Monday, December 23, 2024
Trang chủThâm cung bí sửTham vọng của Tập Cận Bình khi làm điều cả Mao Trạch...

Tham vọng của Tập Cận Bình khi làm điều cả Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình không dám

Các Tập đoàn quân trong Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể lần đầu tiên trong lịch sử đổi tên đơn vị – tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay.

 

Đặng Tiểu Bình duyệt binh ở Bắc Kinh ngày 3/10/1984 (Ảnh: Xinhua)

Động thái này như một phần trong nỗ lực tái cấu trúc lực lượng quân sự lớn nhất thế giới do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động.

“Số thứ tự mới của 13 Tập đoàn quân Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu từ 71 và kết thúc ở 83,” một quan chức quân đội cấp cao đã nghỉ hưu ở Bắc Kinh nói với SCMP.

PLA từng có tới 70 Tập đoàn quân, được đánh số thứ tự từ 1, vào thời điểm đảng Cộng sản Trung Quốc giành quyền kiểm soát đất nước năm 1949. Hiện nay, số lượng Tập đoàn quân còn lại 13, sau khi ông Tập ra lệnh giải thể 5 Tập đoàn quân năm nay.

Trong số các Tập đoàn quân có thể bị đổi tên có Tập đoàn quân số 1, từng là một bộ phận của Quân dã chiến số 1 – nơi cha ông Tập Cận Bình là Tập Trọng Huân phục vụ trong thời kỳ nội chiến, với vai trò Chính ủy.

Các nhà phân tích nói rằng ngay cả hai lãnh đạo tiền nhiệm đầy quyền lực của Trung Quốc trong quá khứ là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình cũng chưa từng có ý định đổi tên các Tập đoàn quân. Nhưng ông Tập dường như rất quyết tâm chặn đứng tình trạng bè phái trong PLA.

Quan chức về hưu nói trên cho hay, 13 Tập đoàn quân được đổi tên nằm trong số 84 đơn vị mới hình thành sau tái cấu trúc mà ông Tập công bố hôm nay (25/4), khi ông gặp các quan chức chỉ huy ở trụ sở PLA tại Bắc Kinh.

Trong cuộc gặp, ông Tập yêu cầu các chỉ huy trung thành tuyệt đối với ĐCSTQ – tờ PLA Daily của quân đội Trung Quốc đưa tin. 84 đơn vị mới hình thành nằm trong lộ trình đại cải tổ quân đội diễn ra từ năm 2015, nhằm đưa PLA thành lực lượng tác chiến linh hoạt và hiện đại.

“Ngoại trừ Mao Trạch Đông, chưa từng có ai dám tiến hành những thay đổi mạnh mẽ trong PLA theo cách quyết liệt như thế,” một cựu quan chức quân đội khác ở Bắc Kinh cho biết.

“Nhưng động thái đáng kể nhất của Mao vào đầu thập niên 1970 cũng chỉ là hoán đổi vị trí lãnh đạo của 8 chỉ huy quân đội để ngăn chặn tình trạng chia bè kết phái.”

Một nguồn tin thân cận với quân đội cũng nói rằng việc ông Tập đổi tên các đơn vị PLA nhằm “ngăn chặn tình trạng chia rẽ và ảnh hưởng độc hại” gây ra bởi hai cựu Phó chủ tịch Quân ủy trung ương đã “ngã ngựa” là Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu.

Tham vọng vượt qua Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình

Giáo sư Trường Luật và Khoa học chính trị ở Đại học Thượng Hải, ông Chen Daoyin nói rằng Tập Cận Bình đặt mục tiêu “xây dựng điều gì đó sáng tạo và ưu việt hơn” cả Mao lẫn Đặng.

“Hệ thống Tập đoàn quân đã thay đổi trong nhiều thập kỷ sau khi lực lượng được thành lập vào cuối thập niên 1920, mà Mao đóng vai trò then chốt trong tạo dựng và chỉnh đốn PLA, trước khi ĐCSTQ giành quyền lực vào năm 1949. Còn nhiệm vụ chính của Đặng là cắt giảm quy mô của PLA vào cuối thập niên 1970,” giáo sư Chen nói.

“Tuy nhiên, tham vọng của ông Tập còn táo bạo hơn Đặng Tiểu Bình. Ông ấy đang cố gắng vượt qua Mao bằng cách loại bỏ triệt để cấu trúc cũ của PLA và tái thiết nó.”

Hồi năm ngoái, ông Tập đã tái cơ cấu 7 Đại quân khu của nước này thành 5 Đại chiến khu, với 4 cơ quan quân sự đầu não – Tham mưu, chính trị, hậu cần và vũ khí, cùng 15 cơ quan nhỏ hơn trực thuộc.

Quy mô nhân sự của PLA cũng đang được thu nhỏ, với mục tiêu cắt giảm 300.000 người trong số 2.3 triệu nhân viên quân sự.

Giới chuyên gia quân sự cho biết những Tập đoàn quân được giữ lại trong cuộc cải tổ đều là các đơn vị tinh nhuệ và trải qua nhiều cuộc chiến, điển hình là Tập đoàn quân số 38, 42, 27 và 39 – các lực lượng từng tham gia Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Chuyên gia quân sự Antony Wong Dong ở Macau lo ngại việc đổi tên Tập đoàn quân sẽ xóa sổ “thành tích vinh quang” trong quá khứ của lực lượng trên bộ thuộc PLA. Ông cho biết mình khó chấp nhận Tập đoàn quân 38 có thể bị đổi tên thành 81.

Học giả Chen Daoyin lại cho rằng Tập Cận Bình không nhằm vào thành tích của các lực lượng, nhưng hành động của ông là biện pháp cần thiết để tinh giản hệ thống chỉ huy quân sự cho phù hợp với môi trường tác chiến hiện đại.

“Việc đổi tên đơn thuần là quyết định sáng tạo để giúp các Tập đoàn quân tích hợp với hải quân, không quân, lực lượng tên lửa và các nhóm khác, nhằm thúc đẩy khả năng tác chiến toàn diện của PLA,” ông Chen nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới