Tuesday, November 26, 2024
Trang chủBiển ĐôngHoàng Sa, Trường SaĐộc đáo Bưu điện Trường Sa

Độc đáo Bưu điện Trường Sa

BienDong.Net: Có những người chọn cách cầm súng để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Có những người lấy việc bám biển vươn khơi bất chấp hiểm nguy để tiếp nối sự nghiệp ông cha… Song cũng có những người chọn những cách giản đơn hơn, lặng thầm hơn.

Đó là dành trọn tuổi thanh xuân để sống, làm việc và trải những “hỉ, nộ, ái, ố” cùng một bưu điện nhỏ, nơi tiền tiêu Tổ quốc, để những cánh thư từ Trường Sa không bao giờ lỗi nhịp với đất liền.

alt 

Một thoáng Trường Sa (ảnh minh họa của BienDong.Net)

Đó là những con người vẫn đang âm thầm cống hiến ở điểm Bưu điện văn hóa đảo Trường Sa (Thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, Khánh Hòa).

1. Bưu điện văn hóa đảo Trường Sa nằm ở trung tâm Thị trấn Trường Sa. Bưu điện đối diện hội trường trung tâm thị trấn, cách trường học chừng dăm phút đi bộ, cách đường băng trung tâm thị trấn chừng 200 mét. Bưu điện văn hóa đảo Trường Sa mang nét sống đặc trưng của cả thị trấn: thanh bình, chậm rãi, ngăn nắp và chuẩn mực.

Vừa căn chỉnh dán tờ lịch thi đấu World Cup 2014 vào tường bưu điện, anh Nguyễn Phi Ý Hòa (một trong những người phụ trách bưu điện) vừa niềm nở bắt chuyện: Các anh chị vào gửi thư về đất liền ạ? Đúng 2 giờ chiều, giờ làm việc. Các anh chị cứ vào bưu điện, em cất cuộn băng dính rồi ra ngay.

Phòng bưu điện văn hóa Trường Sa rộng chừng 30m2. Trong phòng có nhiều sách báo các thể loại. Một bàn làm việc to, ở chính giữa phòng với cuốn sổ lưu niệm, bút, hồ và nhiều phong thư trống. Những chiếc phong thư trống phía dưới, bên trái có in hình cột mốc chủ quyền quốc gia. Và tất cả đều được những bưu tá ở đây tự tay làm mỗi ngày.

“Nhìn đơn giản thế thôi nhưng với anh em miền biển chém to kho mặn bọn em, việc tỉ mẩn chuốt từng góc giấy sao cho vuông vắn thực sự rất khó” – anh Hòa nói tiếp – “Nhưng đổi lại, việc hình dung những phong thư từ Trường Sa này, theo các ngả đường, tới mọi miền Tổ quốc để mọi người trên đất liền thấy Trường Sa không xa là bọn em lại có động lực”.

Cũng theo chia sẻ của anh Hòa, lúc đầu phong thư Trường Sa được chuẩn bị sẵn rồi làm và in hình cột mốc chủ quyền màu. Song 300 phong thư mang từ đất liền ra đã hết veo ngày đầu khánh thành điểm bưu điện văn hóa cách đây hơn 1 tháng. “Ngày khai trương vui lắm! Mọi người đến nhiều tới nỗi bọn em không kịp đưa phong thư cho tất cả. Nên bọn em xếp chồng cả xấp ở trước cửa bưu điện để mọi người lấy. Bưu điện chỉ tính tiền tem, phong thư là quà gửi tặng đất liền. Cũng đúng lúc có đoàn công tác từ đất liền tới nên mọi người ai cũng viết liền mấy lá gửi về cho gia đình” – Anh Hòa kể, mắt ánh lên niềm tự hào.

 

Anh Minh đang nhận những cánh thư từ điểm bưu điện văn hóa đảo Trường Sa

2. Theo anh Minh, một người cũng làm việc tại bưu điện Trường Sa, bất cứ ai đặt chân đến Trường Sa cũng muốn gửi một cánh thư về đất liền cho những người thương yêu (dù ai cũng biết, những cánh thư từ Trường Sa về đất liền còn chậm hơn hành trình đoàn công tác của mình).

