Saturday, November 16, 2024
Trang chủĐiểm tinTừ chối viện trợ có điều kiện, Philippines khó rời TQ?

Từ chối viện trợ có điều kiện, Philippines khó rời TQ?

Chính sách mới của Philippines phản đối viện trợ phát triển đi kèm với những điều kiện sẽ được áp dụng cho tất cả các quốc gia tài trợ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Bắc Kinh ngày 15/5. Ảnh: Reuters

Đây là tuyên bố của Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano ngày 19/5 sau khi các quan chức nước này khẳng định Manila đã từ chối khoảng 250 triệu euro (gần 289 triệu USD) khoản viện trợ của EU bởi sự viện trợ này “sẽ bao gồm cả việc xem lại sự tôn trọng của chúng tôi với các quy định luật pháp”.

Trước đó ngày 17/5, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Philippines Franz Jessen cho biết Manila đã thông báo với EU rằng họ sẽ ngừng nhận viện trợ phát triển từ EU, qua đó khiến cho các chương trình hỗ trợ người nghèo và những khu vực xung đột ở miền Nam quốc gia Đông Nam Á có nguy cơ đổ vỡ.

Theo ông Jessen, quyết định không nhận viện trợ từ EU, vốn thường xuyên chỉ trích cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, đồng nghĩa với việc mất đi khoảng 250 triệu euro được phân bổ chủ yếu cho các cộng đồng Hồi giáo.

Động thái từ chối viện trợ từ EU của Philippines diễn ra trong bối cảnh Manila nhận được cam kết tài trợ hàng tỷ USD từ Trung Quốc sau khi tham dự diễn đàn Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh.

Trung Quốc cũng cho biết sẽ ủng hộ Philippines trong cuộc chiến chống ma túy và thúc đẩy hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn. Bốn thỏa thuận được kí kết trong chuyến thăm cùng các dự án cơ sở ha tầng, biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển nguồn lực con người, năng lượng…

Bộ trưởng Thương mại Philippines Ramon Lopez cho biết, với các dự án theo khuôn khổ Vành đai và Con đường của Trung Quốc có thể giúp thúc đẩy đầu tư và thương mại cho Philippines.

Theo ông Lopez, với việc chính quyền Philippines mở cánh cửa mối quan hệ song phương với vào năm ngoái, nước này đang được hưởng lợi từ viện trợ và hỗ trợ của Trung Quốc trị giá lên tới 24 tỷ USD.

Tại diễn đàn Vành đai và Con đường, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa khẳng định: “Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển của mình với phần còn lại của thế giới.

Nhưng chúng tôi sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, không xuất khẩu hệ giá trị cũng như mô hình phát triển của mình, đồng thời không buộc các nước khác phải chấp nhận chúng”.

Đây có vẻ là nguyên nhân khiến Philippines và nhiều quốc gia khác dễ dàng chấp nhận viện trợ cũng như các khoản đầu tư từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, bất cứ cái gì cũng có hai mặt, Philippines cũng đang phải ngậm bồ hòn để đổi lấy viện trợ khủng “không điều kiện” từ Trung Quốc.

Bằng chứng là bên lề diễn đàn Vành đai và Con đường, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra lời cảnh báo đối với Philippines liên quan đến tình hình biển Đông.

Theo lời Tổng thống Duterte, nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng sẽ có chiến tranh xảy ra nếu Manila khoan dầu trên biển Đông cũng như cố gắng thực thi phán quyết của Tòa trọng tài thường trực ở La Hay (Hà Lan).

Không dừng ở đó, theo giới phân tích, từ vị thế của người chiến thắng sau phán quyết về Biển Đông của Tòa The Hague vào giữa năm ngoái, Philippines đã tự biến mình thành “dưới cơ” khi đồng ý đối thoại song phương với Trung Quốc về các tranh chấp trên biển.

Cụ thể, ngày 19/5, Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Jose Santa Romana đã dẫn đầu đoàn đại biểu Philippines tham dự cuộc đối thoại song phương đầu tiên giữa Trung Quốc và Philippines về tranh chấp trên Biển Đông. Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc.

Hai bên đã trao đổi quan điểm về “tầm quan trọng của việc giải quyết các mối quan ngại chung, những sự cố và tranh chấp trên Biển Đông”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo vắn tắt sau cuộc gặp.

Cuộc đối thoại diễn ra chỉ một ngày sau khi ASEAN và Trung Quốc kết thúc vòng tham vấn thứ 14 về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Quý Dương, nơi vừa diễn ra cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN, được chọn làm nơi Bắc Kinh và Manila bàn chuyện riêng về Biển Đông.

Tiến sĩ Mathew Davies, trưởng khoa quan hệ quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Úc, nhận định động thái của Manila đã mở đường cho Bắc Kinh ngày càng lấn lướt: “Trung Quốc xem ra đang giành thế thượng phong trong các cuộc tranh luận, nguy cơ những quốc gia khác sẽ phải bám theo (các cuộc đối thoại song phương với Trung Quốc)”.

Tiến sĩ Davies cho rằng thậm chí chính quyền Manila còn có phần “làm khó” cho nỗ lực hướng tới giải pháp mang tính đa phương trong tranh chấp Biển Đông, gây ảnh hưởng đến vị thế của các bên còn lại trong tranh chấp.

RELATED ARTICLES

Tin mới