Chiến dịch tấn công tổng lực từ trên không và cả dưới mặt đất của Lực lượng Vũ trang Philippines nhằm vào nhóm khủng bố trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hôm qua (31/5) đã bước sang tuần thứ hai. Thực tế này là một lời nhắc nhở ám ảnh về nhiều thập kỷ bạo lực đẫm máu ở các tỉnh miền nam bất ổn ở Philippines.
Cuộc chiến kéo dài ngoài dự kiến của quân đội Philippines với lực lượng khủng bố Hồi giáo ở thành phố Marawi đã trở nên căng thẳng hơn khi các chiến binh khủng bố có trong tay vũ khí, đạn dược mà chúng ăn cắp được từ một nhà tù và có thêm lực lượng viện binh là những tù nhân vừa được chúng phóng thích, các nguồn tin quân sự hôm qua cho biết.
Chính phủ Philippines đã triển khai máy bay, trực thăng tấn công và lực lượng bộ binh cho chiến dịch tiến đánh và bao vây các thành viên của nhóm khủng bố Maute ở một khu vực trung tâm. Tuy nhiên, Manila thừa nhận, nhóm khủng bố Maute vẫn tiếp tục cố thủ ở khu vực chiếm 1/10 lãnh thổ của thành phố Marawi.
“Quân đội đang truy lùng khủng bố khắp mọi ngõ ngách nhằm đảm bảo chúng không thể ẩn náu ở những ngôi nhà”, quân đội Philippines cho biết trong một tuyên bố được phát đi trên website chính thức của họ.
Có thể thấy, dù là một nhóm chiến binh nhỏ, nhóm Maute vẫn chống trả được trước sức tấn công mạnh mẽ của quân đội Philippines và chúng vẫn cố thủ được ở một số khu vực của thành phố Marawi bất chấp các cuộc không kích ồ ạt của Philippines. Có khoảng 30 đến 40 chiến binh của nhóm Maute được cho là đã rời khỏi thành phố Marawi.
Sau khi chính phủ tăng cường chiến dịch tấn công bằng cách bắn tên lửa từ trực thăng, 8 chiến binh hôm qua đã đầu hàng, cung cấp “thông tin tình báo quý giá”, Lực lượng Vũ trang Philippines cho biết. Tuy nhiên, làm thế nào mà nhóm chiến binh nhỏ Maute lại có thể chiến đấu giằng co với quân đội được trong suốt hơn một tuần qua và thậm chí còn khiến chính phủ Philippines lo sợ về việc chúng có thể mở rộng cuộc chiến sang các thành phố lân cận?
Xét về mặt vũ khí, nhóm Maute vẫn ngoan cố chống trả được là nhờ có nguồn vũ khí là súng trường và đạn dược mà chúng cướp được từ một đồn cảnh sát, một nhà tù và một xe bọc thép của cảnh sát, phát ngôn viên quân đội Philippines – ông Restituto Padilla cho hay. Những vũ khí đó được tin là do Mỹ sản xuất. Các chiến binh được phóng thích khỏi một nhà tù ở địa phương được cho là đang tham chiến, sát cánh bên nhóm Maute.
Nhóm Maute còn tuyển mộ trẻ em tham gia vào chiến dịch của chúng, thậm chí có những em bé chỉ mới 4 tuổi. Nhóm khủng bố này chủ yếu nhằm mục tiêu vào những trẻ em dễ tổn thương như trẻ em mồ côi và sử dụng trẻ em trong các video tuyên truyền cũng như trong cuộc chiến chống lại quân đội Philippines.
Nhóm Maute còn bắt con tin. Không rõ những con tin bị chúng bắt giữ còn sống hay không nhưng lực lượng khủng bố ban đầu sử dụng con tin như là tấm lá chắn sống.
Ngoài ra, sức chống cự quyết liệt của nhóm Maute còn được cho là xuất phát nhóm này đang tìm cách chứng minh bản thân của chúng với IS và tìm cách nhận được sự “phê chuẩn” là một chi nhánh của IS ở Đông Nam Á.
Elsa Clave – một chuyên gia về Philippines ở Viện Goethe ở Frankfurt, cho rằng, nhóm Maute chỉ là một trong nhiều nhóm vũ trang ở miền nam Philippines đang tranh đua để giành được sự công nhận quốc tế. Với sự ngoan cố kháng cự đến cùng, nhóm Maute cho thấy chúng là mối đe dọa đáng lo ngại với Philippines.
Hầu hết người dân trong thành phố Marawi đã chạy khỏi các khu vực chiến sự nhưng vẫn có tới 2.000 người được cho là đang mắc kẹt trong thành phố. Ủy ban Hội chữ Thập đỏ Quốc tế đã bày tỏ quan ngại về viễn cảnh người dân rơi vào làn bom đạn của cuộc chiến.
Theo con số thống kê của chính phủ Philippines, cuộc khủng hoảng đang diễn ra hiện nay ở Marawi đã khiến hơn 100 người thiệt mạng, trong đó có ít nhất 19 dân thường, 20 thành viên của lực lượng an ninh và 89 tên chiến binh. Một linh mục của đạo Thiên chúa giáo bị bắt làm con tin cho biết, ông đang bị giam giữ cùng với 200 người khác, trong đó có trẻ em.
Khu vực này từng chứng kiến một cuộc nổi dậy ly khai của người Hồi giáo kéo dài trong nhiều thập kỷ, khiến hơn 120.000 người thiệt mạng kể từ những năm 1970.