BienDong.Net: Theo kênh truyền hình New Delhi Television, Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 25/8 cho biết, nước này đang cân nhắc khả năng thăm dò dầu khí tại 5 lô trên khu vực Biển Đông theo lời mời hợp tác từ phía Việt Nam – một nước bạn bè đặc biệt quan trọng của Ấn Độ tại khu vực Đông Nam Á.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj đang có chuyến thăm Việt Nam kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ ngày 25/8.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj (phải) trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh tại Hà Nội. Ảnh: AFP
Mặc dù Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với hầu như toàn bộ khu vực Biển Đông, song Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin cho biết, Việt Nam khẳng định 5 lô dầu khí này nằm trong khu vực Việt Nam có chủ quyền. Việt Nam đã đưa ra đề nghị hợp tác khai thác với Ấn Độ từ tháng 11 năm ngoái và hiện Ấn Độ đang tiến hành đánh giá dữ liệu liên quan.
Theo các nguồn tin, Ấn Độ tin tưởng một số giếng dầu tại khu vực này sẽ có sản lượng rất cao và có khả năng sẽ tiến hành thăm dò. Mặc dù vậy, cho đến nay vẫn chưa có thỏa thuận nào được ký kết.
Việt Nam đang đấu tranh với Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền trên khu vực Biển Đông, nơi có nguồn tài nguyên dồi dào, trữ lượng cá lớn và các tuyến hàng hải tấp nập. Việt Nam coi Ấn Độ là nước bạn bè, đồng thời là nước ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc.
Chuyến thăm của bà Swaraj sẽ tập trung vào quan hệ kinh tế và quốc phòng giữa hai nước. Tháng 9 tới, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee sẽ tới thăm Việt Nam và kênh truyền hình New Delhi Television được biết trong chuyến thăm này ông sẽ chính thức cấp thêm khoản tín dụng trị giá 100 triệu USD cho Việt Nam sử dụng vào lĩnh vực quốc phòng.
Với khoản tín dụng này, Việt Nam có thể mua thêm từ 2 tới 3 tàu tuần tra. Mặc dù vậy, Việt Nam hiện muốn mua rất nhiều thứ như thiết bị do thám, máy bay không người lái, xe tăng, tàu chiến và tên lửa hành trình Brahmos.
Các chuyên gia quốc phòng cho rằng 100 triệu USD là một khoản tín dụng nhỏ, song có ý nghĩa rất quan trọng bởi đây sẽ là thông điệp lớn gửi tới Trung Quốc. Trung Quốc sẽ bị thất vọng bởi nước này luôn coi Đông Nam Á là khu vực chịu ảnh hưởng của họ.
BDN