Saturday, December 28, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 13/06

Bản tin Biển Đông ngày 13/06

Bản tin Biển Đông ngày 13/06/2017.

Đại sứ Philippines kêu gọi thúc đẩy phát triển chung ở Biển Đông

ABS-CBN đưa tin, ngày 12/6, trả lời phỏng vấn với ANC’s Headstart, ông Jose de Venecia, Đặc phái viên về đối thoại liên văn hoá của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khẳng định một chương trình khai thác chung ở Biển Đông là giải pháp “thực tế, hữu dụng” nhất để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Ông nhấn mạnh, kế hoạch phát triển chung có thể được thực hiện với nhiều bên “vì các vùng biển tranh chấp không chỉ có yêu sách của Philippines và Trung Quốc mà còn có yêu sách của tất cả các bên liên quan”. Liên quan đến quyết định của Tổng thống Duterte về việc “tạm gác lại” Phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế vụ kiện Biển Đông đã bác bỏ hoàn toàn yêu sách “đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc, ông Venecia cho rằng “Tổng thống đang lên kế hoạch đàm phán một thoả thuận mà qua đó, Philippines sẽ góp phần quan trọng trong mọi hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông”. Ông cho biết thêm, việc Bộ Ngoại giao Philippines đưa ra “lệnh tạm ngừng thăm dò” “là đúng đắn cho đến khi đạt được một thoả thuận, vì nếu cứ triển khai mà chưa có được bất cứ sự hiểu biết hay chấp nhận thì sẽ dẫn đến tình trạng đối đầu”.

Lời tiên tri 60 năm trước về vấn đề Biển Đông của Úc đã thành hiện thực

Ngày 12/6, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Lời tiên tri 60 năm trước về vấn đề Biển Đông của Úc đã thành hiện thực”. Bài viết này được trích lược từ bài viết “Vết trượt của một Siêu cường?: Chiến lược lớn của Úc và tranh chấp Biển Đông” của Elliot Brennan, Nghiên cứu viên không thường trú thuộc Viện Chính sách An ninh và Phát triển, Thuỵ Điển. Ông cho biết, một số văn bản lưu trữ đã khẳng định rằng lập trường của Úc về vấn đề Biển Đông là nhất quán kể từ những năm 1950, bao gồm các tài liệu trước năm 1959 của Bộ Ngoại vụ Úc và sự phát triển trong nội dung của các Sách trắng Quốc phòng nước này từ năm 1994 đến 2016. Đặc biệt trong Sách trắng Quốc phòng mới đây nhất, Úc đã khẳng định duy trì lập trường của mình nhưng không “đi theo bên nào trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông”. Các tài liệu đều chứng tỏ từ lâu, Úc đã có những lo ngại rất rõ ràng về hoạt động trái phép của Trung Quốc trên các “đảo” ở Biển Đông. Lập trường nhất quán của Úc cũng thể hiện rõ lợi ích trung tâm của Biển Đông đối với chính sách đối ngoại và kinh tế của Úc, do đó, tác giả hối thúc chính quyền Úc cần hợp tác chặt chẽ với tất cả các bên trong vấn đề Biển Đông, đồng thời tiếp tục thực hiện các hoạt động thường xuyên ở khu vực này.

Nhật Bản sắp tăng cường các thoả thuận cung cấp vũ khí với các nước Đông Nam Á nhằm đối phó với những bước đi quyết đoán sắp tới của Trung Quốc

Ngày 13/6, trang Macau Daily Times đưa tin, ngày 12/6, ông Hideaki Watanabe, người đứng đầu Cục Tiếp nhận Công nghệ và Hậu cần, Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định Nhật Bản sẽ tổ chức một cuộc họp vào ngày 15/6 với các quan chức quốc phòng của các nước ASEAN để thảo luận về việc chia sẻ các thiết bị và công nghệ, tăng cường cung cấp các thiết bị quân sự cho các nước này trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Ông Watanabe còn nói rằng “những năm gần đây, đã có những hành động hiếu chiến của một số quốc gia nhằm làm thay đổi nguyên trạng”, “việc duy trì một vùng biển mở và ổn định, tuân thủ thượng tôn pháp luật là vô cùng cần thiết” rõ ràng nói đến việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở một số khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Macau Daily Times cho hay, động thái này là một phần trong quyết tâm của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm thúc đẩy vai trò quân sự của Nhật Bản và việc buôn bán trang thiết bị phòng thủ, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á.

Trung Quốc lớn tiếng yêu cầu các nước bên ngoài không can dự vào tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông

GMA News đưa tin, ngày 12/6, tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Singapore Vivian Balakrishnan tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu kêu gọi thúc đẩy các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông với điều kiện cần phải loại bỏ sự can thiệp “từ bên trong và bên ngoài khu vực”, và “có thể chủ yếu là sự can thiệp từ bên ngoài”. Ông này lý giải, các bên hoàn toàn có thể tiến hành tham vấn COC do đã đủ những điều kiện cần thiết để đàm phán COC: quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đã bắt đầu được cải thiện, Philippines cũng đã nhất trí tái thiết lập cơ chế tham vấn song phương về vấn đề Biển Đông với Trung Quốc, cùng với nỗ lực của các bên, tình hình Biển Đông đã trở nên ổn định. Mặt khác, để chứng tỏ rằng sự can thiệp của các quốc gia bên ngoài là “thừa thãi”, ông Vương Nghị còn nhấn mạnh rằng, “COC là cam kết được xây dựng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, Trung Quốc và các nước ASEAN hoàn toàn có khả năng, thông qua những nỗ lực chung, triển khai, một cách độc lập, các nguyên tắc của khu vực vì hoà bình và ổn định ở Biển Đông”.

RELATED ARTICLES

Tin mới