Trung Quốc một nước lớn, đông dân, nên vấn đề lựa chọn nhân tài rất được coi trọng và cũng nhạy cảm. Các nhà lãnh đạo từng thời kỳ đều đưa ra tiêu chí riêng cho lựa chọn nhân tài.
Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng Lý Khắc Cường tại lễ kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 64 của Trung Quốc, ngày 1/10/2013 (Ảnh: Getty)
Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nên từ cổ kim đông tây từ xưa tới nay mọi quốc gia đều coi trọng công tác tuyển chọn người tài cho đất nước.
Kể từ thời kỳ Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước CHND Trung Hoa năm 1949 tới nay, tiêu chí lựa chọn nhân tài, tuyển chọn cán bộ của Trung Quốc qua các thời kỳ đều có thay đổi nhất định.
Đội ngũ công chức của Trung Quốc hiện nay khoảng gần 7 triệu người. Trong khi nước này chuẩn bị Đại hội khóa XIX của đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu năm nay, nên công tác tuyển chọn và cơ cấu quan chức được tiến hành khẩn trương nhằm tạo ra đội ngũ cán bộ phù hợp nhất với “Thời đại Tập Cận Bình”.
Tuyển chọn nhân sự qua các thời kỳ ở Trung Quốc
Ông Mao Trạch Đông đưa ra tiêu chí “vừa có giác ngộ chính trị vừa có chuyên môn” để tuyển chọn quan chức. Tuy nhiên hai tiêu chí này rất mơ hồ, trong đó sự giác ngộ chính trị được coi trọng hơn.
Tiếp đến thời kỳ Đại cách mạng văn hóa (1966 – 1976) tiêu chí lựa chọn cán bộ lấy thành phần giai cấp làm chuẩn, chủ yếu là những người xuất thân từ tầng lớp công – nông mà không chú trọng tới trình độ văn hóa hay kiến thức, còn tầng lớp trí thức bị coi là đối tượng cải tạo.
Vương Hồng Văn, xuất thân từ công nhân trong nhà máy y cụ ở Thượng Hải, mới tốt nghiệp sơ trung (trung học cơ sở), nhưng năm 1972 khi 37 tuổi đã được đưa lên chức Phó Chủ tịch đảng, ngang hàng với các bậc cách mạng lão thành như Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh…
Trần Vĩnh Quý là một nông dân, có thành tích xây dựng Công xã Đại Trại, năm 1975 được đưa lên giữ chức Phó Thủ tướng sau Chu Ân Lai.
Trần Vĩnh Quý hồi tưởng lại, vào tháng 1/1975, ông được Thủ tướng Chu Ân Lai khi đó đang nằm viện gọi tới và nói: “Đồng chí Trần Vĩnh Quý, tôi gặp để nói về vấn đề sắp xếp nhân sự. Đồng chí chuẩn bị giữ chức Phó Thủ tướng, phát huy tinh thần Đại Trại trong cả nước!”
Trần Vĩnh Quý nghe vậy, hốt hoảng nói, “Tôi không có trình độ văn hóa, làm sao đảm đương được trọng trách này!” Chu Ân Lai đáp, “Là đảng viên phải tuân theo sự sắp xếp của đảng.”
Vậy là, Trần Vĩnh Quý làm Phó Thủ tướng Trung Quốc từ năm 1975 cho tới tháng 9/1980 thì xin từ chức. Trần Vĩnh Quý hồi tưởng lại “Khi tiếp khách nước ngoài, tôi chẳng biết nói gì với họ mà cứ để cho Người phiên dịch nói gì thì nói”.
Trong thời kỳ Đặng Tiểu Bình nắm quyền, ở Hội nghị Bộ chính trị mở rộng tháng 8/1980, ông này đưa ra tiêu chuẩn “4 hóa” để lựa chon cán bộ, gồm “Cách mạng hóa, Trẻ hóa, Tri thức hóa, Chuyên môn hóa”.
Tháng 12/1982 tiêu chuẩn “4 hóa” được đưa vào Điều lệ ĐCSTQ trong Đại hội 12.
Trong tiêu chuẩn “4 hóa”, thì tiêu chí “Trẻ hóa” dựa trên năm sinh, “Tri thức hóa” lấy văn bằng làm cơ sở, “Chuyên môn hóa” lấy thâm niên công tác làm chính.
Tiêu chí “Cách mạng hóa” được đưa lên hàng đầu, nhưng lại rất mơ hồ. Đặng Tiểu Bình giải thích “Cách mạng hóa” là kiên trì đường lối xã hội chủ nghĩa. Do mơ hồ, nên đây là tiêu chí để các phe phái gạt những người không “cùng cánh”, đưa ồ ạt thân tín của mình vào các cơ quan nhà nước.
