Sunday, December 22, 2024
Trang chủĐàm luậnAustralia nhận diện âm mưu thâm độc của TQ

Australia nhận diện âm mưu thâm độc của TQ

Mỹ bày tỏ mối quan ngại về sự can thiệp của Bắc Kinh vào chính trường nước Úc với vai trò của một nhóm doanh nhân giàu có. Australia đang cảnh báo Trung Quốc hãy tránh xa những vấn đề nội bộ của nước này.

Trong thời gian gần đây, các khoản đóng góp khổng lồ từ Trung Quốc cho các đảng phái chính trị Australia thông qua một số doanh nhân Hoa kiều được xem là hành động can thiệp nội bộ vào chính trị Úc. Australia đang xem xét các điều luật về chống gián điệp và cấm các khoản tài trợ chính trị từ nước ngoài.

Canberra lo ngại Trung Quốc đang mua ảnh hưởng bằng cách lợi dụng một số doanh nhân Hoa kiều giàu có tại Australia đưa hàng triệu USD quyên góp vào quỹ của các đảng phái chính trị. Từ đó Bắc Kinh thâu tóm về chính trị

Thủ tướng Malcolm Turnbull nói với các phóng viên báo rằng:

“Trung Quốc hiện đại dựa trên sự khẳng định chủ quyền quốc gia, vì vậy Trung Quốc nên luôn luôn tôn trọng chủ quyền các quốc gia khác, dĩ nhiên bao gồm cả đất nước chúng ta.”.

Nhiều quốc gia phương Tây khác như Hoa Kỳ và Anh quốc cấm các khoản đóng góp cho đảng phái chính trị từ nước ngoài. Washington bày tỏ mối quan ngại về sự can thiệp của Bắc Kinh vào chính trường nước Úc với vai trò của một nhóm doanh nhân giàu có. Đây là một trong những nỗ lực của Bắc Kinh để khuếch trương quyền lực mềm ở nước ngoài.

Báo cáo cho hay, ASIO – cơ quan tình báo Úc đã cảnh báo 2 đảng này từ năm 2015 về việc chấp nhận các khoản đóng góp từ 2 doanh nhân Hoa kiều, vì mối liên hệ giữa họ với đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, các cảnh báo của ASIO đã bị 2 đảng này không quan tâm tới.

Huang Xiangmo là người sáng lập tập đoàn Yuhu Group ở Thâm Quyến, là trung tâm của một vụ xì căng đan năm ngoái, lật đổ Chủ tịch đảng Lao động Sam Dastyari khi ông này dùng hàng ngàn USD từ các khoản quyên góp của Yuhu để chi trả hóa đơn, chi phí đi lại.

Bù lại, trả lời phỏng vấn truyền thông Trung Quốc, Thượng nghị sĩ Sam Dastyari công khai kêu gọi Chính phủ Australia tôn trọng cái gọi là yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, đi ngược hoàn toàn lập trường của đảng Lao động.

Viện Quan hệ đối tác Australia đã bị một số học giả lên án vì sự ủng hộ lập trường của Trung Quốc và có vai trò nhất định trong kế hoạch tuyên truyền toàn cầu của Bắc Kinh, trị giá 10 tỉ USD.

Điều tra của Fairfax / ABC cho biết, Thượng nghị sĩ Sam Dastyari đã can thiệp vào bộ phận nhập cư của Australia để nhập quốc tịch cho doanh nhân Huang Xiangmo, rồi Huang Xiangmo đã nộp đơn xin gia nhập Viện Quan hệ đối tác Australia.

Huang Xiangmo vẫn là Chủ tịch Hội đồng Thúc đẩy hòa bình thống nhất đất nước Trung Quốc tại Australia, một tổ chức có liên hệ với đảng Cộng sản Trung Quốc và ủng hộ các chính sách của Bắc Kinh, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông.

Tháng 6 năm ngoái, khi người phát ngôn về quốc phòng của đảng Lao động kêu gọi Australia thực hiện hoạt động bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, Huang Xiangmo đã rút cam kết quyên 400 ngàn USD cho đảng này.

Huang Xiangmo đã chuyển đến Úc năm 2011.

Kể từ đó ông ta cùng gia đình, công ty và nhân viên Yuhu đã quyên góp cho cả đảng Tự do lẫn đảng Lao động.

Doanh nhân Hoa kiều này đã chụp ảnh với nhiều chính trị gia, trong đó có đương kim Thủ tướng Malcolm Turnbull.

Tất cả các bằng chứng hiện có chỉ ra:

Các doanh nhân Hoa kiều như Huang Xiangmo đang tìm cách ảnh hưởng đến chính trị Úc theo cách có lợi cho chính sách, mục tiêu của Bắc Kinh.

“Người Úc phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào quá trình bầu cử của họ từ bất kỳ nước nào, dù là Mỹ, Nga hay Trung Quốc, vì nó có thể làm sai lệch kết quả chính trị và làm suy yếu niềm tin của dân chúng vào hệ thống bầu cử”

Nhân vật thứ 2 trong các báo cáo của Fairfax / ABC là Tiến sĩ Chau Chak Wing, người đứng đầu tập đoàn Kingold có trụ sở tại Quảng Châu. Nhân vật này đã quyên 25 triệu đô la Úc cho Đại học Công nghệ Sydney để tài trợ học bổng và xây dựng một tòa nhà mới.

Huang Xiangmo nói với Financial Times rằng, đáng tiếc là người ta không hiểu ông và đưa ra những câu hỏi về động cơ của ông, làm tổn hại uy tín của doanh nhân này trên cơ sở những khẳng định “đáng ngờ và ám chỉ”.

