Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa có một tuyên bố gây sốc là “chúng ta (chỉ châu Âu) sẽ không thể tiếp tục dựa vào Mỹ”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến đồng minh châu Âu “thất vọng”
Đức muốn châu Âu tự quyết định số phận của mình
Châu Âu sẽ phải tự mình nắm lấy số phận, hành động độc lập hơn! – đây là kết luận của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel sau Hội nghị thượng đỉnh G-7 – nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mang lại thất vọng cho các nước thuộc Liên minh châu Âu.
Bà Angela Merkel và những nguyên thủ quốc gia châu Âu tham gia G-7 đã “tìm thấy rất ít” sự đồng thuận với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, cũng không ai có thể nghĩ rằng, bà Merkel lại có những phát ngôn bất ngờ kêu gọi các nước EU “tách biệt rõ ràng khỏi Hoa Kỳ”.
Những tuyên bố này được bà Merkel đưa ra như một “Lời chúc đoàn kết khi nâng cốc” (Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thống đốc bang Bavaria Horst Seehofer muốn phô trương mối quan hệ mới được thiết lập giữa họ thông qua truyền thông bằng cuộc trao đổi trong quán bia).
Tuy nhiên, chủ đề chi phối duy nhất của lời chúc đoàn kết này lại là một tuyên bố tạo sự ngăn cách giữa Mỹ với EU. Điều này không khác gì một thông điệp của Thủ tướng Đức với thế giới, thể hiện việc bà không còn sẵn sàng dựa vào Mỹ “như một đối tác quan trọng không thể thiếu”.
Giới truyền thông đã nhắc đi nhắc lại và nhấn mạnh vào câu nói của bà Angela Merkel: “Thời gian mà chúng ta có thể hoàn toàn dựa vào những người khác đã lùi lại phía sau, tôi cảm thấy rất rõ như vậy trong những ngày gần đây”.
Theo các chuyên gia, ý bà Merkel nhắc đến hội nghị thượng đỉnh G-7 được tổ chức trong 2 ngày 26 và 27 vừa qua ở Sicily, với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Và đây là lần đầu tiên mà cuộc gặp đó không còn mang đúng tính chất lịch sử của “G7” mà đã trở thành cuộc gặp “6 đối 1”.
Tại cuộc họp, Tổng thống Mỹ đã chặn từng điểm mục chung về vấn đề người tị nạn và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, ông chỉ trích mức xuất khẩu vượt trội nhập khẩu của Đức (theo một số nguồn tin, ông Trump gọi người Đức là “rất xấu”. Đối với ông, lợi ích của Mỹ có vai trò quan trọng: “Nước Mỹ là trên hết”).
Gần như cùng lúc xuất hiện phát biểu gây xôn xao giới truyền thông của bà Merkel, ông Trump đã viết trên Twitter: “Tôi vừa trở về từ châu Âu. Chuyến đi này là một thành công lớn cho nước Mỹ. Công việc khó khăn, nhưng có những kết quả tuyệt vời!”.
Niềm vui của ông Trump là nỗi buồn của bà Merkel và châu Âu. Tuy nhiên, có lẽ đã đến lúc châu Âu không cam chịu mãi là “cái bóng” của Mỹ. Và những dấu hiệu mới nhất đã cho thấy điều đó.
Phát biểu của bà Merkel và những kết quả ít ỏi từ G-7 tạo cảm giác tiêu cực về việc giải quyết các vấn đề công nghiệp và các nước đang phát triển tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hamburg vào đầu tháng 7 nhưng nó còn cho thấy viễn cảnh u ám trong quan hệ giữa Mỹ với châu Âu.
Đức-Pháp sẽ lãnh đạo châu Âu “thoát Mỹ” cả về quân sự?
Ngoài sự độc lập với Mỹ về đường lối đối ngoại như phát biểu của bà Merkel, rất có thể là đầu tàu của Liên minh châu Âu cũng đang manh nha ý tưởng “thoát Mỹ” về cả quân sự, khi dường như Đức đang nỗ lực thực hiện ý tưởng thành lập một “NATO châu Âu” để tự bảo vệ mình.
Ngay trước khi bà Merkel đưa ra những phát biểu này, giới quân sự châu Âu đã xôn xao trước thông tin Đức muốn thành lập Lực lượng quân sự chung châu Âu, độc lập với NATO do Mỹ lãnh đạo.
Thực ra, đây không phải là lần đầu giới truyền thông đồn đại về vấn đề này, tuy nhiên, đến nay đã có những hành động cụ thể để xác nhận rằng, đó không chỉ là tin đồn
Theo đó, Đức và các đối tác là Cộng hòa Séc và Romania đã thực hiện những bước đi quyết liệt hướng tới một “đội quân riêng của Liên minh châu Âu”. 2 quốc gia này đã công bố hội nhập lực lượng vũ trang của họ với các đơn vị của Quân đội Đức (Bundeswehr).
Theo đó, Lữ đoàn cơ giới 81 của Romania sẽ kết hợp với sư đoàn phản ứng nhanh của Đức, Lữ đoàn 4 phản ứng nhanh của Séc gia nhập Sư đoàn tăng số 10 của Đức. Như vậy, Séc và Romania đã theo gương Hà Lan, nước đã hợp nhất ba lữ đoàn vào quân đội Đức.
Giới phân tích cho rằng, tuy còn chưa thể khẳng định chắc chắn, nhưng đây là dấu hiệu cho thấy quốc gia được coi là thủ lĩnh của NATO ở châu Âu hiện đang thúc đẩy các đồng minh phát triển quân đội chung châu Âu, độc lập với NATO, qua đó, giảm sự chi phối của Mỹ vào các vấn đề an ninh châu Âu.
Câu khẩu hiệu “Người châu Âu thực sự cần tự nắm lấy số phận của mình” lại tiếp tục được nữ Thủ tướng Đức nhấn mạnh một lần nữa, nhưng điểm đặc biệt đáng lưu ý là bà cũng đề cao vai trò của tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong việc viết lên một trang sử mới cho EU.
Nils Annen, phát ngôn viên Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) về chính sách đối ngoại cho biết, lịch sử luôn cho thấy có sự tiến bộ khi Pháp và Đức cùng hợp tác làm việc. Nếu Đức không làm điều này, ở góc độ nào đó Liên minh châu Âu sẽ bị tước mất Pháp.
Trong bối cảnh đó, tân Tổng thống Pháp đã có những tuyên bố cho thấy dường như các chuyên gia đã nhận định đúng về vai trò lãnh đạo của Đức-Pháp đối với một Liên minh châu Âu ngày càng độc lập, ít phụ thuộc vào Mỹ.
Trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Taomina, Sicily, Italia, Tổng thống Pháp Emmanual Macron đã bày tỏ quan điểm đề cao vai trò của Nga trong việc giải quyết các sự vụ quốc tế và công khai tuyên bố đang “tìm kiếm những cuộc đối thoại với Moscow”.
Ngay trước thềm chuyến thăm Pháp của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 29/5, ông Macron đã khẳng định vai trò không thể thay thế của Nga trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine và cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.
Sau khi nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, Pháp trở thành cường quốc hạt nhân duy nhất trong EU và cũng là nước duy nhất của khối này là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; trong khi đó, Đức đang là đầu tàu kinh tế của EU.
Trong bối cảnh Anh sẽ rời Liên minh châu Âu và luôn khẳng định quan điểm ủng hộ đường lối đối ngoại và chiến lược toàn cầu của Mỹ, Pháp và Đức có đầy đủ cơ hội để trở thành cặp bài trùng lãnh đạo con đường phát triển trong tương lai của EU và một khối quân sự mới.