Saturday, December 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThiết quân luật chống khủng bố ở Philippines: Duterte khôn ngoan hay...

Thiết quân luật chống khủng bố ở Philippines: Duterte khôn ngoan hay đang “đùa với lửa”?

Bị bất ngờ trước cuộc tấn công của nhóm chiến binh Hồi giáo Maute vào thành phố Marawi, Tổng thống Philippines đã ra lệnh thiết quân luật trên đảo Mindanao.

Quân chính phủ Philippines trên một chiếc xe bọc thép tại Marawi. Ảnh: Reuters

Biến cố bất ngờ

Tổng thống Rodrigo Duterte ra lệnh thiết quân luật trên đảo và rút ngắn chuyến thăm Nga để trở về Philippines ngay, để lại Nga bầu đoàn tháp tùng để ký kết những thỏa thuận với Moskva.

Không biết nên coi đó là bi hay hài khi một trong những mục đích chính chuyến công du Nga và đồng thời cũng là một trong những chuyến công du nước ngoài ít ỏi của ông Duterte là mua vũ khí chuyên dụng hiện đại của Nga, để đối phó với những phần tử và tổ chức khủng bố ở Philippines, thì cuộc tấn công khủng bố quy mô dữ dội rất hiếm thấy trong nhiều năm trở lại đây xảy ra.

Không loại trừ khả năng thủ phạm vụ tấn công trên đã tính tiến hành tấn công khủng bố khi ông Duterte công du và tìm kiếm sự hậu thuẫn từ bên ngoài đối phó chúng.

Điều chắc chắn được là chúng đã có được thời điểm thích hợp để tối ưu hóa tác động của sự chống đối, thách thức chính phủ Philippines và Tổng thống.

Duterte không lạ lẫm gì nhóm khủng bố Maute và chúng cũng không lạ lẫm gì ông, từ trước khi ông trở thành tổng thống. Chúng cũng không lạ gì tính cách và kiểu cầm quyền của Duterte thể hiện cả ở đối nội lẫn đối ngoại, đặc biệt trong cuộc chiến mà ông tiến hành chống tội phạm ma tuý. 

Biện pháp không khoan nhượng và đối sách kiên quyết, thực hiện bằng mọi giá và tính khí hay thay đổi, cứng rắn chứ không ôn hoà, sẵn sàng cực đoan và luôn sẵn sàng sử dụng tối đa quyền lực của mình, hành động bất ngờ và phát ngôn theo ngẫu hứng – những nét đặc thù về tính cách cá nhân và tính chất chính sách của Tổng thống Duterte đã không ít lần được chứng minh và cũng được thể hiện rõ sau những gì vừa xảy ra ở Marawi.

Chúng giải thích vì sao ông Duterte ban hành ngay lệnh thiết quân luật không chỉ ở Marawi mà còn cả trên đảo, đồng thời công khai ý định mở rộng phạm vi áp dụng ra khắp đất nước, và không chỉ có trong 6 tháng như Hiến pháp nước này năm 1987 quy định mà cho thời hạn một năm.

Ông Duterte muốn qua đó thể hiện là kiểm soát được hoàn toàn tình hình, khẳng định chủ định không khoan nhượng và đối phó mạnh tay, nhằm trấn an tâm lý dân chúng và răn đe những phần tử, tổ chức khủng bố hoặc ly khai.

Thiết quân luật và Philippines

Khi xưa, Ferdinand Marcos đã nắm quyền ở Philippines với lệnh thiết quân luật trong suốt 14 năm. Bây giờ, ở xứ này không có chuyện lịch sử lặp lại nhưng có chuyện lệnh thiết quân luật lại được sử dụng.

Nó cho thấy cuộc xung đột về sắc tộc và tôn giáo dai dẳng gần 6 thập kỷ qua ở Philippines đi cùng với không chỉ bạo lực, chết chóc và hủy hoại mà còn cả ly khai lãnh thổ hiện vẫn trầm trọng như thế nào.

Kể từ sau khi ông Marcos bị lật đổ, những người tiền nhiệm của ông Duterte trên cương vị tổng thống Philippines đã nhiều lần cố gắng khởi động và thúc đẩy tiến trình hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc, đã đạt được tiến triển nhất định nhưng vẫn còn cách thành công cuối cùng rất xa.

Nếu những lo ngại và bằng chứng ban đầu có cơ sở là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhúng tay vào vụ tấn công ở Marawi, bất kể trực tiếp hay gián tiếp, thì chuyện cũ lâu nay ở Philippines dễ dàng có thể trở thành chuyện mới, vì bối cảnh tình hình mới và vì có tác động mới.

Tác động mới này là sự lây lan ảnh hưởng của IS. Tác động mới này còn là cách thức xử lý vụ việc của ông Duterte khi thể hiện thiện chí và quyết tâm đàm phán để đạt giải pháp chính trị hòa bình, nhưng lại thiếu kiên nhẫn và chưa linh hoạt đủ mức cần thiết, nên đàm phán được khởi động nhưng rồi lại trì trệ và ngưng trệ, thậm chí cả đổ vỡ nữa.

Nếu trong vụ việc hiện tại ở Marawi có bàn tay của IS thì sẽ vô cùng tai hại đối với Philippines và khó khăn phức tạp đối với ông Duterte.

Bài học kinh nghiệm chống khủng bố ở các nước trên thế giới trong thời gian gần đây là ngăn cản sự thâm nhập và lây lan của IS từ bên ngoài đồng thời xử lý ổn thỏa mọi vấn đề liên quan đến người theo đạo Hồi ở bên trong.

Xem ra, ở Philippines thời gian qua đã tập trung chủ yếu và trước hết vào chuyện chống tội phạm và ma tuý, dường như có phần sao nhãng tác động của IS tới sự cực đoan hóa những phần tử Hồi giáo ly khai ở miền Nam nước này.

Cũng chính vì thế bây giờ câu chuyện không chỉ là chống tội phạm và ma túy nữa, mà cuộc chiến chống khủng bố và giải quyết mối bất hòa giữa chính phủ Philippines với những lực lượng, tổ chức Hồi giáo chủ trương ly khai ở miền Nam đất nước mới là thách thức lớn nhất, thực chất nhất và cũng nguy hiểm nhất đối với cá nhân ông Duterte, về khả năng và bản lĩnh lãnh đạo đất nước, về đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ mà thống nhất được nội bộ xã hội và đoàn kết được cả dân tộc.

Cầm quyền bằng lệnh thiết quân luật chẳng khác gì cuộc chơi với con dao hai lưỡi, càng như thế đối với những người có thiên hướng lãnh đạo bằng biện pháp quyền lực quyết liệt như Tổng thống Duterte.

RELATED ARTICLES

Tin mới