Để được lựa chọn vào các chức danh, tình trạng rất nhiều người đã sửa lại ngày tháng năm sinh để đạt được tiêu chí “Trẻ hóa”, rất nhiều người đã tìm cách mua các văn bằng giả để đạt được tiêu chí “Tri thức hóa”. Tình trạng này diễn ra tràn lan trong xã hội.
Báo chí Trung Quốc thời đó xuất hiện rất nhiều bài viết cho rằng 7 tiêu chí lựa chọn nhân tài của Gia Cát Lượng là “Chí, Biến, Thức, Dũng, Tính, Liêm, Tín” là công bằng và vẫn còn nguyên giá trị.
Ngoài ra, nhiều bài báo viết về truyền thuyết “Bá Nhạc chọn ngựa” từ thời Xuân thu Chiến quốc để so sánh với công tác lựa chọn cán bộ và nhân tài.
Các bài báo cho rằng “hiện ngựa tốt rất nhiều, nhưng thiếu Bá Nhạc”. Bởi vậy, cho dù 4 tiêu chí trên được ghi trong Điều lệ đảng, nhưng tồn tại nhiều khiếm khuyết.
Tới thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, chủ yếu vẫn dựa vào tiêu chí trên, đồng thời nhấn mạnh “thành tích thực tế”, nhưng vẫn dựa vào thân tín để lựa chọn quan chức nên mới hình thành các phe phái như “bang dầu khí” của Chu Vĩnh Khang, “Tây Sơn hội” của Lệnh Kế Hoạch, “phái quân đội” do Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu cầm trịch…
Tập Cận Bình muốn có cấp dưới như thế nào?
Khi lên nắm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu trước các quan chức cấp cao trong hội nghị nội bộ tháng 4/2013: “Mọi người đều biết, hiện nay tác phong của đảng Cộng sản chúng ta có một số không tốt. Một số cán bộ lãnh đạo hình thành Nhóm lợi ích, nó ảnh hưởng tới quan hệ giữa đảng với quần chúng nhân dân.”
Tiếp đó tháng 2/2014 phát biểu trong trong Hội nghị nội bộ, ông Tập nói: “Không giấu giếm gì mọi người, chúng ta tiến hành cải cách mở cửa hơn 30 năm, kinh tế tuy phát triển, nhưng chúng ta phải trả một giá quá đắt. Chưa nói gì tới việc chúng ta phải hy sinh môi trường sinh thái, mà chỉ nói riêng về đội ngũ cán bộ lãnh đạo chúng ta thì hầu như toàn bộ đều bị sa ngã.
Thưa các đồng chí, có thể nói rằng hiện nay chúng ta đang phải dựa vào một đội ngũ đông đảo quan chức tham nhũng để quản lý đất nước chúng ta đấy!”
Ngoài ra, bối cảnh khi Tập Cận Bình lên nắm quyền thì “màu sắc Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào” vẫn đậm nét trong cả hệ thống hành chính ở nước này, nên ông ở vào vị thế bất lợi. Bởi vậy, ông Tập nhanh chóng phát động chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ đập ruồi” để một mặt làm trong sạch bộ máy, mặt khác củng cố địa vị của mình trong và ngoài đảng.
Cùng với công tác thanh trừng cán bộ biến chất, ông đưa ra các tiêu chí để lựa chọn và sử dụng quan chức phù hợp với giai đoạn mới.
Trong Hội nghị toàn thể trung ương 3 Khóa XVIII tháng 12/2013, ông đưa ra tiêu chí gồm “Đạo đức, năng lực, cần cù, chính tích, liêm chính”.
Tiếp đó, tháng 3/2014 phát biểu trong Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Trung Quốc khóa XII, ông đưa ra tiêu chí “ba nghiêm ba thực” để lựa chọn và sử dụng cán bộ. “Ba nghiêm” gồm nghiêm chỉnh tu dưỡng, nghiêm chỉnh sử dụng chức quyền, nghiêm chỉnh khép mình vào kỉ luật. “Ba thực” gồm làm việc thực chất, sáng tạo thực chất, cán bộ thực chất.
Phát biểu trong cuộc tọa đàm với các bí thư Huyện ủy tháng 1/2015, Tập Cận Bình đưa ra tiêu chuẩn “4 chữ tâm” lựa chọn cán bộ, gồm: Tâm có đảng, Tâm có dân, Tâm có trách nhiệm, Tâm có kỉ luật.
Đối với các thành viên ĐCSTQ, ông Tập yêu cầu thêm ” 4 chữ sắt”, gồm Niềm tin sắt đá, Tư tưởng sắt đá, Kỉ luật sắt đá và Trách nhiệm sắt đá.
Thanh lọc và thay thế: Bộ máy của ông Tập đang thành hình
Chiến dịch “đả hổ” phát động từ năm 2013 và duy trì đến nay đã giúp Trung Quốc loại bỏ quan chức biến chất và đưa những người “hợp tiêu chuẩn” vào các cương vị lãnh đạo.
Tính tới nay, có 13 Ủy viên trung ương, 14 Ủy viên dự khuyết đã bị Bắc Kinh xử lý kỉ luật và đưa ra xét xử về tội tham nhũng. Gần 200 quan chức địa phương, trong đó hơn 50 cán bộ lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, 29 người đã bị đưa ra tòa án xét xử.
Ngoài ra, có hơn 130 lãnh đạo địa phương và gần 2.200 quan chức cấp Sở, Ban ngành ở các tỉnh thành phố bị xử lý hoặc đưa ra xét xử. Hiện có hơn 3.270 quan chức cấp tỉnh đang trong quá trình bị thẩm tra và xử lý.
Đối với quân đội, có hơn 100 tướng đương nhiệm, hồi hưu, chuyển ngành bị xét xử, trong đó có 5 Thượng tướng, 6 Trung tướng, còn lại là cấp Thiếu tướng.
Cùng với chiến dịch chống tham nhũng, ông Tập đã điều chỉnh lại đội ngũ quan chức theo loạt tiêu chí kể trên.
Số liệu của Trung Quốc cho thấy tới nay về cơ bản nước này đã tiến hành điều chỉnh xong ở cấp tỉnh, thay đổi 230 cán bộ chủ chốt, trong đó đã điều chỉnh 19 Bí thư tỉnh ủy, chiếm trên 50% và 22 Tỉnh trưởng, chiếm 71%.
Đáng lưu ý là trong số lãnh đạo mới được đưa lên, có 12 Bí thư tỉnh ủy và 9 Tỉnh trưởng không phải là Ủy viên trung ương cũng không phải là Ủy viên dự khuyết nhưng vẫn được giao chức vụ chủ chốt.
Đối với cán bộ lãnh đạo cấp Bộ, tới trước Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII vào tháng 3/2017, Trung Quốc đã thay thế 13 quan chức cấp này.
Mạng tin của Ủy ban kiểm tra kỉ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) ngày 29/3/2017 cho biết công tác sắp xếp nhân sự Đại Hội XIX đang “triển khai toàn diện”.
Tháng 10/2016, Phó ban thường vụ Ban Tổ chức trung ương Trung Quốc Trần Hy cho báo giới biết, công tác lựa chọn các chức vụ trong Đại hội XIX được thực hiện theo phương châm “Kiên trì đúng đắn công tác lựa chọn cán bộ của đảng”.
Ông Trần nhấn mạnh công tác lựa chọn cán bộ phải theo “Tiêu chí ba không thể”, gồm: Không thể chỉ bồi dưỡng đơn thuần, Không thể dùng những người không thực chất, Không thể dùng người không có năng lực làm cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đồng thời ông cũng nhấn mạnh “Phải kiên quyết phòng tránh tình trạng chỉ căn cứ vào tuổi tác”.
Dư luận cho rằng điều này có nghĩa là những cán bộ tuy tuổi cao nhưng có năng lực vẫn được trọng dụng, như trường hợp Bí thư CCDI Vương Kỳ Sơn.
Trang Đa chiều ngày 15/3/2017 bình luận kỳ họp Quốc hội và Chính hiệp toàn quốc năm nay của Trung Quốc đã toát lên một tiếng nói chung là nhấn mạnh “Hạt nhân lãnh đạo”, “Đoàn kết xung quanh Hạt nhân lãnh đạo Tập Cận Bình”.
Tờ Minh Báo (Hồng Kông) ngày 22/3/2017 cho biết có khả năng “Tư tưởng Tập Cận Bình” sẽ được ghi vào Điều lệ đảng trong Đại hội XIX, đặt ngang hàng với “Tư tưởng Mao Trạch Đông” và “Lý luận Đặng Tiểu Bình”, bỏ qua Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.
Bởi vậy, Đại Hội XIX của Trung Quốc lần này chắc chắn sẽ là một cuộc “thay máu”, với rất nhiều khuôn mặt mới xuất hiện trong các cương vị lãnh đạo.