Cùng đưa tin về sự kiện này, The Austrailian ngày 6/6 cho biết, Thủ tướng Malcolm Turnbull nói rằng:

Thượng nghị sĩ Sam Dastyari của đảng Lao động có nghĩa vụ phải trả lời những câu hỏi sau khi có thông tin ông trực tiếp vận động bộ phận di trú cho nhà tài trợ Huang Xiangmo.

Chính phủ liên bang Australia đang xem xét các dự luật về chống gián điệp và can thiệp từ nước ngoài, trong bối cảnh phát hiện ảnh hưởng của Nga với bầu cử Mỹ và các câu hỏi xung quanh động cơ các khoản đóng góp “có yếu tố Trung Quốc” cho các đảng phái chính trị tại Úc.

Thủ tướng Turnbull cho rằng, mối đe dọa đến chủ quyền quốc gia của Australia từ hoạt động gián điệp là rất nghiêm trọng. Canberra đang xem xét vấn đề này một cách hết sức nghiêm túc.

Theo điều tra của Fairfax Media, hoạt động có liên quan đến ông Huang Xiangmo mang màu sắc chính trị rõ ràng, vai trò cánh tay nối dài của Trung Nam Hải tại xứ sở chuột túi cũng đã được bộc lộ rõ nét.

Tháng 3 năm nay, Fairfax Media đã thu được các tin nhắn qua lại của cộng đồng người Hoa ở Úc qua ứng dụng nhắn tin trực tuyến WeChat về một hoạt động có tổ chức.

Họ kêu gọi hàng ngàn người Hoa xuống đường chào đón ông Lý Khắc Cường trong suốt thời gian diễn ra chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc đến Sydney.

Một tin nhắn từ Hội đồng Thúc đẩy đẩy hòa bình thống nhất đất nước Trung Quốc tại Australia do ông Huang Xiangmo lãnh đạo, đã chỉ huy 30 đội, mỗi đội 10 người đến khách sạn Shangri-la nơi ông Lý Khắc Cường lưu trú trong lúc thăm nước Úc.

Lực lượng này cung cấp hàng ngàn bữa trưa miễn phí cho các Hoa kiều tại Úc tham gia tuần hành chào đón ông Lý Khắc Cường.

Trong tin nhắn, 26 đội được điều động đến các vị trí được chỉ định, trong khi 4 đội còn lại trực qua điện thoại di động để có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu khi có yêu cầu tiếp viện.

Hội đồng này được thành lập vào năm 2000 để bảo trợ cho các hoạt động của cộng đồng người Hoa tại Úc, thúc đẩy các chính sách bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc mà chính phủ Bắc Kinh chủ trương.

Ngay trước chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Malcolm Turnbull tới Bắc Kinh tháng 4 năm ngoái, Huang Xiaomo cũng đã tổ chức một diễn đàn tại Sydney để “làm rõ sự việc và chuẩn hóa sự hiểu biết” về tranh chấp lãnh thổ.

Mục tiêu diễn đàn là “thống nhất tư tưởng (Hoa kiều tại Úc) thông qua trao đổi, để quy tụ bất kỳ lực lượng nào có thể bảo vệ lợi ích cốt lõi của dân tộc Trung Hoa, kêu gọi chính giới Úc để họ có thể chuẩn bị thích hợp cho một cuộc khủng hoảng”.

Ngày 13/7 năm ngoái, đúng 1 ngày sau khi Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc được công bố, The Strategist ví von Huang Xiangmo đã “vỗ vai” Canberra khi ông viết bài đăng trên tờ Fiancial Review của Úc rằng:

Nếu khôn ra thì Australia nên tìm cách chống lại áp lực của Mỹ để cùng họ tuần tra ở Biển Đông. Tốt nhất là Canberra hãy thận trọng! Bất kỳ phản ứng nào có thể sẽ khiến Úc phải hối hận.

Việc Thủ tướng Malcolm Turnbull yêu cầu rà soát các đạo luật về chống gián điệp và can thiệp chính trị Úc từ nước ngoài là việc làm cấp bách, cần thiết với những cơ sở khá rõ ràng.

Động thái này cũng cho thấy những khoản quyên góp, viện trợ “có yếu tố nước ngoài” mà ở đây là Trung Quốc, cho các đảng phái chính trị đã tác động không nhỏ tới chính sách đối ngoại của Australia. 

Việc chính phủ Trung Quốc sử dụng các đòn bẩy kinh tế – thương mại do lợi thế thị trường và nguồn vốn của mình để gây sức ép lên nước khác trong các vấn đề chính trị không còn là điều gì lạ lẫm đối với Canberra và nhiều nước khác.

3 tuần sau khi có Phán quyết Trọng tài 12/7/2016, Thời báo Hoàn Cầu từng xúc phạm Autralia khi gọi nước này chỉ là “con mèo giấy”.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc thì cảnh báo: Úc “phải ăn nói cẩn thận, ứng xử thận trọng”.

Khi Trung Quốc dùng các đòn bẩy này từ bên ngoài, kết hợp với các hoạt động vận động chính sách và can thiệp chính sách từ bên trong thông qua các tổ chức, cá nhân “có màu sắc chính trị”, chắc chắn chủ quyền quốc gia của Australia sẽ bị đe dọa.

Có lẽ xuất phát từ chính hiện trạng và nguy cơ Canberra đang đối mặt, nên bài phát biểu đề dẫn Đối thoại Shangri-la lần thứ 16 vừa qua của Thủ tướng Malcolm Turnbull đã rất nhấn mạnh tới chủ quyền quốc gia và chống can thiệp vào chủ quyền quốc gia. Âm mưu thâm độc của Trung Quốc tại Australia đã bị nhận diện!

RELATED ARTICLES

Tin mới