Đối với vụ thử tên lửa đạn đạo thất bại mới nhất của Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump không cân nhắc hành động quân sự với Bình Nhưỡng vào thời điểm này.
Ảnh chụp qua truyền hình vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 16/10/2016. Ảnh: EPA/TTXVN
Ngày 16/4, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, Tướng H.R. McMaster cho biết Washington cùng với các đồng minh và Trung Quốc đang xem xét một loạt phản ứng đối với vụ thử tên lửa đạn đạo thất bại mới nhất của Triều Tiên.
Phát biểu trên kênh truyền hình ABC, ông McMaster khẳng định: “Đã đến lúc chúng ta thực hiện mọi hành động có thể, chỉ thiếu mỗi lựa chọn quân sự, nhằm cố gắng giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
Chúng ta hợp tác với các đồng minh và đối tác cùng với ban lãnh đạo Trung Quốc để thúc đẩy một loạt lựa chọn.
Vào lúc này, cộng đồng quốc tế, trong đó có ban lãnh đạo Trung Quốc, đều đồng thuận rằng tình hình này là không thể tiếp tục”.
Tuần trước, hãng tin Reuters dẫn lời một số quan chức Mỹ nói rằng chính quyền Trump đang tập trung vào một chiến lược với Triều Tiên, trong đó nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn hơn, có thể bao gồm cấm vận dầu mỏ, một lệnh cấm bay toàn cầu đối với hãng hàng không quốc gia Triều Tiên, ngăn chặn các tàu chở hàng và trừng phạt các ngân hàng của Trung Quốc làm ăn với Bình Nhưỡng.
Cùng ngày, Giám đốc Viện Nghiên cứu biên giới thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Liêu Ninh, ông Lu Chao cho rằng, vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên tuy thất bại song có thể là một thông điệp từ Bình Nhưỡng rằng Triều Tiên sẽ không thay đổi lập trường cứng rắn trước những mối đe dọa về hành động quân sự của Mỹ.
Theo ông Lu, động thái này có thể sẽ càng khiến Mỹ gia tăng sức ép, khi mà Washington trước đó đã ra lệnh điều hai nhóm tàu sân bay đến khu vực.
Chuyên gia này nhấn mạnh: “Trung Quốc cũng sẽ đối mặt với áp lực lớn hơn từ phía Mỹ đòi Bắc Kinh có thêm hành động, trong đó có việc gia tăng các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng”.
Hiện cuộc khủng hoảng Triều Tiên đã đẩy Bắc Kinh vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nước này đang chịu sức ép từ Mỹ trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng, song lại lo ngại rằng hành động quyết liệt có thể khiến chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ.
Tổng Biên tập tạp chí Quốc phòng (Nga) Igor Korotchenko mới đây cho rằng cần hiểu việc Triều Tiên phóng tên lửa sau cuộc duyệt binh ngày 15/4, dù cuối cùng không thành công, là sự bày tỏ thái độ của Bình Nhưỡng giữ vững các nguyên tắc của mình và kiên quyết không chịu nhượng bộ trước áp lực chính trị – quân sự của Mỹ.
Ông Korochenko đánh giá: “Trong mọi trường hợp, vụ phóng tên lửa mới chứng tỏ Triều Tiên không hạ mình trước áp lực và đe dọa của Mỹ, mà thể hiện quyết tâm bảo vệ an ninh và chủ quyền của đất nước mình”.
Ngoài ra, ông Korochenko cho rằng cuộc diễu binh mới đây ở Bình Nhưỡng cho thấy Triều Tiên sở hữu kho vũ khí tên lửa đáng nể.
Trong khi vẫn chưa rõ ràng về khả năng lắp đặt đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, sự hiện diện của tên lửa là yếu tố quan trọng buộc Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản phải cân nhắc và tính đến khi đánh giá tình hình xung quanh Triều Tiên.