Một bức hình hiếm về cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il và cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-joong đã được truyền thông Bình Nhưỡng đăng tải hôm 12/6.
Cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-joong. Ảnh: Donga Ilbo.
Mới đây, tờ Donga Ilbo (Hàn Quốc) đưa tin, trang Uriminzokkiri – do Bình Nhưỡng lập ra để tuyên truyền nhằm vào người dân Hàn Quốc – ngày 12/6 bất ngờ công khai đăng tải câu chuyện về hội nghị cấp cao vào năm 2000 giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il và người đồng cấp Hàn Quốc Kim Dae-joong.
Theo báo Hàn Quốc, bài viết trên Uriminzokkiri với tiêu đề Không thể để ngài ấy cảm thấy hối tiếc cùng hình ảnh bắt tay của hai nhà lãnh đạo đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Được biết, tiêu đề trên xuất phát từ câu nói của ông Kim Jong-il trong cuộc nói chuyện với cố Tổng thống Hàn Quốc.
Cụ thể, trong lần tiếp tục với ông Kim Dae-joong, nhà lãnh đạo Triều Tiên hài hước nói rằng, “ông tự hỏi không biết Tổng thống Kim bữa sáng có ăn ít không vì Bình Nhưỡng chuẩn bị tiệc chiêu đãi buổi trưa”.
Báo Hàn cho biết, sau đó, ông Kim Jong-il tiếp tục nói với người đồng cấp Hàn Quốc rằng: “Khi Đặc sứ phía Nam đến, tôi từng nói: ‘Nếu Tổng thống Kim đến Bình Nhưỡng, chúng tôi sẽ không thể để ngài ấy cảm thấy hối tiếc’…Tổng thống Kim từ xa tới đây, chúng tôi sẽ dùng hành động chứ không phải lời nói suông, không để Tổng thống Kim cảm thấy hối tiếc”.
Theo Donga Ilbo, việc truyền thông Bình Nhưỡng bất ngờ đăng tải câu chuyện trên ngay trước thềm Kỷ niệm Tuyên bố chung Nam-Bắc 15/6 và nhấn mạnh chỉ thị “Không thể để ngài ấy cảm thấy hối tiếc” của cố lãnh đạo Kim Jong-il cho thấy nước này gần đây đang hoan nghênh sự thay đổi trong mối quan hệ song phương.
Mới đây, theo Yonhap (Hàn Quốc), Bình Nhưỡng đã kêu gọi Seoul thay đổi chính sách liên Triều bằng cách từ chối thực hiện các lệnh trừng phạt của Mỹ lên Triều Tiên và tìm kiếm sự thống nhất dân tộc.
Giới phân tích cho rằng, động thái trên chứng tỏ, Triều Tiên ngầm truyền tải tới Hàn Quốc rằng, Bình Nhưỡng sẵn sàng phản ứng tích cực nếu Soeul nâng cao hiệu quả của các biện pháp trao đổi dân sự thay vì ủng hộ các lệnh trừng phạt.