Monday, December 23, 2024
Trang chủĐiểm tin"Kình địch" Mỹ - Trung và nỗi lo của châu Á trước...

“Kình địch” Mỹ – Trung và nỗi lo của châu Á trước thềm Shangri-La 2017

Ngả sang Mỹ hay về phe Trung Quốc không phải một quyết định dễ dàng trước bối cảnh căng thẳng hiện tại.

Khi Trung Quốc bắt đầu “trỗi dậy”, mối quan hệ đối đầu giữa nước này và Mỹ, cường quốc số 1 thế giới, cũng trở nên căng thẳng hơn, đặc biệt tại khu vực Đông Á, nơi vị trí của Washington thực sự bị đe dọa.

Sự cạnh tranh ngày càng gia tăng đã khiến các nước trong khu vực lo ngại về khả năng bùng phát một cuộc xung đột giữa hai cường quốc thế giới và buộc phải chọn ngả sang một phe.

Trung Quốc “trỗi dậy”

Kể từ sau Thế chiến II, Mỹ đã giữ ưu thế về mặt quân sự trong khu vực. Ưu thế này, cùng với trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu (quyết định các nguyên tắc thương mại, đầu tư, an ninh) phần nào đã tạo điều kiện cho nhiều quốc gia châu Á phát triển.

Tuy nhiên, Trung Quốc, kể từ khi cải cách và mở cửa năm 1978, đã vươn mình sang phía Đông và Đông Nam Á trên phương diện kinh tế, đặc biệt là trong những năm 1990.

Sự chuyển mình của kinh tế Trung Quốc trong thời gian này đã đem lại lợi ích cho nhiều nền kinh tế trong khu vực bởi lĩnh vực sản xuất của nước này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhập khẩu từ bên ngoài. Bắc Kinh cần nguyên liệu để vận hành các nhà máy sản xuất hàng cho phương Tây.

Khi thương mại nở rộ, Trung Quốc và các nền kinh tế trong khu vực bắt đầu xây dựng cơ chế, bao gồm cả các thỏa thuận thương mại tự do, để hỗ trợ mối quan hệ làm ăn, khiến hai bên thêm gần gũi.

Năm 2002, sau một số tình huống đối đầu trên biển Đông liên quan tới tranh chấp lãnh hải, Trung Quốc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) với ASEAN để tránh bùng phát xung đột và mở đường cho Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). 

Khi Trung Quốc phát triển, nước này bắt đầu hiện đại hóa quân đội, đặc biệt tập trung vào lực lượng hải quân để phục vụ cho lợi ích trên biển ngang ngược của mình.

Về mặt ngoại giao, Trung Quốc đã theo đuổi những bước đi như: Dàn xếp tranh chấp biên giới với Nga năm 2005, chủ trì đàm phán 6 bên từ năm 2003 để giải quyết vấn đề Triều Tiên, khởi động tổ chức Hợp tác Thượng Hải cùng Nga và 4 quốc gia Trung Á để chống khủng bố, và xây dựng quan hệ với các quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên này.

Học thuyết Monroe và “bẫy Thucydides”

Tất cả những động thái trên khiến người Mỹ phải lo ngại về ý đồ của Trung Quốc trong khu vực.

Từ 2005, ông Jeffrey Bader, học giả thuộc viện nghiên cứu Brookings Institution đã cho rằng: “Những bước tiến vượt trội trong quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng châu Á đã khiến người Mỹ băn khoăn về thái độ của Trung Quốc đối với Mỹ”.

“Một số người cho rằng Trung Quốc đang tìm kiếm một thứ kiểu như Học thuyết Monroe đối với châu Á, nhằm loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực”, ông Bader nói.

(Học thuyết Monroe là một chính sách nổi tiếng của Mỹ đối với Tây bán cầu ra đời năm 1823. Phản đối chủ nghĩa thực dân châu Âu ở châu Mỹ, học thuyết này nhằm ngăn cản tình trạng “xâu xé” lục địa mới giữa các cường quốc lúc bấy giờ. )

Cũng trong năm 2005, tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ Donald Rumsfeld đã đặt ra nghi vấn về sự gia tăng trong chi tiêu quân sự của Trung Quốc và cảnh báo rằng những hệ thống tên lửa đạn đạo được cải tiến sẽ cho phép này “tấn công nhiều mục tiêu ở nhiều khu vực trên thế giới”.

