Friday, December 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNếu chiến tranh, Mỹ và Triều Tiên sẽ 'ra tay' thế nào?

Nếu chiến tranh, Mỹ và Triều Tiên sẽ ‘ra tay’ thế nào?

Giới phân tích đang vẽ ra bức tranh về một thảm họa tiềm tàng – các vũ khí hóa học được phóng qua biên giới, một trận mưa pháo dội xuống Seoul, tấn công hạt nhân nhằm vào các thành phố lớn và một cuộc thử nghiệm thực tiễn hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Triều Tiên có lực lượng vũ trang lớn. (Ảnh: AP)

Khi Barack Obama rời Nhà Trắng, thông tin cho biết ông đã nói với người kế nhiệm, Donald Trump rằng Triều TIên là thách thức cấp bách nhất mà tân Tổng thống Mỹ phải đối mặt.

Triều Tiên đã nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân và các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), với mục đích chế được một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn tới Mỹ. Bình Nhưỡng lập luận điều này là cần thiết để tự vệ trước Mỹ xâm lược.

Chính quyền Kim Jong Un cũng tuyên bố đã đạt tới năng lực thu nhỏ một quả bom hạt nhân để lắp vừa lên tên lửa. Tuy vậy, nước này vẫn chưa có một tên lửa tầm xa hoạt động hiệu quả.

Phía Mỹ đang thể hiện quyết tâm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Tổng thống Donald Trump đang tăng cường sức ép ngoại giao và quân sự lên quốc gia châu Á này. Ông cũng thúc giục Trung Quốc tác động nhằm kiềm tỏa chính quyền Kim Jong Un.

Bên cạnh đó, Washington đã lắp đặt và đưa vào hoạt động hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân THAAD ở Hàn Quốc.

Mỹ không loại trừ một cuộc tấn công quân sự vào Triều Tiên nếu các nỗ lực trên thất bại. Phía Bình Nhưỡng thì đe dọa sẽ tấn công phủ đầu. Hành động quân sự ở cả hai phía có thể dẫn tới một cuộc xung đột thảm khốc. Như chính ông Trump thừa nhận, một cuộc chiến tiềm ẩn với Triều Tiên có thể cướp mạng sống của nhiều triệu người.

Quyết định tấn công

Mỹ cho rằng ít có khả năng Triều Tiên đe dọa được sự tồn vong của nước này bằng cách mở một cuộc tấn công vào Mỹ và các đồng minh. Các vũ khí hạt nhân của Mỹ rất tinh vi và có khả năng ngăn chặn cao.

Tuy vậy, cuộc khẩu chiến giữa hai bên thời gian vừa qua khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ chiến tranh bùng nổ. Đặc biệt là khi siêu hàng không mẫu hạm Mỹ Carl Vinson được điều tới khu vực.

Malcolm Davis, một nhà phân tích thuộc trung tâm Năng lực và Chiến lược Quốc phòng của Viện Chính sách Chiến lược Australia nhận xét, nếu Triều Tiên tiếp tục theo đuổi công nghệ tên lửa hạt nhân thì nước này có thể đẩy Mỹ vào thế tấn công trước.

“Thách thức sẽ trong khoảng thời gian 18 tháng, vì Triều Tiên đang tiến rất gần tới khả năng lắp được một đầu nổ hạt nhân lên một ICBM”, ông Malcolm Davis nói với hãng tin SBS News. “Mỹ sau đó sẽ buộc phải hành động để ngăn chặn Triều Tiên, không để bị đe dọa”.

Theo Davis, phát triển một tên lửa có thể phóng bom hạt nhân tới đất Mỹ sẽ là một lằn ranh đỏ không thể dung thứ đối với siêu cường thế giới này.

Mỹ tấn công

Hiện chưa rõ nếu tấn công trước nhằm vào Triều Tiên thì Mỹ sẽ ra tay thế nào. Tuy nhiên, giới phân tích đồn đoán đó sẽ là một cú giáng bất ngờ để giảm thiểu khả năng bị trả đũa. 

Mặc dù vị trí của không lực và hải quân Triều Tiên tương đối dễ nhắm tới, nước này vận hành hàng trăm máy phóng tên lửa hành trình tầm trung và tầm ngắn di động, theo một báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2015. Và các tên lửa Triều Tiên có tầm bắn tới nhiều thành phố lớn như Tokyo và Seoul, kể cả một số căn cứ của Mỹ trong khu vực.

