho rằng “Việt Nam đã phân 57 lô dầu khí và có 37 giàn khoan tại vùng biển có tranh chấp”.

“Trung Quốc chỉ nêu ra mà không có cơ sở pháp lý nào chứng minh. Chúng tôi bác bỏ quan điểm của Trung Quốc”.

Ông Hậu phân tích rằng quan điểm trên của phía Trung Quốc thực chất là nhằm biến những khu vực không tranh chấp trên thềm lục địa Việt Nam thành những khu vực tranh chấp, với ý đồ hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò đang bị cả cộng đồng quốc tế lên án.

Về trữ lượng dầu mỏ tại khu vực này, ông Hậu cho biết có các đánh giá của Trung Quốc, Mỹ và các nước trong khu vực về trữ lượng hydro carbon trên toàn bộ khu vực Biển Đông, Việt Nam cũng có nhiều nghiên cứu khảo sát, dự báo là từ 4 đến 6 tỷ tấn trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. “Tại những khu vực đang khoan, chúng tôi đánh giá triển vọng ở đây là không lớn”, ông Hậu nói.

Thông tin từ Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) cho biết: Ngày 24/5, tại hiện trường giàn khoan Hải Dương – 981 Trung Quốc có 127 tàu, tăng 5 tàu, bao gồm 44 tàu Hải cảnh, 18 tàu vận tải, 14 tàu kéo, 50 tàu cá, 1 tàu chiến.

Có 4 máy bay bay nhiều vòng trên khu vực lực lượng Việt Nam hoạt động ở tầm cao 300 – 500m.

Tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc đã được đưa ra cách xa giàn khoan, neo ở phía Đông Nam đảo Tri Tôn và được ẩn giấu kỹ hơn trước.

 

Tàu hải cảnh Trung Quốc cơ động chặn đầu tàu cảnh sát biển Việt Nam. (Ảnh: VNA)

Tàu Kiểm ngư Việt Nam theo nhóm đồng loạt cơ động, kiên trì đấu tranh, tiến vào gần và áp sát giàn khoan ở khoảng cách 5,5 – 6,5 hải lý để tuyên truyền, có lúc đã áp sát giàn khoan ở khoảng cách 3,7 hải lý.

Tàu Hải cảnh, Hải giám, tàu kéo, tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc phản ứng mạnh, quyết liệt, tăng tốc độ ngăn cản và tăng phạm vi ngăn cản hơn những ngày trước, ngăn cản ngay ở phạm vi cách giàn khoan 10 – 12 hải lý.

Trung Quốc bố trí tàu kéo, tàu cá vỏ sắt đâm va, phun nước nhằm chia cắt, cản phá đội hình tàu Việt Nam, làm 8 tàu chấp pháp của Việt Nam bị hỏng trang thiết bị nghe nhìn, ăng ten, phần vỏ bị móp méo, 3 kiểm ngư viên của VN bị thương nhẹ.

“Trung Quốc đã phản ứng mạnh và nguy hiểm hơn khi ta tiến vào sâu khu vực giàn khoan”, Cục Kiểm ngư nhận định.

Bất chấp những cản trở và hành vi ngang ngược của Trung Quốc, các tàu Kiểm ngư Việt Nam vẫn quyết liệt đấu tranh, củng cố duy trì lực lượng, duy trì cường độ để tiếp cận giàn khoan gần hơn để thực hiện công tác tuyên truyền.

Báo chí trong nước cho biết sáng 23/5, một người phụ nữ đến trước cổng Dinh Thống Nhất (TP.HCM) tự thiêu để phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 trái phép trên vùng biển Việt Nam.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới