Dù Trung Quốc nắm nhiều đòn bẩy quan trọng đối với Triều Tiên, và có lẽ sớm muộn Bình Nhưỡng cũng vẫn phải thỏa hiệp, nhưng ông Kim Jong-un tuyệt nhiên….
The Wahington Post ngày 18/4 đưa tin, thứ Bảy ngày 15/4, cả thế giới tập trung chú ý vào bán đảo Triều Tiên với nguy cơ nổ ra chiến tranh, nếu Bình Nhưỡng bắn tên lửa đạn đạo hoặc thử hạt nhân lần thứ 6.
Trong khi đó theo thông báo từ chính phủ Hoa Kỳ, cụm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson đang hiện diện gần bán đảo, sẵn sàng cho phương án tấn công phủ đầu.
Nhưng một bức ảnh do hải quân Mỹ công bố cho thấy, thời điểm ngày 15/4 USS Carl Vinson đang đi qua eo biển yên tĩnh Sunda nằm giữa đảo Sumatra và Java của Indonesia (cách bán đảo Triều Tiên 5600 km đường chim bay). [1]
Quan trọng hơn nữa, theo Defence News – tờ báo đầu tiên tiết lộ chuyện này, USS Carl Vinson khi đó đang cơ động về phía Ấn Độ Dương, chứ không phải Tây Thái Bình Dương để tới bán đảo Triều Tiên. [2]
Những tuyên bố hùng hồn
The Washington Post tường thuật lại, khi căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, ngày 8/4 Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương ra thông báo đầy ấn tượng:
Cụm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson thuộc biên chế Hạm đội 3 đã được lệnh thay đổi lịch trình ban đầu từ Singapore đi Australia để tiến về phía tây Thái Bình Dương.
Người phát ngôn của Bộ Tư lệnh úp mở, quyết định điều chỉnh hướng cơ động của cụm tàu sân bay USS Carl Vinson liên quan đến một mối đe dọa trong khu vực với chương trình phát triển tên lửa “vô trách nhiệm”, theo đuổi vũ khí hạt nhân, tức Triều Tiên.
Ngày 11/4, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nói với báo giới, USS Carl Vinson “đang trên đường tới đó”.
Còn Tổng thống Donald Trump công khai trả lời Fox Business Network phát sóng ngày 12/4: “Chúng tôi đang điều động một đội quân mạnh”.
Ngày 14/4, thời điểm các chuyên gia cảnh báo Bắc Triều Tiên đã sẵn sàng địa điểm cho cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6, Donald Trump nói với Fox News:
“Chúng tôi đang phái một đội quân mạnh, rất mạnh. Chúng ta có tàu ngầm, rất mạnh mẽ, mạnh hơn rất nhiều so với tàu sân bay.
Chúng ta có những quân nhân tốt nhất trên trái đất này. Và tôi sẽ nói điều này: Anh ta (Kim Jong-un) đã sai”.
Bản tin trên Fox News hôm 14/4 nói rằng, cụm tàu sân bay USS Carl Vinson mạnh mẽ đang tiến nhanh về bán đảo Triều Tiên. [3]
Góp phần phụ họa vào các tuyên bố này của Mỹ, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng thông báo, Tokyo đang phái các tàu chiến đến “điểm hẹn hội sư” với cụm tàu sân bay USS Carl Vinson trên biển Hoàng Hải, theo The Guardian ngày 12/4. [4]
Khi kế nghi binh – tâm lý chiến bại lộ
Người viết cho rằng, trước khi căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên, có thể nói lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump được nhiều tờ báo Mỹ vốn chống đối ông quyết liệt, đã ca ngợi quyết định bất ngờ bắn 59 quả Tomahawk vào một căn cứ quân sự ở Syria mà ông Trump đưa ra khi tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Mar-a-Lago, ảnh: Washington Times. |
Chính vì thế, những tuyên bố hùng hồn của Trump và đội ngũ cộng sự về việc gây sức ép quân sự tối đa lên Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên bằng những cánh quân tiêu biểu cho sức mạnh Mỹ, như cụm tàu sân bay USS Carl Vinson, không ai đặt câu hỏi nghi ngờ.
Nếu không có những bức ảnh cập nhật thường xuyên hoạt động của cụm tàu sân bay này được truyền thông phát hiện từ tờ Defence News, có lẽ dư luận vẫn tin tưởng vào các cam kết hành động của Nhà Trắng.
The San Diegou Union Tribune ngày 18/4 dẫn lời Shawn VanDiver, Giám đốc dự án Truman của San Diego bình luận:
“Sự lúng túng giữa chính quyền Donald Trump và các Bộ Tư lệnh trong quân đội Hoa Kỳ cần phải được sắp xếp lại, để tất cả các yếu tố cấu thành sức mạnh quốc gia có thể đưa ra cùng một thông điệp chiến lược.
Thông tin sai lệch có thể là một mối nguy hiểm với an ninh quốc gia 4D (4 chiều / 4 trục: quốc phòng, ngoại giao, chế độ dân chủ và phát triển), nhưng sai số sẽ bén như lưỡi dao khi đối phó với các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Chúng tôi không biết liệu Nhà Trắng và Lầu Năm Góc có thống nhất với nhau hay đây là một sự lừa bịp, mà suýt nữa đã khiến người Mỹ phải trả giá bằng sinh mạng.
Đây chỉ là một ví dụ về sự cần thiết của thông điệp mạnh mẽ và toàn diện hơn đối với các mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn”. [5]
Xung quanh động thái này, tờ South China Morning Post, Hồng Kông ngày 19/4 đưa tin, trong khi Lầu Năm Góc im lặng, một số chuyên gia Trung Quốc nhận xét:
“Đó là một chiến thuật không tốn gì mà có thể đe dọa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un”, Zhou Chenming từ Viện Nghiên cứu Chiến lược và quốc phòng Knowfar nói.
“Chiến thuật này mang đậm phong cách Donald Trump, nhưng tôi không nghĩ rằng đó là lựa chọn tốt để xử lý khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Bởi lẽ ông Kim Jong-un sẽ không thỏa hiệp dưới áp lực, đe dọa.
Ông ấy muốn nhận được một số cam kết từ Mỹ, Trung Quốc và Nga để đảm bảo chế độ hiện thời ở Triều Tiên”, Li Jing, một nhà phân tích hải quân từ Bắc Kinh cho hay.
Còn nhà quan sát quân sự Macau, ông Antony Wong Dong thì tin rằng, Bắc Kinh thừa biết USS Carl Vinson đang ở đâu (hôm 15/4), nhưng họ giữ im lặng. [6]
Phản ứng của Trung Quốc
Trung Quốc chưa chính thức lên tiếng về thông tin USS Carl Vinson cách bán đảo Triều Tiên 5,6 ngàn km ngày 15/4, nhưng tài khoản mạng xã hội của Thời báo Hoàn Cầu đã reo mừng:
“Cú lừa phỉnh bậy bạ! Không có cụm tàu sân bay nào của Mỹ Mỹ mà Hàn Quốc mong đợi trong tuyệt vọng đã xuất hiện”, The Washington Post cho biết. [1]
Xã luận Thời báo Hoàn Cầu bản tiếng Anh nhân cơ hội này để “chiêu hồi” Seoul: hãy đừng làm con tin vô tội trong khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo (bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD đi). [7]
Còn trên bản tiếng Trung Quốc, xã luận Thời báo Hoàn Cầu nói rằng cục diện bán đảo Triều Tiên diễn biến như hôm nay, Seoul cũng có phần trách nhiệm. [8]
Riêng với thông tin Ngoại trưởng Vương Nghị và Trưởng đoàn đàm phán Vũ Đại Vĩ muốn đi Bình Nhưỡng, nhưng Triều Tiên đóng cửa làm thinh, ý không muốn tiếp mà truyền thông Hoa Kỳ loan báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng.
Hôm 13/4 ông Lục Khảng nói với báo giới, ông không có thông tin nào về việc này.
Ngày 14/4 ông Khảng bảo mình không nắm được chuyện đó.
Đến ngày 17/4 vẫn bị báo chí truy vấn, ông Khảng hỏi vặn lại: “Quý vị lấy nguồn tin này ở đâu?” [9]
Đa Chiều ngày 18/4 bình luận, truyền thông “vặn vẹo” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc về việc có hay không chuyện ông Nghị, ông Vĩ muốn đi Triều Tiên nhưng Bình Nhưỡng đóng cửa không tiếp, không phải chuyện vô cớ.
Bởi lẽ xưa nay mỗi lần ông Vũ Đại Vĩ đi Hàn Quốc thì đều đi Triều Tiên hoặc ngược lại. Nhưng lần này ông chỉ đi Seoul mà không (hoặc không thể) đến Bình Nhưỡng, khiến dư luận đặt câu hỏi cũng là điều dễ hiểu.
Đặc biệt hơn nữa là bối cảnh vừa có diễn biến mới, Mỹ “bắn thông điệp” rằng họ sẽ không lật đổ chính quyền Triều Tiên, mà chỉ muốn phi hạt nhân hóa bán đảo.
Bắc Kinh cử đặc sứ đi Bình Nhưỡng lúc này để điều đình là chuyện chính đáng, dễ hiểu.
Tuy nhiên Đa Chiều lưu ý, chuyện các quan chức ngoại giao Trung Quốc chưa đi Bình Nhưỡng không có nghĩa là Bắc Kinh bị từ chối.
Cũng chẳng phải Triều Tiên đòi Trung Nam Hải cử đại diện cấp cao hơn (như ông Trương Cao Lệ – Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị, Phó thủ tướng), mà nhiều khả năng là “thời cơ chưa chín muồi”.
Không phải Donald Trump chỉ nói một câu đã khiến ông Kim Jong-un đủ lòng tin.
Có đàm phán đi nữa, Bình Nhưỡng cũng phải chủ động sắp xếp thời gian thích hợp, chứ không phải chạy theo Bắc Kinh và Washington, đó chính là “điều kiện chưa chín muồi” để ông Nghị, ông Vĩ đi Bình Nhưỡng. [9]
Thiện chí của Triều Tiên
Cũng Đa Chiều ngày 18/4 có bài viết của tác giả Tằng Cửu Bình nhận định, sở dĩ lạnh nhạt với đề nghị để Ngoại trưởng Vương Nghị, Trưởng đoàn đàm phán Vũ Đại Vĩ sang thăm Triều Tiên là vì ông Kim Jong-un không chấp nhận lối điều đình áp đặt nước lớn.
Tằng Cửu Bình đặt câu hỏi:
Tại sao trong lúc Mỹ xuống nước với tuyên bố không đặt giới hạn đỏ cho hành động quân sự chống Triều Tiên, bắn tin Washington không còn theo đuổi mục tiêu lật đổ chính quyền Bình Nhưỡng, thì Triều Tiên lại tiếp tục tuyên bố sẽ phát triển tên lửa đạn đạo, vũ khí hạt nhân?
Tại sao Bình Nhưỡng từ chối khéo không để ông Nghị, ông Vĩ sang đàm phán? Điều này có phải là bằng chứng cho thấy Triều Tiên thiếu thiện chí, hung hăng bất chấp, thách thức nước lớn hay còn nguyên nhân nào khác?
Đặt sang một bên những tuyên bố cứng rắn quen thuộc của Bình Nhưỡng, mà phương Tây vẫn gọi là “khiêu khích”, hành động thực tế của Triều Tiên vẫn cho thấy sự sẵn sàng đối thoại.
Vấn đề còn lại là điều kiện và thời gian nào thích hợp để đối thoại bắt đầu.
Trước ngày 15/4, Triều Tiên úp mở “chuyện quan trọng” khi mời 200 nhà báo quốc tế tới Bình Nhưỡng.
Ngày 15/4 qua đi mà chẳng có chuyện gì lớn xảy ra, ngoài cuộc duyệt binh thường thấy, trong lúc cả thế giới tập trung dồn chú ý về bán đảo với lo ngại, chiến tranh có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Thời Barack Obama cầm quyền, mỗi lần thử tên lửa hay hạt nhân, Bình Nhưỡng thường chỉ trích chính sách của Mỹ với Triều Tiên là “xâm lược, độc ác cực độ, áp bức chiến lược”…
Nhưng trong tuyên bố vụ phóng tên lửa ngày 12/2 khi Donald Trump đã trở thành Tổng thống Hoa Kỳ, Triều Tiên không còn chỉ trích, đe dọa Mỹ.
Tháng 2 năm nay, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên sang thăm Trung Quốc. Từ ngày 25/2 đến 1/3 đoàn đại biểu Viện Nghiên cứu Hòa bình và giải trừ quân bị thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên sang Trung Quốc giao lưu, trao đổi ý kiến về quan hệ Trung – Triều và cục diện bán đảo Triều Tiên.
Tháng 2 năm nay, Triều Tiên đã chuẩn bị xong các điều kiện để tiến hành đàm phán trực tiếp với chính phủ Tổng thống Donald Trump.
Vụ phó Vụ Hoa Kỳ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui đã lên kế hoạch đi Mỹ và trực tiếp báo cáo với ông Kim Jong-un.
Tuy nhiên vì sự kiện Kim Jong-nam, phía Washington từ chối cấp thị thực cho phái đoàn Triều Tiên, thành ra mong muốn đàm phán của Bình Nhưỡng không đi đến đâu.
Năm ngoái là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Barack Obama, Bình Nhưỡng cũng hy vọng ông Obama muốn để lại di sản chính trị – đối ngoại khi về hưu nên đã xúc tiến các cơ hội đàm phán Mỹ – Triều về bán đảo.
Tháng 4/2016 Ngoại trưởng Ri Su-yong thăm Mỹ và đưa ra các điều kiện đàm phán.
Cùng tháng, ông Kim Jong-un mời đầu bếp Nhật Bản thăm Triều Tiên và tiết lộ mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Tokyo.
Ông Kim Jong-un trong lễ duyệt binh hôm 15/4 ở Bình Nhưỡng, ảnh: AP. |
7 tháng sau, Bình Nhưỡng 3 lần đề nghị đối thoại quân sự với Seoul.
Phát biểu tại Đại hội toàn quốc đảng Lao Động Triều Tiên lần thứ 7, ông Kim Jong-un mong muốn cải thiện, bình thường hóa quan hệ với các quốc gia từng đối địch trong quá khứ.
Đại sứ Triều Tiên tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 23/5/2016 bất ngờ tuyên bố, Bình Nhưỡng sẵn sàng trở lại bàn đàm phán 6 bên, trong khi trước đó nước này liên tục từ chối.
Còn việc ai đó thắc mắc, thiện chí như thế thì tại sao lúc này Mỹ “xuống thang”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị muốn sang tận nơi thương thảo, Bình Nhưỡng lại âm thầm cự tuyệt?
Tác giả Tằng Cửu Bình cho rằng, bất đồng giữa các bên hiện nay không phải là đàm phán hay không, mà là đàm phán như thế nào.
Đàm phán dưới gọng kìm áp lực (quân sự – chính trị – kinh tế – thương mại của Trung – Mỹ) hiện nay là điều Bình Nhưỡng không thể chấp nhận được.
Cho dù Trung Quốc nắm nhiều đòn bẩy quan trọng đối với Triều Tiên, và có lẽ sớm muộn Bình Nhưỡng cũng vẫn phải thỏa hiệp, nhưng ông Kim Jong-un tuyệt nhiên không thể nhanh chóng chấp nhận điều đình và thỏa hiệp (theo bố trí của Bắc Kinh của Washington).
Trước khi đàm phán, Mỹ – Trung liên tục gây áp lực, Bình Nhưỡng cũng phải có quyền ra giá cho mình. [10]
Cá nhân người viết cho rằng, thông tin USS Carl Vison bị lộ rằng đang trên đường ra Ấn Độ Dương chứ không phải tiến về bán đảo Triều Tiên như đe dọa của Mỹ, có lẽ là sự cố nằm ngoài ý muốn và toan tính của Nhà Trắng.
Nguyên nhân nào hay lực lượng nào đã dẫn đến sự thay đổi này hiện chưa có đủ thông tin, nhưng tác động bất lợi cho chính sách của Hoa Kỳ đã rõ. Chiến lược gây sức ép bắt đối phương hạ vũ khí đầu hàng rồi mới nói chuyện rõ ràng thất bại.
Những phản ứng này cung cấp cho Triều Tiên những căn cứ xác thực để đánh giá tình huống, và lựa chọn của họ sẵn sàng điều đình, đàm phán, nhưng trong tư thế bình đẳng, không ép buộc, là có cơ sở.