“Vì không nước nào đe dọa Trung Quốc, người ta phải đặt ra câu hỏi: Tại sao lại tăng cường đầu tư như vậy? Tại sao lại tiếp tục thúc đẩy mua sắm quân sự như vậy?”

Đáp lại, ông Thôi Thiên Khải, người dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc lúc đó nói: “Ông thực sự tin rằng Trung Quốc không chịu sự đe dọa từ bất kỳ nơi nào trên thế giới ư? Và ông thực sự tin rằng Mỹ cảm thấy mối đe dọa từ sự trỗi dậy của Trung Quốc?”

Bên lề của diễn đàn này vào năm sau, ông Richard Armitage, cựu cố vấn của Tổng thống Mỹ George W. Bush đã ghi nhận tầm quan trọng về sự trỗi dậy của Trung Quốc: “Điều đó đã chuyển hướng sự chú ý của chúng tôi. Và có rất nhiều người ở Mỹ muốn tái kích thích quan hệ của chúng tôi với Đông Nam Á”. 

Nhưng chính quyền của Bush lúc đó còn bận tâm tới cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Phải tới thời của người kế nhiệm, Barack Obama, chiến lược xoay trục châu Á mới được thực hiện vào năm 2011, giữa bối cảnh căng thẳng gia tăng về tranh chấp chủ quyền ở biển Đông và biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Á.

Mỹ bắt đầu củng cố liên minh và đối tác an ninh trong khu vực, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.

Đó cũng là lúc Trung Quốc, với sức mạnh kinh tế nổi bật, bắt đầu bành trướng, ngang ngược trưng ra một tấm bản đồ với những yêu sách trái phép trên biển Đông năm 2009; tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông năm 2013 và liên tục bồi đắp trái phép trên biển Đông.

Xuyên suốt quá trình, Bắc Kinh vẫn tiếp tục hiện đại hóa và xây dựng lực lượng quân sự. 

Những động thái này một phần là nhằm đáp trả chiến lược xoay trục châu Á của cựu Tổng thống Mỹ Obama, thứ mà Trung Quốc coi là chiến lược nhằm cản bước mình.

Tính tới khi nhiệm kỳ của Obama kết thúc hồi đầu năm nay, mối quan hệ Mỹ – Trung đã trở nên vô cùng căng thẳng, “chứa đầy sự nghi kỵ, ngờ vực lẫn nhau và những mâu thuẫn rõ rệt về chính sách”, David Shambaugh, chuyên gia về Trung Quốc của đại học George Washington nhận định.

Các nhà phân tích khác còn băn khoăn liệu hai bên có tiến tới chiến tranh, rơi vào “bẫy Thucydides” hay không.

(“Bẫy Thucydides” là để chỉ tình huống khi một thế lực thống trị đứng trước thách thức đến từ một thế lực đang lên, dẫn tới xung đột bạo lực. Ở trong bối cảnh châu Á, “bẫy Thucydides” chỉ quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó, vị trí của Mỹ bị Trung Quốc “trỗi dậy” đe dọa và có thể đi tới chiến tranh).

Tuy nhiên, tình thế đã đổi chiều sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức vào tháng 1, đặc biệt sau khi ông có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 4. Hai bên đã đồng ý hợp tác về vấn đề Triều Tiên và duy trì đối thoại. Gần đây, Mỹ và Trung Quốc còn nhất trí về một thỏa thuận thương mại 10 điểm.

Ít nhất trong vòng vài tháng tới, mối quan hệ đối đầu Mỹ – Trung nhiều khả năng sẽ không trở nên tồi tệ, giáo sư Shi Yinhong thuộc đại học Nhân dân nhận định. 

Vấn đề này chắc chắn vẫn sẽ nổi lên tại Đối thoại Shangri-La năm nay, dù trực tiếp hay gián tiếp, nhưng mức độ căng thẳng của nó sẽ còn phụ thuộc vào chuyện quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc tốt đẹp tới mức nào.

RELATED ARTICLES

Tin mới