Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông: Một yêu sách...

“Đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông: Một yêu sách phi lý

“Đường lưỡi bò”, “đường chữ U” hay “đường đứt đoạn”… đều là cách gọi khác nhau mà các học giả trên thế giới dùng để chỉ yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông. Đường yêu sách này ban đầu có 11 đoạn, do chính quyền Trung Hoa Dân quốc vẽ vào năm 1947 và sau đó được Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tiếp tục sử dụng nhưng có sửa đổi (bỏ bớt 2 đoạn trong vịnh Bắc Bộ nên chỉ còn lại 9 đoạn, cũng chưa có bất kỳ tuyên bố nào nói về việc từ bỏ 02 đoạn này). Cần phải có những nghiên cứu cụ thể hơn để xác định được nguồn gốc chính xác của đường này. Trong thực tế, không tìm thấy bất kỳ một toạ độ nào để có thể xác định vị trí chính xác của đường lưỡi bò. Theo bản đồ này, đường yêu sách hình chữ U chiếm tới 80% diện tích Biển Đông, có nơi cách bờ biển của các nước chỉ có 50 km. Mặc dù xuất bản bản đồ có “đường lưỡi bò”, nhưng cả chính quyền Trung Hoa Dân quốc trước đó lẫn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sau này đều chưa bao giờ chính thức tuyên bố yêu sách hay giải thích gì; cũng không có bất kỳ một tài liệu nào cho biết tọa độ cũng như vị trí chính xác của “đường lưỡi bò”. Nhưng cho tới ngày 7/5/2009, Trung Quốc đã gửi công hàm tới Liên Hợp quốc, đi kèm một bản đồ thể hiện đường yêu sách 9 đoạn trên Biển Đông; và thời gian gần đây Cục Đo đạc bản đồ quốc gia Trung Quốc đã khai trương dịch vụ bản đồ trực tuyến mang tên Map World tại địa chỉ http://www.tianditu.cn/ và http://www.chinaonmap.cn/, trên đó thể hiện “đường lưỡi bò”.

Theo lập luận của các học giả Trung Quốc khi giải thích về “đường lưỡi bò” được vẽ trên bản đồ Biển Đông là yêu sách này phải được xem xét dưới góc độ của “luật pháp quốc tế đương đại”[1] (tức là luật pháp quốc tế vào thời điểm mà nó được vẽ ra), chứ không thể sử dụng Công ước Luật biển 1982 để xem xét giá trị pháp lý của nó. Những quy định của Luật biển quốc tế trong giai đoạn những năm 1940 còn tồn tại dưới dạng những quy phạm tập quán, theo đó lãnh hải của quốc gia ven biển chỉ có chiều rộng 3 hải lý tính từ ngấn nước thủy triều thấp nhất. Ngoài phạm vi lãnh hải là biển cả hay còn gọi là vùng biển quốc tế, nơi mà mọi quốc gia đều có thể thực hiện quyền tự do biển cả.

Cho đến năm 1958 các chính quyền khác nhau của Trung Quốc (triều đình nhà Thanh, Trung Hoa Dân quốc và cả Cộng hoà nhân dân Trung Hoa) đều công nhận hoặc không công khai phản đối chiều rộng của lãnh hải là 3 hải lý[2] ; trong tuyên bố chính thức của Trung Quốc ngày 4/9/1958 về các vùng biển của Trung Quốc cũng chỉ có lãnh hải 12 hải lý.

Như vậy, ngay cả theo luật pháp quốc tế đương đại thì một đường đòi hỏi không rõ ràng đối với một vùng biển rộng lớn như vậy không thể nào được coi là hợp pháp. Tiến sĩ Djalal, nguời Indonexia đã viết: “Không thể chấp nhận được rằng vào năm 1947, khi luật quốc tế nói chung chỉ ghi nhận lãnh hải 3 hải lý, Trung Quốc lại có thể yêu sách toàn bộ Biển Đông”[3].

