Cựu giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ (FBI) James Comey, người từng bị Tổng thống Trump cách chức, đã có phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ (hôm 9/6) về các cuộc tiếp xúc giữa ông và tổng thống Mỹ Donald Trump xoay quanh cuộc điều tra về việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Nỗi buồn của cử tri Đảng Dân chủ Mỹ.
Cựu Giám đốc Cục điều tra Liên Bang đã tiết lộ một số thông tin gây sốc liên quan đến bữa tối giữa ông và tổng thống một tuần sau ngày ông Trump nhậm chức. Ông James Comey cũng thừa nhận có thể ông và tổng thống đã hiểu khái niệm “lòng trung thành” theo hai cách khác nhau.
Ông James Comey cách đây gần một tháng đã bị tổng thống Donald Trump đột ngột cách chức. Phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ chủ yếu nhằm để ông Comey làm sáng tỏ thông tin có hay không việc tổng thống ra lệnh ngăn cản cuộc điều tra của FBI về mối liên hệ với Nga của cố vấn an ninh của tổng thống- tướng Michael Flynn- trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump.
Dư luận Mỹ mong đợi xem cựu giám đốc FBI có đưa ra những chi tiết mới hay những bằng chứng cụ thể về việc tổng thống Donald Trump, trong các cuộc gặp riêng với ông Comey, đã ra lệnh ngừng các cuộc điều tra về ông Flynn trong mối quan hệ với Nga, hay nói cách khác là tổng thống can thiệp, cản trở điều tra của tư pháp. Thế nhưng những phát biểu của Comey trước các thượng nghị sĩ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ và truyền hình trực tiếp được đánh giá là không có gì mới và có sức “bùng nổ” ghê gớm có thể tác động mạnh đến chiếc ghế tổng thống Trump như một số đồn đoán trước đó.
Xuyên suốt nội dung điều trần, ông Comey chỉ khẳng định một điều là ông đã bị tổng thống Trump sa thải vì cuộc điều tra liên quan đến Nga, với mục đích gây ảnh hưởng đến cách thức tiến hành điều tra của FBI và ông đánh giá đó là điều rất nghiêm trọng.
Trong phiên điều trần, ông Comey đã có ít nhất ba lần từ chối trả lời công khai các câu hỏi của các thượng nghị sĩ liên quan đến mối liên hệ có thể có giữa chính quyền Trump và Nga. Ông hứa sẽ trả lời trong phiên họp kín với các thượng nghị sĩ. Điều này cho thấy cuộc điều tra về mối liên hệ với Nga vẫn còn những góc khuất để cuộc điều tra của tư pháp Mỹ làm sáng tỏ trong thời gian tới. Có một điều mà dư luận cũng mong đợi, đó là phản ứng của đích thân tổng thống Trump, sau sự kiện liên quan trực tiếp đến ông.
Không giống như thường lệ, báo chí Mỹ mỏi mắt ngóng chờ một dòng twitt của tổng thống, nhưng mấy ngày sau mới thấy. Như vậy, lần này, ông Donald Trump chọn cách phản pháo qua luật sư riêng Marc Kasowitz, để bác bỏ những nội dung điều trần của cựu giám đốc FBI. Giới quan sát nhận định, có thể ông Trump đã ý thức được tầm quan trọng của sự việc, nên đã tỏ ra thận trọng hơn.
Dù những tình tiết điều trần của cựu giám đốc FBI chưa thể đẩy đi xa hơn vụ tổng thống Trump bị nghi ngờ cản trở tư pháp, nhưng cùng với các điều tra đang tiến hành về mối liên hệ và sự can dự của Nga vào bầu cử Mỹ, đó sẽ là một gánh nặng chính trị đeo đẳng chủ nhân Nhà Trắng trong thời gian tới. Tuy nhiên, để có thể buộc ông Trump rời ghế tổng thống, ít nhất phải có những bằng chứng rõ ràng nhất về việc ông Trump có “trả giá” với ông Comey để không bị điều tra nghi án bắt tay với người Nga hay không, hoặc nói cách khác rõ ràng hơn là ông Trump có cản trở công lý hay không. Điều này dường không thể xảy ra, ít nhất là nếu chỉ dựa vào những lời khai của ông Comey.
Thật ra câu chuyện truất phế (hoặc đàn hặc) Tổng thống Trump hiện đang được đảng đối lập rầm rộ phát động dựa trên cơ sở cuộc bầu cử Tổng thống 2016 đã bị Tổng thống Nga Putin thao túng làm lợi cho Cộng Hòa. Sự kiện này có nghĩa kết quả cuộc bầu cử Tổng thống 2016 vô giá trị. Hãng tin Vox (Mỹ) trong bài giải nghĩa về đàn hặc có câu “Trừ khi một đảng chiếm đa số với tỷ lệ thật lớn, một cuộc vận động truất phế mang tính đảng phái sẽ thất bại” hoặc “Nếu chủ đề chỉ là chuyện đảng phái, sẽ không đi tới đâu”. Nay thực chất của cuộc vận động đàn hặc Trump của Dân Chủ chỉ mang tính đảng phái.
Lá bài của Dân Chủ có phần nguy hiểm như con dao hai lưỡi. Dân Chủ có thể thắng mà có thể sẽ mất thêm nhiều phiếu trong cuộc bầu Quốc hội giữa nhiệm kỳ 2018. Cuộc vận động như đã nói sẽ đi tới kết luận “hủy bỏ kết quả bầu cử Tổng thống 2016”, có nghĩa nếu Trump bị phế truất, Mike Pence sẽ không được lên thay mà phải tổ chức bầu lại vì cuộc bầu cử Tổng thống 2016 vô giá trị đã do Nga đạo diễn… Cho dù có sự can thiệp của Nga và sự thông đồng của ban tranh cử Cộng Hòa, nhưng Dân Chủ phải chứng minh được bao nhiêu phần trăm cử tri đã chịu ảnh hưởng của Putin để dồn phiếu cho Donald Trump. Ngoài ra họ cũng phải chứng minh được bao nhiêu phần trăm cử tri đã nghe theo Nga để bầu cho Cộng Hòa đa số tại Thượng viện, Hạ viện, Thống đốc các tiểu bang… Nhưng đây là cả một vấn đề rất khó để chứng minh bằng các con số thống kê.
Hiện nay kinh tế Mỹ đang tốt đẹp, tỷ lệ thất nghiệp hiện đã xuống thấp chỉ còn 4.3%, trong những tháng sắp tới sẽ xuống còn 4. hay 3.9%, tức mức full employment (ai nấy có công ăn việc làm), mọi người đều thoải mái chẳng ai than phiền gì cả, người Mỹ chú trọng hàng đầu vào “nồi cơm” của họ. Nhiều bản tin cũng cho biết nay các sinh viên ra trường đã dễ tìm được việc làm hơn trước đây. Hiện nay 63 triệu cử tri đã bỏ phiếu cho Tổng thống Trump vẫn ủng hộ ông như trước, không có gì thay đổi.
Tuy nhiên, tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Trump do Hãng Quinnipiac đưa ra hôm 7/6 thì lại tụt xuống mức 34%, mức thấp hơn cả 35% trong tháng Tư. Có tới 57% người được hỏi nói rằng họ không hài lòng về công việc của tổng thống, trong khi hồi giữa tháng Năm, thống kê tương tự là 55% không hài lòng, và 37% hài lòng.
Trong bài “There is no chance that Donald Trump will be impeached” (không có cơ hội nào để truất phế Donald Trump) ngày 17/5/2017, nhà bình luận James Snell kết luận: Trump sẽ không bao giờ bị đàn hặc, một điều gần như chắc chắn ông ta sẽ làm Tổng thống hết nhiệm kỳ này cho tới năm 2020. Sau đó mặc dù phải đương đầu những khó khăn bầm dập trong nhiều năm tới, ông cũng sẽ thắng cử nhiệm kỳ sau và tiếp tục làm (Tổng thống) thêm bốn năm nữa… Hoa Kỳ theo chế độ lưỡng đảng, có nghĩa một đảng chỉ được làm Tổng thống hai nhiệm kỳ như tự bao giờ. Dân chủ đã làm hai nhiệm kỳ (2008-2016) giờ tới lượt Cộng hòa không có ứng cử viên nào sáng giá ngang với các ứng viện trẻ Cộng hòa như Paul Ryan, Mike Pence, Ted Cruz, Jeb Bush hoặc John Kasich…
Theo dự báo của một số chuyên gia thì đảng Cộng hòa sẽ nắm giữ Nhà Trắng trong tám năm, từ 2016 cho tới 2024, sau đó sẽ bàn giao lại cho Dân chủ như ý muốn của cử tri, đại chúng. Cho dù sốt ruột, Dân chủ cũng phải ráng chờ thêm bẩy năm rưỡi nữa mới tới lượt mình. Cộng hòa sẽ lại vận động hạch sách đối lập để tiếp tục cuộc hành trình đảng nọ phá đảng kia như tự thuở lập quốc đến nay.