Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ chào đón Tổng thống Nga Vladimir Putin ở cung điện Versailles bên ngoài thủ đô Paris vào ngày 29/5 tới để khai mạc một triển lãm kỷ niệm 300 năm quan hệ Nga- Pháp, một quan chức trong văn phòng Tổng thống Pháp hồi đầu tuần đã cho biết như vậy. Điện Kremlin cũng đã xác nhận thông tin về chuyến thăm chính thức của Tổng thống Putin đến Pháp. Đây là dấu hiệu lạc quan về triển vọng khôi phục quan hệ Nga-Pháp sau những sóng gió gây ra vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine và Syria.
Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
Câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu Tổng thống Putin có thể tận dụng cơ hội lần này để phá vỡ thế trận bao vây mà phương Tây thiết lập và siết chặt quanh Nga trong suốt mấy năm qua hay không?
Mối quan hệ giữa Paris và Moscow đã leo thang căng thẳng dưới thời cựu Tổng thống Francois Hollande. Tổng thống Putin thậm chí còn hủy chuyến thăm dự kiến đến Pháp hồi tháng 10 năm ngoái, sau khi ông Hollande khăng khăng tuyên bố sẽ chỉ bàn chuyện Syria với ông chủ điện Kremlin.
Hai nước Nga và Pháp đã đối đầu nhau gay gắt vì cuộc khủng hoảng ở Syria và việc Moscow hậu thuẫn cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Pháp cũng là một trong những nước thành viên chính của Liên minh Châu Âu (EU) thúc đẩy thực thi chính sách trừng phạt Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Hôm 18/5 vừa rồi, Tổng thống Putin và tân Tổng thống Pháp Macron đã lần đầu tiên có cuộc điện đàm và hai nhà lãnh đạo này đã nhất trí tiếp tục thảo luận về tình hình Syria cũng như Ukraine dù hai bên còn tồn tại nhiều mâu thuẫn.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Macron được cho là người có lập trường cứng rắn với Nga hơn các đối thủ chính của ông này. Tuy nhiên, ông Macron vẫn khẳng định việc tiếp tục đàm phán với Moscow là điều vô cùng quan trọng.
Ông Macron cũng từng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga nếu không có tiến triển trong việc thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk ở Ukraine.
Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Challenges hôm 18/5, Đại sứ Nga tại Pháp – ông Alexander Orlov cho biết, Moscow hy vọng tân Tổng thống Macron sẽ thể hiện sự độc lập và tự quyết so với người tiền nhiệm Hollande. “Nga sẵn sàng đi những bước đi đầu tiên với tân Tổng thống Pháp để vượt qua sự thiếu tin tưởng giữa hai nước trong những năm gần đây”.
Những phát biểu trên của ông Orlov cho thấy, Nga hy vọng Pháp sẽ không phụ thuộc vào chính sách của EU để thúc đẩy khôi phục quan hệ song phương với Moscow. Chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Pháp rõ ràng là một dấu hiệu tích cực và lạc quan cho mối quan hệ Moscow-Paris.
Nga dường như đang chơi nước cờ “đánh” vào từng nước một trong EU để dần dần phá vỡ thế trận của phương Tây từ bên trong. Nước cờ này nhiều khả năng sẽ thành công khi có không ít các nước EU đang dao động về chính sách trừng phạt Nga bởi chính họ đang chịu tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt này.
EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ năm 2014, sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát và Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Chính sách trừng phạt của phương Tây đã gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga.
Nga vốn là đối tác thương mại lớn thứ ba của châu Âu, vì vậy, “đánh” vào nền kinh tế Nga đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp của các nước thành viên EU sẽ phải hứng chịu những hậu quả không khác gì những công ty của Nga.
Trong bối cảnh như vậy, một số nước thành viên của Liên minh châu Âu lâu nay vẫn có ý muốn hàn gắn, khôi phục lại quan hệ với Nga để tránh phải tiếp tục hứng chịu những tổn thất gây ra từ cuộc chiến trừng phạt.