Có không ít người đã gửi cùng lúc cả chục cánh thư cho bố mẹ, vợ/chồng, con cái, anh em, bạn bè… Trong thời buổi công nghệ, nhiều người đã viết những cánh thư tay đầu tiên của đời mình ở Trường Sa. Và nhiều lá thư trong đó mang những lời lẽ mà con người không thể nói, gõ phím, hay trao đổi với nhau được.

“Bởi chỉ có ở Trường Sa này, con người mới được sống thật với cảm xúc của mình nhất” – Anh Minh kể – “Tôi đã chứng kiến, có những người vợ đã khóc khi viết thư từ Trường Sa cho chồng để xin lỗi vài chuyện lặt vặt đời sống thường ngày. Thư Trường Sa là vậy đấy, nó không thể lý giải bằng những lý lẽ khô cứng trong bộn bề cuộc sống thường nhật. Bởi đó là lý lẽ của trái tim”.

 

Bức thư với phong thư được làm từ Trường Sa, con dấu Trường Sa, và con tem Lý Sơn gửi về đất liền

Anh Minh cũng không thể quên, một người từ đất liền muốn một cánh thư từ Đảo nhưng chưa một lần viết thư tay, lúng túng và bất lực trước trang giấy nên nhờ lính đảo viết hộ. Người lính viết vội vài dòng để vị khách đất liền gửi về chính địa chỉ của mình như để đánh dấu sự hiển diện của mình từ Trường Sa.

Song thư không chỉ đi một chiều. Những người lính Trường Sa cũng đã nhận được những lá thư từ đất liền chỉ vỏn vẹn vài dòng lời của một bài hát: Mong cánh thư về từ đảo xa, nơi thành phố này, Trường Sa vẫn bên em. Anh ơi có nghe lời người từ phố biển, khi ngọn triều dâng cao, khi cánh Hải âu về, khi nắng sang mùa, nơi đảo trúc san hô. Chiều Nha Trang, sao bỗng bâng khuâng, như thấy anh đang sừng sững kiên trung giữa pháo đài giữ đảo…

Viết mấy cánh thư về đất liền với phong thư Trường Sa, con dấu từ bưu điện Trường Sa trên con tem in hình đảo Lý Sơn, chúng tôi tạm biệt anh Hòa, anh Minh để tiếp tục hành trình thăm và kiểm tra các đảo thuộc quần đảo Trường Sa trên con tàu HQ 996.

Và chúng tôi biết rằng, trên muôn trùng sóng dữ, vẫn còn những nhân viên bưu điện lặng lẽ chăm chút từng góc giấy để đảm bảo liên lạc với đất liền, những thầy cô giáo âm thầm bám đảo gieo chữ, những nhân viên khí tượng thủy văn oằn mình nơi đầu sóng để “báo bão” cho cả nước… cùng vô vàn con người “Không ai nhớ mặt đặt tên. Nhưng họ đã làm ra Đất nước” (Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm).

Sẽ in bưu thiếp Trường Sa

“Tới đây, trong đợt về đất liền gần nhất, anh em bưu điện Trường Sa dự định sẽ xin phép in bưu thiếp Trường Sa. Thay vì những mẩu giấy xé vội, khách có thể viết những dòng nhắn gửi lên những tấm bưu ảnh mang hình biểu trưng của Trường Sa để gửi về đất liền. Những tấm hình này vừa thêm trang trọng, vừa ý nghĩa để “nhắn về đất liền cánh buồm chờ đầy tin yêu”, anh Nguyễn Phi Ý Hòa đồng tình với gợi ý của phóng viên Thể thao & Văn hóa.

 

 

BDN (theo Phạm Mỹ, báo TT&VH)

RELATED ARTICLES

105 COMMENTS

Comments are closed.

Tin mới