Thursday, December 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNhững rào cản kìm hãm quan hệ hợp tác kinh tế Việt-Nga

Những rào cản kìm hãm quan hệ hợp tác kinh tế Việt-Nga

Theo giới phân tích, hợp tác song phương Việt-Nga vẫn chưa xứng với tiềm năng của 2 nước, trong đó có phần trách nhiệm lớn của giới quan chức Nga.

Quan hệ Việt-Nga và Nga-ASEAN chưa được giới chức Nga chú ý so với Trung Quốc?

Quan hệ Việt-Nga chưa xứng tiềm năng

Giới bình luận chính trị Nga vừa có ý kiến rằng, trước thềm chuyến thăm Nga của Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang được dự kiến vào cuối tháng 6, phải lấy làm tiếc khi ghi nhận rằng, Nga và Việt Nam còn bị đánh giá thấp trong quan hệ thương mại kinh tế.

Trong một số cơ quan chính phủ Nga có trách nhiệm thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại giữa hai nước vẫn chưa thay đổi nhận thức về thực tế rằng: Hà Nội ngày nay đối với Moscow không còn là một đối tác nhỏ như Việt Nam dưới thời Liên Xô.

Việt Nam giờ đây là một thành viên có ảnh hưởng của cộng đồng quốc tế, một trong những nước phát triển nhanh nhất trong khu vực ASEAN, hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới và có vai trò đối tác đầy đủ trong quan hệ với các cường quốc lớn.

Tuy nhiên, xét về mối quan hệ với Nga – 1 trong 3 quốc gia mà Việt Nam coi là đối tác chiến lược toàn diện – cấp độ quan hệ kinh tế thương mại Nga-Việt vẫn còn thấp, không đáp ứng được lợi ích và còn rất xa mới đạt tới tiềm năng của cả hai nước.

Kim ngạch thương mại song phương trị giá 10 tỷ USD được lên kế hoạch đạt được vào năm 2020 thấp hơn nhiều lần so với giao dịch thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và một số nước khác hiện nay.

Trong buổi tiếp Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga ngày 21 tháng 5, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tuyên bố ông coi sự phát triển quan hệ với Nga là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính sách đối ngoại.

Còn Tổng thống Nga Putin đã ký từ ngày 17 tháng 5 năm 2012 sắc lệnh đề cao Việt Nam như đối tác quan trọng nhất của Nga ở châu Á bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ.

Tất nhiên, hai nước có những thí dụ điển hình về sự hợp tác hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí. Đó là Vietsovpetro trên thềm lục địa Việt Nam và Rusvietpetro ở vùng Viễn Bắc của Nga.

Tuy nhiên, một loạt sự kiện diễn ra trong những năm gần đây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển quan hệ đối tác. Đặc biệt là việc Việt Nam ngừng dự án đầy tham vọng hợp tác với Nga xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Ảnh hưởng đến quyết định này có những yếu tố như tai nạn nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima, Nhật Bản và thảm họa môi trường tại nhà máy Formosa của Đài Loan ở miền Trung Việt Nam, cũng như việc dự án nhà máy điện hạt nhân gia tăng chi phí từ 8 tỷ dollars khi ký hợp đồng lên 18 tỷ.

Dự án hạt nhân tương tự với Nhật Bản cũng phải ngừng lại vì những lý do nêu trên.

Việt Nam đã chọn phương hướng khai thác các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời và gió. Điều này được khẳng định bởi các thỏa thuận ký giữa đại diện Việt Nam với giới kinh doanh Mỹ trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.

Những nút thắt trong quan hệ Nga-Việt và Nga-ASEAN

Trong cuộc thảo luận bàn tròn với chủ đề “Đối tác đối thoại Nga và ASEAN: Triển vọng hợp tác”, được tổ chức tại Trung tâm báo chí truyền thông quốc tế “Rossiya Segodnya” hồi tháng 1/2016, một số chuyên gia Nga đã nhận định rằng, để phát triển sự hợp tác giữa Nga với Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung, trước hết, Moscow cần có ý chí chính trị rõ ràng ở cấp độ nhà nước và một cơ sở kinh tế vững chắc.

Tuy nhiên, đến thời điểm này Nga vẫn chưa có điều đó và chưa thể hiện được một chiến lược có định hướng về phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á. Trải qua 20 năm phát triển, quan hệ giữa hai bên vẫn đang ở bước khởi đầu, như một “đứa trẻ con mãi tập mà chưa biết đi”.

Ngoài ra, việc đang nằm trong vòng bao vây, cấm vận của phương Tây cũng khiến chính quyền Nga có thái độ thiên lệch, xem trọng Trung Quốc. Điều này cũng khiến quan hệ giữa hai bên chưa thể đi vào thực chất.

Điều đó cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới quan hệ hợp tác kinh tế Việt-Nga, khiến sự hợp tác sâu sắc nhất giữa hai bên mới được đánh giá là “đạt yêu cầu” ở lĩnh vực mua sắm vũ khí, trang bị.

Theo một trong những chuyên gia Nga hàng đầu về Việt Nam là ông Grigory Lokshin, có nhiều lý do để cho rằng một số cơ quan chính phủ Nga có trách nhiệm thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại với Việt Nam đang tỏ ra thờ ơ với sắc lệnh này.

Về phía nhà chức trách Nga, có tới hai chục dự án đã được soạn thảo và tuyên bố là “ưu tiên hợp tác”, trên thực tế đang bị “xếp vào tủ”, có nghĩa bị dừng lại ở cấp độ bản tuyên bố dự định. Ba trăm nhà máy xây dựng tại Việt Nam bằng viện trợ từ thời Liên Xô không được hiện đại hóa, đang tiếp tục làm việc trên các thiết bị cũ.

Có thể nhận xét thẳng thắn là các cơ quan của Nga hoạt động thực sự yếu đuối trong lĩnh vực xúc tiến làm quen giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với giới kinh doanh Nga và mối quan tâm của họ.

Tất cả điều này đã được đề cập tại hội thảo khoa học diễn ra gần đây tại Viện Kinh tế, thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga ở Moscow. Hội nghị có sự tham dự của đại diện các cơ quan Nga trực tiếp liên quan đến hợp tác kinh tế thương mại với Việt Nam.

Hy vọng rằng những kết luận được hội thảo đưa ra sẽ giúp họ xây dựng lại, đi từ những lời sáo rỗng tới hành động cụ thể mà các nhà lãnh đạo hai nước đã nhắm mục tiêu.

RELATED ARTICLES

Tin mới