Tuesday, November 19, 2024
Trang chủĐiểm tinCon dao hai lưỡi Mỹ dùng với Qatar

Con dao hai lưỡi Mỹ dùng với Qatar

Mỹ biết việc Qatar và Arabia Saudi hậu thuẫn khủng bố và muốn là bên đứng ra hòa giải vụ tranh cãi này để tìm kiếm lợi ích.

Căn cứ Không quân Al-Udeid của Mỹ tại Qatar. Ảnh: Millitary Base

Sputnik cho hay, WikiLeaks cuối ngày 5/6 đã công bố e-mail bị rò rỉ của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong đó có các bằng chứng cho thấy rằng chính quyền Mỹ đã biết việc Qatar và Arabia Saudi hậu thuẫn các phần tử khủng bố.

Theo dữ liệu được trang này công bố, email được gửi hồi tháng 8/2014 tới địa chỉ John Podesta, cố vấn của Tổng thống Barack Obama khi đó có tiêu đề liên quan tới cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và cuộc xung đột ở Syria, Iraq.

Nội dung nhắc tới việc cần phải gây áp lực với chính phủ của 2 quốc gia trên dự theo các nguồn tình báo phương Tây, tình báo Mỹ và các nguồn tin trong khu vực.

Bức thư bà Hillary đã gửi đi có đoạn: “Ta phải sử dụng các tin tức tình báo ngoại giao và cả truyền thống để gây áp lực tới chính phủ Qatar và Arabia Saudi hiện đang bí mật hỗ trợ tài chính và hậu cần cho Daesh (IS) và các nhóm Hồi giáo Sunni cực đoan trong khu vực”. 

Email trên cũng đề cập đến sự cạnh tranh đang diễn ra giữa Doha và Riyadh “để thống trị dòng Hồi giáo Sunni.”

Điều này khiến cho tuyên bố của Tổng thống Donald Trump trên trang Twitter cá nhân trở nên dễ hiểu hơn khi nào hết.

Ông cho rằng, việc các nước vùng Vịnh phản đối Qatar hậu thuẫn các nhóm khủng bố ở Syria và Iraq có thể sẽ là khởi đầu cho việc kết thúc nỗi khiếp sợ đối với khủng bố.

Và đương nhiên, khi đó, Mỹ sẽ là bên trung gian đứng ra giải quyết mối quan hệ khúc mắc giữa các nước Arabia và Qatar, đồng thời tận dụng khoảng thời gian này để tiến tới giành một số chiến thắng trên chiến trường Syria, củng cố các ảnh hưởng trước đây.

Trong khi mâu thuẫn xảy ra từ việc Quốc vương Qatar lên tiếng ủng hộ Iran mà sau này được cho là lỗi từ việc tấn công mạng, chuyến thăm Arabia Saudi vừa qua, Tổng thống Trump cũng được cho biết việc Qatar đang tài trợ cho “ý thức hệ cực đoan”.

Điều này giúp Mỹ tìm được cách đẩy các mâu thuẫn dâng cao lên bằng cách lên án Iran và thúc giục các nước Hồi giáo chống lại cực đoan.

Các tuyên bố trong bài diễn văn mà ông Donald Trump đọc ở Arabia Saudi cho thấy rõ ý đồ trở thành bên trung gian, muốn lấn sâu hơn vào mối quan hệ giữa các nước Arabia.

Tách Qatar trở về cùng “cực” với Iran, Mỹ sẽ có được lợi thế trong đàm phán khi vừa được củng cố mối quan hệ tốt đẹp với Arabia Saudi, vừa thúc đẩy Doha chọn Washington là bên đứng ra hòa giải bởi những căn cứ quân sự quan trọng mà Hoa Kỳ đặt tại quốc gia vùng Vịnh này.

Hiện Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) chuyên phụ trách các hoạt động quân sự khu vực Trung Đông và Trung Á được đặt tại Qatar.

Đây cũng là nơi có căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông – căn cứ Al-Udeid đang có khoảng 10.000 quân Mỹ đang đóng quân.

Đây sẽ là những điểm chiến lược giúp Mỹ tận dụng để gợi ý Qatar chọn mình là người hòa giải.

Bằng chứng là Mỹ đã lên tiếng ca ngợi mối quan hệ đồng minh vốn có đối với Qatar sau khi căng thẳng ngoại giao diễn ra.

Trung tá Damien Pickart, người phát ngôn Bộ Chỉ huy Không quân Trung ương Mỹ (USAFCENT) nói: “Mỹ và liên minh (do Mỹ đứng đầu chống IS – PV) rất biết ơn Qatar vì sự ủng hộ lâu dài của họ với sự hiện diện của chúng tôi cũng như cam kết lâu dài của họ với an ninh khu vực”.

Ngoại trưởng Mỹ  Rex Tillerson ngay từ khi có thông tin Qatar bị các nước vùng Vịnh cô lập đã nhanh chóng kêu gọi kiềm chế và khẳng định Mỹ sẵn sàng tham gia hòa giải. Một quan chức Mỹ cho biết, Mỹ sẽ gửi đại diện đến tham gia nếu Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) họp để bàn về khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng này.

Điều này đã thể hiện rõ việc Mỹ tìm cách can dự vào mâu thuẫn ngoại giao tiềm tàng tại đây và sử dụng nó để tìm kẽ hở chen chân vào hai bên nhằm tìm được lợi ích trung gian.

Mỹ đang chơi con dao 2 lưỡi?

Việc Mỹ tìm cách can thiệp vào vùng Vịnh để tìm lợi ích có lẽ không phải điều khó đoán ngay trong chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Arabia Saudi.

Chuyến thăm và gặp mặt hàng loạt các lãnh đạo quốc gia Hồi giáo vừa qua của ông Trump được cho là một mồi lửa vào tình hình nóng ở vùng Vịnh khi các mâu thuẫn về việc hỗ trợ các nhóm khủng bố đang dâng cao.
 
Ngay khi các lệnh cô lập Qatar được đưa ra, giới quan sát đã cho rằng chính Mỹ là bên đã can thiệp để thúc đẩy mâu thuẫn này lên đến đỉnh điểm ở Arabia Saudi. Việc này sẽ hối thúc các quốc gia vùng Vịnh khác nối gót theo.

Yếu tố Mỹ là bên thúc đẩy mâu thuẫn dường như không phải là điều khó đoán. Đương nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng tới uy tín của Mỹ nhưng trên góc độ ngoại giao, không ai khẳng định điều này và Mỹ vẫn đang là bên xây dựng các mối quan hệ ngoại giao và đồng minh thân thiện với các nước vùng Vịnh.

Ông Alaeddin Boroujerdi, Chủ tịch Ủy ban về An ninh quốc gia và Chính sách đối ngoại của Quốc hội Iran cáo buộc Washington khiến các nước Hồi giáo mâu thuẫn.

Theo đó, việc Mỹ và Saudi Arabia ký thỏa thuận mua bán vũ khí lớn là nguyên nhân việc cô lập Qatar lên đến đỉnh điểm như hiện nay.

“Chúng ta có thể còn chứng kiến nhiều vụ việc tiêu cực hơn tại khu vực” – ông nói. “Sự can thiệp của nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, không thể là giải pháp cho các vấn đề khu vực”.

Điều này đúng khi ngay sau khi bị cô lập, Qatar nhanh chóng tìm tới Kuwait để làm bên trung gian hòa giải cho mối quan hệ bất đồng đầy rủi ro này. Doha đã tuyên bố sẽ không đáp trả, đồng thời bày tỏ tin tưởng giải quyết bất đồng thông qua đối thoại. 

Không thể chắc chắn rằng Qatar nhanh chóng phủ nhận ảnh hưởng của Mỹ và nhã ý hòa giải quan hệ của Washington nhưng cuộc chiến ở vùng Vịnh giờ đây mới thực sự bắt đầu và diễn tiến thế nào đã phụ thuộc vào sự ứng xử khéo léo của ông Donald Trump.

Theo quan điểm của bà Marcelle Wahba, cựu Đại sứ Mỹ tại UAE và hiện là Chủ tịch Viện Các quốc gia Arabia vùng Vịnh (Mỹ), Mỹ có đòn bẩy để hòa giải thành công, nhưng phải sử dụng đòn bẩy này một cách thận trọng.

“Mỹ sẽ can thiệp vào cuộc khủng hoảng này. Chúng ta sẽ làm gì? Tôi không tin chúng ta sẽ chịu ngồi yên để cuộc khủng hoảng này tiến triển nghiêm trọng hơn” – bà nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới