Theo truyền thông Trung Quốc những vụ án gián điệp trên chỉ là một phần trong hoạt động phản gián của các cơ quan an ninh nước này.
Một hoạt động tại trụ sở CIA. Ảnh: CIA
Gần đây, The New York Times đưa tin, kể từ năm 2010, khoảng 20 nguồn tin của CIA bị “giết hoặc bỏ tù” tại Trung Quốc. Sau đó, hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo cũng cáo buộc, trong tháng 3 vừa qua, sáu người đàn ông Nhật cũng bị Bắc Kinh buộc tội hoạt động gián điệp tại nước này.
Trong khi đó, trả lời báo chí, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định, các cơ quan an ninh nước này tiến hành điều tra và xử lý theo pháp luật Trung Quốc nhằm vào các đối tượng có hành vi gây nguy hại đến an ninh lợi ích quốc gia.
Báo động nguy cơ an ninh
Theo truyền thông Trung Quốc, những vụ án gián điệp trên chỉ là một phần trong hoạt động phản gián của các cơ quan an ninh nước này. Bởi trước đó đã có một số công dân Nhật Bản bị Bắc Kinh cáo buộc tội danh gián điệp.
Tại thời điểm hồi tháng 9/2015, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định, cơ quan an ninh Trung Quốc khi đó vừa bắt giữ hai công dân Nhật Bản do liên quan đến hoạt động gián điệp.
Giới chuyên gia Trung Quốc nhận định, “việc hàng loạt gián điệp nước ngoài hoạt động tại nước này bị bại lộ thân phận phản ánh nỗ lực phản gián trong nội địa cũng như việc Bắc Kinh phải đối mặt với nguy cơ an ninh quốc gia nghiêm trọng”.
Tuy nhiên, đối với các cơ quan an ninh Trung Quốc, nguy cơ an ninh nghiêm trọng nhất lại đến từ những lãnh đạo cấp cao thoái hóa biến chất trên chính trường nước này.
Ví như, năm 2012, do mâu thuẫn và nhằm tránh vòng vây của Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, Giám đốc Sở Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân đã mang theo chứng cứ về cấp trên nửa đêm chạy tới Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô “lánh nạn”.
Sự kiện này đã gây rúng động cả giới quan chức cấp cao Trung-Mỹ, đồng thời tiềm ẩn một “sự cố quan hệ ngoại giao song phương” nếu sự việc không được kịp thời xử lý.
Hay như cựu “trùm an ninh” Chu Vĩnh Khang – người từng đứng đầu Ủy ban Chính pháp trung ương và Bộ Công an đã bị kết án do “cố ý tiết lộ bí mật quốc gia, tình tiết đặc biệt quan trọng”. Đến hiện nay, truyền thông Trung Quốc vẫn chưa xác định được nội dung bí mật quốc gia hay đối tượng mà Chu Vĩnh Khang tiết lộ.
Lệnh Kế Hoạch hồi tháng 7/2015 cũng bị khởi tố với tội danh lưu trữ trái phép thông tin cơ mật quốc gia. Em trai Lệnh Kế Hoạch là Lệnh Hoàn Thành từng bị chỉ trích khi “cung cấp lượng lớn văn kiện cơ mật” cho Washington; tuy nhiên, ông này đã phủ nhận cáo buộc trên.
“Thành quả” của hoạt động phản gián
The New York Times dẫn lời cựu quan chức CIA cho biết, các nguồn tin của CIA tại Trung Quốc bắt đầu cạn dần vào năm 2010 và biến mất vào đầu năm 2011. Nói cách khác, tình báo phản gián của Trung Quốc đã hoạt động tích cực vào thời gian này.
Giới quan sát đánh giá, kết quả này phản ánh “thành quả” từ những cải cách thể chế sâu rộng toàn diện của đảng cộng sản Trung Quốc.
Thứ nhất, luật phản gián được cải thiện. Đặc biệt, vào tháng 11/2014, Đại hội nhân đại toàn quốc Trung Quốc đã sửa đổi “Luật an ninh quốc gia” ban hành năm 1993 thành “Luật phản gián”, thể hiện rõ ràng mục đích chống gián điệp của Bắc Kinh.
Hay như tháng 4/2017, Sở Công an Bắc Kinh cũng ra một quy định, công dân cung cấp thông tin gián điệp sẽ nhận được 100.000 đến 500.000 Nhân dân tệ (1 NDT tương đương 0.145 USD).
Thứ hai, nâng cao kỷ luật trên quan trường. Sau Đại hội 18 ĐCSTQ (2012), Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương CCDI được tăng cường quyền hạn, phạm vi giám sát cũng được mở rộng. Các cán bộ quan chức Trung Quốc chịu sự ràng buộc của hệ thống kỷ luật nghiêm khắc.
Thứ ba, củng cố hệ thống an ninh. Bằng chứng là sự thành lập của Ủy ban an ninh quốc gia vào năm 2013. Đây được đánh giá là một tổ chức “bí ẩn”, phụ trách các vấn đề, sách lược then chốt về an ninh quốc gia. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện đứng đầu ủy ban này.
Tại hội nghị của Ủy ban an ninh quốc gia vào tháng 5/2014, ông Tập đã lần đầu tiên đề xuất sáng kiến “An ninh quốc gia tổng thể”, tức xây dựng một hệ thống an ninh quốc bao gồm an ninh chính trị, an ninh quân sự, an ninh kinh tế, an ninh xã hội v.v…
Một số ý kiến dự đoán, những lĩnh vực an ninh trên có thể đều do Ủy ban an ninh quốc gia nắm quyền quyết sách. Nếu đúng như vậy, tất cả các đơn vị như công an cảnh sát, hệ thống tình báo quân đội, hay Bộ Ngoại giao đều nằm dưới quyền kiểm soát của Ủy ban an ninh.
Đối tượng của hoạt động gián điệp đều nằm trong tầm kiểm soát của kế hoạch “An ninh quốc gia tổng thể”, cũng là một trong những mục tiêu của Ủy ban an ninh. Những vụ án gián điệp liên tiếp bị lật tẩy gần đây rất có thể là thành quả của ủy ban này.