Lập luận thứ hai được các học giả Trung Quốc[4] sử dụng để giải thích về đường đứt đoạn là: do đường này được vẽ ra từ 1947, nên Trung Quốc có thể đòi hỏi đối với vùng biển nằm trong đường này một “danh nghĩa lịch sử” nào đó hoặc, như yêu sách của chính quyền Đài Loan, coi đây là “vùng nước lịch sử”.  Theo luật pháp quốc tế, một vịnh hay một vùng nước được coi là lịch sử, căn cứ vào tập quán và các phán quyết của Tòa án và Trọng tài quốc tế phải thỏa mãn ít nhất hai điều kiện:

1. Tại đó quốc gia ven biển thực hiện một cách thực sự chủ quyền của mình một cách liên tục, hòa bình và lâu dài;

2. Có sự chấp nhận công khai hoặc sự im lặng không phản đối của các quốc gia khác, nhất là các quốc gia láng giềng và có quyền lợi tại vùng biển này.

Trung Quốc không thoả mãn bất kỳ điều kiện nào nêu trên.

Thứ nhất không chứng minh được các chính quyền Trung Quốc đã thực thi chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông:

– Các văn kiện chính thức của nhà nước phong kiến Trung Quốc, như Đại Nguyên nhất thống chí (1294), Đại Minh Nhất thống chí (1461), Đại Thanh Nhất thống chí (1842), trước năm 1909 đều khẳng định “cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc là Nhai huyện, đảo Hải Nam”. Trung Quốc chỉ thực sự bước chân lên quần đảo Hoàng Sa năm 1909 khi quần đảo này đã thuộc Việt Nam, không còn là đất vô chủ. Các bản đồ lãnh thổ Trung Quốc của người nước ngoài cùng thời cũng vẽ và giải thích phù hợp với cách hiểu này của người Trung Quốc. Bản đồ Trung Quốc thế kỷ XVII của Peter de Goyer và Jacob de Keyzer thuộc công ty Đông Ấn – Hà Lan cũng có lời giải thích rất rõ: “nơi xa nhất của Trung Quốc bắt đầu từ phía Nam đảo Hải Nam ở 18 độ vĩ Bắc, rồi từ đó ngược lên phía Bắc đến vĩ độ 42 độ. Về Trường Sa, cho tới tận năm 1932, công hàm ngày 29/9/1932 của Phái đoàn ngoại giao Trung Hoa Dân quốc tại Paris vẫn còn khẳng định các nhóm đảo “Amphitrite” (Lưỡi Liềm) và “Croissant” (An Vĩnh) của quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) “tạo thành phần lãnh thổ Trung Quốc nằm tận cùng ở phía Nam”.

– “Đường lưỡi bò” này mâu thuẫn ngay với quan điểm chính thức của Trung Quốc đã nêu trong Tuyên bố ngày 4/9/1958 về các vùng biển Trung Quốc,Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tuyên bố:“Bề rộng lãnh hải của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Quy định này áp dụng cho toàn bộ lãnh thổ của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa bao gồm cả Trung Quốc và các đảo ven bờ cũng như Đài Loan và các đảo chung quanh Đài Loan, quần đảo Bành Hồ, các đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa và các đảo khác thuộc lãnh thổ Trung Quốc mà bị công hải tách ra khỏi lục địa và các đảo ven bờ lục địa”. Rõ ràng Chính phủ Trung Quốc đã khẳng định các quần đảo của họ bị tách biệt khỏi lục địa ở biển cả chứ không phải các vùng nước lịch sử. Tức là Chính phủ Trung Quốc khẳng định không có vùng nước lịch sử nào ngăn cách đảo với lục địa.

– Trung Quốc không thể thực hiện chủ quyền thực sự một cách liên tục và hòa bình trong một khoảng thời gian dài khi các quốc gia trong và ngoài khu vực Biển Đông tiến hành các hoạt động hàng hải, dầu khí và nghề cá… đều không hề vấp phải bất kỳ sự ngăn cản nào từ phía Trung Quốc.

Thứ hai, các quốc gia đều không thừa nhận cái gọi là “các quyền lịch sử của Trung Quốc”. Tại Hội nghị hòa bình San Francisco năm 1951, Hội nghị đã bác bỏ đề nghị trao trả cho Trung Quốc các quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa), Nam Sa (tức Trường Sa) và các quốc gia trong khu vực đều đã đưa ra những quy định của mình về các vùng biển, cùng nhau ký kết các hiệp định phân định các vùng biển chồng lấn cũng như các thỏa thuận hợp tác khác trong Biển Đông …. Có thể nói là yêu sách này chưa bao giờ có được sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế.

“Đường lưỡi bò” không thể mang lại cho Trung Quốc quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển nằm phía trong đường này theo quy chế của Vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của Công ước Luật biển 1982. Một con đường được thể hiện một cách hết sức khái quát, đứt đoạn, không có tọa độ cụ thể và nằm cách xa lục địa Trung Quốc hàng ngàn cây số không thể đáp ứng theo các quy định của Công ước Luật biển 1982.

Để kết thúc, người viết bài này mượn lời của một số Luật sư, học giả nhà nghiên cứu nổi tiếng thế giới nhận định về yêu sách “đường lưỡi bò”, là một yêu sách vô lý, hoàn toàn không có cơ sở khoa học, không có giá trị pháp lý quốc tế và không ai có thể chấp nhận được.

Luật sư Brice M.Clage, người Mỹ nhận định:“Yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền “lịch sử” và quyền đối với hầu hết Biển Đông và/hoặc đối với đáy biển và lòng đất của nó là trái với sự phát triển toàn diện của luật biển quốc tế hiện đại và không thể coi là một vấn đề luật pháp nghiêm chỉnh”5.

B.A. Hamzah, học giả Malaysia nhận xét “một yêu sách phi lý như vậy không thể có một danh nghĩa gì, do đó sự không có danh nghĩa sẽ kéo theo sự không có quyền tài phán” “một yêu sách coi thường lịch sử và pháp luật, chà đạp lên truyền thống sử dụng biển của các dân tộc bên bờ Biển Đông”6.

Mark J Valencia, chuyên gia nghiên cứu người Mỹ cho rằng: “một yêu sách của Trung Quốc coi biển Nam Trung Hoa là một vùng nước lịch sử không thể đứng vững được dưới góc độ pháp luật quốc tế hiện đại”7.

Tướng Daniel Schaeffer, nguyên Tuỳ viên Quân sự Pháp tại Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan nhận xét “những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông” thật khó có thể biện minh8.

Giáo sư Ian Townsend-Gault, một nhà nghiên cứu Biển Đông nổi tiếng người Canada: “Các nước không cần phải lo ngại về đường lưỡi bò mà Trung Quốc đưa ra gần như bao trọn Biển Đông, vì khi Trung Quốc phê chuẩn Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc, đường lưỡi bò đó trở nên không có giá trị vì theo Công ước, chủ quyền quốc gia được tính từ đường cơ sở ven biển vươn ra bao nhiêu hải lý đã được qui định rõ. Hơn nữa đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ không được giới luật gia công nhận. Công ước luật biển 1982 của Liên hợp quốc là một văn bản luật pháp quốc tế hiện đại. Một khi phê chuẩn có nghĩa là Trung Quốc phải từ bỏ việc đòi chủ quyền trong đường lưỡi bò”9./.
[1] Trương Thiệu Trung, báo mạng Nhân Dân Trung Quốc ngày 2.4.2009.

[2] Hungdah Chiu, “China and the question of Territorial Sea” International Trade Law Journal, số 1975 – 6.

[3] Djatal, H.Shouthe China Sea Island Disputes, The Raffes Bulletin of Zoology, Supplement No.8/2000.

[4] Pan Shiying: The petropolotics of the Nansha islands – China’s indisputable legal case (Chính trị dầu mỏ của các đảo Nam Sa – lập luận pháp lý không thể tranh cãi của Trung Quốc), Economic Information & Agency, July 1996).

Công Minh

RELATED ARTICLES

Tin mới