BienDong.Net: Theo báo chí trong nước, tại cuộc họp báo chiều 27/5, ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết: Lúc 5h30 phút ngày 27/5, giàn khoan trái phép Hải Dương – 981 di chuyển với vận tốc 4,5 hải lý/giờ về phía Đông Đông Bắc.
Đến 10h cùng ngày, Trung Quốc đã neo giàn khoan tại vị trí cách đảo Tri Tôn của Việt Nam về hướng Đông Đông Nam 25 hải lý, cách vị trí cũ 23 hải lý theo hướng Đông Đông Bắc, cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý.Truyền thông Việt Nam nói mặc dù đã được dịch chuyển nhưng giàn khoan này vẫn nằm sâu trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Vị trí dịch chuyển mới của giàn khoan Hải Dương 981 vẫn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đồ họa: VnExpress.net
Phía Việt Nam vẫn duy trì lực lượng và hoạt động đấu tranh với cường độ cao cách giàn khoan Hải Dương – 981 khoảng 5 đến 6 hải lý.
Theo quan sát của lực lượng Kiểm ngư, Trung Quốc vẫn duy trì số lượng tàu như hôm 26/5, nhưng hoạt động với cường độ cao hơn; có sự hoạt động của 2 máy bay quanh khu vực giàn khoan.
Trung Quốc đã tăng cường lực lượng quân sự, tàu hải giám, hải tuần bằng cách sử dụng những tàu lớn, công suất cao hơn.
Tàu Trung Quốc đã chủ động tấn công, uy hiếp các tàu Việt Nam ngay từ xa dưới các hình thức vây ép, húc đẩy, đâm va, phun vòi rồng. Sau đó, co cụm lại quanh khu vực giàn khoan, kiên quyết đẩy các tàu chấp pháp Việt Nam ra xa giàn khoan bằng cách tổ chức thành nhóm vây ráp, chèn ép đe dọa tàu Việt Nam.
Tàu Hải cảnh, Hải tuần, tàu kéo, tàu vận tải của Trung Quốc vẫn tổ chức thành nhiều nhóm áp sát các tàu chấp pháp của Việt Nam trong quá trình tiếp cận giàn khoan nhằm vây ép, đẩy phạm vi hoạt động từ 5 đến 6 hải lý ra ngoài 10 hải lý.
Tàu cá Trung Quốc dàn thành hàng ngang cản trở, ép, đe dọa đẩy tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động ở phạm vi cách giàn khoan 15 đến 17 hải lý, ngoài ra còn có hành vi húc đẩy nguy hiểm.
Tàu chiến Trung Quốc đã tăng cường hoạt động áp sát các tàu Kiểm ngư hơn và thường xuyên có hành động mở bạt che súng và chĩa súng vào các tàu Kiểm ngư khi tới gần.
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã được di chuyển lên theo hướng đông bắc và vẫn nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Hà Lê cũng cho biết về việc ngày 26/5, tàu vỏ sắt Trung Quốc có số hiệu 11209 đã chủ động đâm tàu cá vỏ gỗ có số hiệu ĐNa – 90152 – TS của ngư dân Việt Nam đang hoạt động sản xuất tại khu vực ngư trường truyền thống thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, làm tàu cá Việt Nam bị chìm. Ngư dân có mặt trên tàu đã được các tàu Kiểm ngư cứu an toàn và tiếp tục tham gia sản xuất cùng những tàu cá khác. Tàu cá bị chìm đang được kéo vào bờ. Đáng lên án là tàu Trung Quốc lại có hành động cản trở, ngăn chặn tàu Kiểm ngư, Cảnh sát Biển Việt Nam trong quá trình thực hiện cứu hộ tàu cá bị chìm tại khu vực giàn khoan.
Dù bị tàu cá Trung Quốc xua đuổi, cản trở nhưng ngư dân Việt Nam vẫn hăng hái tham gia bám biển và sản xuất trên khu vực, ông Hà cho hay.
Lực lượng kiểm ngư vẫn duy trì hoạt động đấu tranh ở cường độ cao, cố gắng tiếp cận giàn khoan trong phạm vi 5 – 6 hải lý và thực hiện các biện pháp tuyên truyền hòa bình bằng loa, băng – rôn, biểu ngữ…
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 27/5 đã triệu đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đến để phản đối các hành động đe dọa, tấn công tàu cá, xâm hại tính mạng ngư dân Việt Nam trên Biển Đông.
“Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt những hành động vô nhân đạo, xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế đồng thời xử lý nghiêm những người có liên quan, không để tái diễn những hành động tương tự và bồi thường thỏa đáng cho các ngư dân Việt Nam”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói.
Trung Quốc tiếp tục hứng chịu chỉ trích của công luận
Lực lượng kiểm ngư vẫn duy trì hoạt động đấu tranh ở cường độ cao, cố gắng tiếp cận giàn khoan trong phạm vi 5 – 6 hải lý và thực hiện các biện pháp tuyên truyền hòa bình bằng loa, băng – rôn, biểu ngữ…
Sự kiện tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam đã thu hút sự chú ý của dư luận, cho thấy cộng đồng quốc tế thật sự quan ngại về những hành động nguy hiểm và làm leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông, sau vụ nước này đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) vào vùng biển Việt Nam.
Theo Kyodo, ngày 27/5, Nhật Bản đã hối thúc Trung Quốc kiềm chế trước tình hình căng thẳng trên Biển Đông, sau khi xuất hiện các thông tin cho biết một tàu cá của Việt Nam đã bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm trên vùng biển này hôm 26/5.
Phát biểu họp báo tại thủ đô Tokyo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh: “Đó là hành động vô cùng nguy hiểm có thể đe dọa mạng sống của người dân. Quan trọng là các nước hữu quan phải kiềm chế hành động đơn phương và xử lý các vấn đề một cách bình tĩnh, tuân thủ luật pháp quốc tế”.
Trong cuộc họp báo thường ngày tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki ngày 27/5 cho biết Mỹ chưa có đủ thông tin để xác nhận việc một tàu cá của Việt Nam bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm ở khu vực biển tranh chấp nhưng khẳng định chỉ có Trung Quốc là bên khiêu khích trong căng thẳng hiện nay ở Biển Đông.
Bà Psaki nêu quan điểm của Bộ Ngoại giao Mỹ: “Chúng tôi không có nguồn thông tin độc lập liên quan tới vụ việc này và sẽ tìm kiếm thông tin bổ sung. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục quan ngại về cách hành xử của tàu thuyền Trung Quốc hoạt động trong khu vực. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các bên cùng kiềm chế, giảm căng thẳng, giải quyết vấn đề một cách an toàn và có trách nhiệm”.
Bên cạnh đó, trước câu hỏi liệu các hành động của Việt Nam ở Biển Đông có phải là khiêu khích hay không, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định rằng chỉ có các hành động của Trung Quốc là mang tính khiêu khích. Phía Mỹ sẽ thông qua tất cả các bên để tìm kiếm thông tin liên quan tới vụ tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam.
Trong bài viết với tiêu đề “Trung Quốc đâm chìm tàu cá làm tăng căng thẳng với Việt Nam”, trang tin Bloomberg đánh giá sự kiện là màn đối đầu nghiêm trọng nhất của hai nước kể từ năm 2007.
Trang tin dẫn lời ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói rằng con tàu cá mang số hiệu DNa 90152 bị “tàu Trung Quốc đâm trúng”. 10 ngư dân trên tàu DNa 90152 đã được các tàu Việt Nam ở gần đó cứu.
Đưa tin về sự kiện này, tờ New York Times nhận xét vụ đâm tàu diễn ra sẽ tiếp tục tăng cao căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam, theo sau việc chính quyền Bắc Kinh kéo giàn khoan nước sâu vào vùng biển nằm gần Hoàng Sa trong ngày 1/5. Việt Nam đã khẳng định vùng biển nơi giàn khoan hoạt động nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình và tuyên bố cân nhắc khởi kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế.
Tờ báo cũng dẫn lời Dennis J. Blasko, cựu quan chức quân sự của tòa Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đánh giá vụ đâm tàu là điều Mỹ quan ngại vì nó có thể làm căng thẳng tình hình.
Theo New York Times thì Trung Quốc đã tiến hành kiểm duyệt các phản ứng của người dân nước này trên các mạng xã hội về vụ việc trên.
Theo AP, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông và điều này đã khiến chính quyền Bắc Kinh ở thế đối đầu với các nước nhỏ hơn, gồm Việt Nam và Philippines. Trong mấy năm gần đây, Trung Quốc đã tỏ ra cứng rắn hơn trong việc khẳng định chủ quyền và từ chối hoạt động đàm phán.
Báo Hong Kong Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời chuyên gia Li Mingjiang thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nhận định vụ việc này cộng với việc Bắc Kinh không chịu dời giàn khoan sẽ giúp Việt Nam nhận thêm được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Nhà nghiên cứu Kang Lin thuộc Viện Nghiên cứu Nam Hải ở Trung Quốc cũng thừa nhận vụ việc có thể khiến các nước Đông Nam Á xích lại gần nhau hơn để đối đầu với Trung Quốc.
Ngày 27/5, Công ty dầu khí Trung Quốc nói đã “hoàn thành thuận lợi” việc khoan thăm dò giai đoạn một tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục phản đối, lên án Trung Quốc “vi phạm luật pháp quốc tế” trong vụ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Trung Quốc gọi là Haiyang Shiyou 981 hay HYSY 981).
Tân Hoa Xã dẫn lại tin từ Công ty Dịch vụ dầu mỏ thuộc Tổng công ty Dầu mỏ hải dương Trung Quốc, nói rằng “theo kế hoạch tác nghiệp xây dựng trước đó của khách hàng, giàn khoan HYSY 981 đã di chuyển đến địa điểm mới, bắt đầu tác nghiệp giai đoạn hai”.
Hãng tin nhà nước Trung Quốc cũng nhắc lại việc khoan thăm dò dự kiến sẽ kết thúc vào trung tuần tháng 8.
BDN