Monday, September 23, 2024
Trang chủĐiểm tinÔng Donald Trump tiếp tục xoá sổ di sản của người tiền...

Ông Donald Trump tiếp tục xoá sổ di sản của người tiền nhiệm Obama

Tổng thống Donald Trump chiều 1.6 chính thức thông báo sẽ rút Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris năm 2015 được ký bởi người tiền nhiệm Barack Obama, nhưng sẽ tìm cách ký một thỏa thuận mới có lợi hơn cho doanh nghiệp và người đóng thuế Mỹ.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố tại Vườn Hồng ngày 1.6. (Ảnh: AP)

Kết thúc đồn đoán trong những ngày qua, Tổng thống Donald Trump thông báo ông sẽ chấm dứt sự chấp hành của Mỹ với một số phần không mang tính ràng buộc của thỏa thuận Paris ngay lập tức, trong khi cũng kêu gọi đàm phán để đạt được một “thỏa thuận công bằng.”

“Chúng ta sẽ rút ra” – ông Donald Trump nói tại Vườn Hồng Nhà Trắng giữa tiếng vỗ tay nhiệt liệt. “Thỏa thuận khí hậu Paris đơn giản là ví dụ mới nhất của việc Washington gia nhập một thỏa thuận gây tổn hại cho Mỹ. Từ ngày hôm nay, Mỹ sẽ chấm dứt mọi việc thi hành thỏa thuận không có tính ràng buộc này” – VOA dẫn lời Tổng thống Donald Trump.

Cựu Tổng thống Barack Obama bày tỏ sự bất mãn về quyết định rời bỏ thỏa thuận toàn cầu đầu tiên nhằm đưa tất cả các quốc gia “tiến theo con đường carbon thấp, và để bảo vệ thế giới mà chúng ta để lại cho con cái của mình”.

Ông Barack Obama lưu ý rằng, các doanh nghiệp tư nhân ở Mỹ đã tỏ rõ sự ủng hộ của họ đối với thỏa thuận Paris, “mở rộng cánh cửa cho các doanh nghiệp, nhà khoa học và kỹ sư để khai mở ra đầu tư và sự canh tân công nghệ cao, ít carbon và trên quy mô chưa từng có”

Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump cho biết, ông đã nghe từ “rất nhiều từ những người từ cả hai phía” trong khi ông cân nhắc những lựa chọn của mình.

Phát ngôn viên Sean Spicer nói những người được tham vấn bao gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của Mỹ và các nhà lãnh đạo nước ngoài.

Hành động này là một sự đảo ngược đáng kể chính sách từ thời Obama, làm hài lòng cơ sở ủng hộ của Đảng Cộng hòa nhưng khiến những người vận động vì môi trường và các đồng minh của Mỹ tức giận.

Thỏa thuận này, đã được 195 nước phê chuẩn, có tính ràng buộc về mặt pháp lý trên lý thuyết, dù quyền hạn thi hành của nó khá yếu.

Ví dụ, các mục tiêu phát thải carbon không có tính ràng buộc thực hiện. Theo thỏa thuận, Mỹ cam kết cắt giảm từ 26% đến 28% lượng phát thải carbon dioxide đến trước năm 2025. Nếu Mỹ không đạt được mục tiêu đó thì không có hệ quả pháp lý nào.

Quyết định của Tổng thống Donald Trump rời bỏ thỏa thuận được đưa ra sau khi một nhóm 22 thượng nghị sĩ Cộng hòa gửi một bức thư vào tuần trước trong đó kêu gọi Tổng thống Mỹ “dứt bỏ hoàn toàn thỏa thuận Paris”.

Bức thư lập luận rằng “ở lại trong thỏa thuận này sẽ khiến Mỹ gặp rủi ro về kiện tụng,” điều mà có thể làm phức tạp thêm những nỗ lực của ông Donald Trump đảo ngược các quy định thời ông Obama, được gọi là Kế hoạch Năng lượng Sạch.

RELATED ARTICLES

Tin mới