Lầu Năm Góc hiện có hơn 73.000 quân đang đóng ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Và tuy Mỹ đủ sức phá hủy các máy phóng tên lửa di động của Triều Tiên thì việc định vị chính xác chúng cùng lúc vẫn là một thách thức. Do vậy, một số bệ phóng vẫn có thể tồn tại sau cú đánh ban đầu. 

Hành động của Triều Tiên

Giới phân tích cho rằng, phản ứng của Triều Tiên sẽ rất nhanh chóng.

Bất kỳ một kiểu tấn công quân sự nào cũng sẽ dẫn tới một sự đáp trả dễ leo thang thành chiến tranh tổng lực.

Ngoài năng lực tên lửa, Mỹ nghi Triều Tiên đang duy trì một chương trình vũ khí hóa học. Nước này có một quân đội lớn, truyền thống và phản ứng nhanh – hầu hết đều đang chốt ở vị trí dễ dàng tấn công Hàn Quốc. Lầu Năm Góc tin họ có thể hành động ngay mà không cần đến cảnh báo.

Thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ cách biên giới 50km, nên như mô tả của Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain thì “sự tàn sát là rất khủng khiếp”.

Theo giới chuyên gia, bất kỳ đòn tấn công nào nhằm vào Triều Tiên đều có thể kéo theo một sự trả đũa đau thương.

“Trong một số viễn cảnh tồi tệ nhất, chúng ta đang nói đến chiến tranh toàn diện trên bán đảo Triều Tiên. Chúng ta nói đến việc Triều Tiên dội pháo vào Seoul, phóng các vũ khí hóa học, sinh học, thậm chí hạt nhân, nhằm vào Hàn Quốc và Nhật Bản. Vì vậy chúng ta phải chuẩn bị cho điều đó”, ông Davis nhận định.

Phản ứng của Trung Quốc

Trong nhiều năm, Trung Quốc là đồng minh lớn của Triều Tiên, hỗ trợ mạnh về kinh tế. Nước này làm như vậy là có tính toán chiến lược của riêng mình, theo giáo sư Pei Minxin, một chuyên gia về quan hệ Mỹ – Trung. “Với phần còn lại của thế giới, Triều Tiên dường như rất hung hăng và vô lý, nhưng với trung Quốc, Triều Tiên rất có giá trị, đóng vai trò như một vùng đệm an ninh giữa Mỹ và Trung Quốc”, ông nhận định, bổ sung rằng nếu không có Triều Tiên thì 28.000 quân Mỹ ở Hàn Quốc sẽ chốt giữ ngay ở cửa ngõ Trung Quốc.

Năm 1950, Mỹ và Trung Quốc bị lôi kéo vào cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng ngày nay, tuy Trung Quốc không thích Mỹ phô diễn hàng không mẫu hạm trong khu vực và thiết lập hệ thống THAAD ở Hàn Quốc, hai nước cũng khó mà có thể lao vào vào chiến tranh vì Triều Tiên.

Dù vậy, nếu chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên xảy ra thì sẽ có tác động lớn đến Trung Quốc, đặc biệt là nguy cơ một cuộc khủng hoảng tị nạn tràn qua biên giới. Vì vậy, Bắc Kinh không hề muốn điều này.

Tránh thảm họa

Giới phân tích cho rằng, trong một cuộc chiến với Triều Tiên thì sẽ không có bên nào thắng.

Mỹ sẽ đặt hàng chục nghìn binh sĩ trong khu vực vào nguy hiểm, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể bị tấn công các thành phố lớn, chế độ ở Bình Nhưỡng có nguy cơ sụp đổ còn Trung Quốc sẽ phải giải quyết một thảm họa chiến lược và nhân đạo lớn.

Nhưng vì đến nay không quốc gia nào có sáng kiến giải quyết xung đột nên các tính toán chiến lược của Triều Tiên và Mỹ sẽ trở nên khó dàn xếp.

“Giải pháp thực sự đối với Mỹ và Trung Quốc là bằng cách nào đó hợp tác với nhau để xóa bỏ mối đe dọa này. Nhưng vấn đề là phải làm điều đó thế nào mà không gây ra chiến tranh trên bán đảo. Và tình hình rất bất trắc, bởi vì lãnh đạo của cả Mỹ và Triều Tiên đều rất khó đoán”, phân tích gia Malcolm Davis bình luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới