BienDong.Net: Trong những ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10/2014 đã diễn ra cuộc biểu tình lớn ở Hong Kong. Chúng ta cùng phân tích sự kiện này để thấy được rõ thêm chính sách của Bắc Kinh đối với Biển Đông.
Cuộc biểu tình ở Hong Kong khởi nguồn từ phong trào của sinh viên yêu cầu bãi bỏ quyết định Bắc Kinh về bầu cử ở Hong Kong thực hiện đúng thỏa thuận giữa Anh và Trung Quốc về trao trả Hong Kong cho Trung Quốc là sẽ thực hiện bầu cử tự do theo đầu phiếu vào năm 2017.Cảnh sát đã phun hơi cay để dẹp biểu tình, ngay lập tức cuộc biểu tình đã bùng phát cả về quy mô lẫn nội dung. Những người tổ chức biểu tình đã đưa ra khẩu hiệu chiếm đóng trung tâm và cơ quan hành chính của Hong Kong đòi Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong từ chức và cuộc biểu tình được mang tên phòng trào “Chiếm trung tâm”. Cuộc biểu tình không chỉ còn bó hẹp trong sinh viên nữa mà đã lan tỏa ra mọi tầng lớp dân cư Hong Kong.
Biểu tượng có ý nghĩa đại diện cho cuộc biểu tình của Hong Kong chính là những chiếc dù. Người dân Hong Kong khi đi biểu tình những ngày này luôn mang theo chiếc dù bên mình để tránh cái nắng gay gắt. Khi bị cảnh sát phun hơi cay, rất nhiều người Hong Kong đã tự bảo vệ mình bằng những chiếc dù che chắn cơ thể. Chiếc dù trở thành dấu hiệu của cuộc đấu tranh ở nơi tiền tuyến. Cuộc biểu tình ở Hong Kong từ đó mang cái tên “Cách mạng dù”. Qua việc chính quyền sử dụng hơi cay để đàn áp biểu tình cho thấy sự cứng rắn của Bắc Kinh. Nhớ lại sự đàn áp đẫm máu của nhà cầm quyền Bắc Kinh đối với cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, dư luận đang lo ngại nó những gì đã diễn ra ở Thiên An Môn sẽ lặp lại ở Hong Kong.
Đối với người dân của chính đất nước mình, những người cầm quyền ở Bắc Kinh còn hành động dã man như vậy thì việc họ hành xử thô bạo, dã man đối với những người ngư dân nghèo của Việt Nam đang đánh bắt hải sản bình thường ở Biển Đông là đúng với bản chất của họ. Hà Nội không thể ảo tưởng về cái gọi là “ý thức hệ, cùng là 2 nước xã hội chủ nghĩa” để hy vọng rằng họ sẽ thực sự hữu nghị với Việt Nam, nhất là trên vấn đề Biển Đông.
Một loạt nhà lãnh đạo cuộc biểu tình “Chiếm trung tâm” ở Hong Kong tiết lộ họ đã nhận được thư đe dọa tính mạng. Đây là cách làm lâu nay của họ, luôn có một giọng điệu đe dọa để gây áp lực buộc đối phương phải khuất phục. Theo Reuters, giáo sư xã hội học Chan Kin – Man thuộc Đại học Trung Quốc, người đồng sáng lập phong trào Chiếm trung tâm, cho biết trong vài ngày qua ông đã nhận được vô số thư dọa giết viết bằng tiếng Trung. Giáo sư luật Benny Tai thuộc Đại học Hong Kong cũng cho biết ông đã bị dọa giết nhiều lần. Có một phong bì gửi đến cho ông ghi người nhận là “Ác quỷ”, một phong bì khác chứa một chiếc dao lam. Bắc Kinh đang dùng đội quân ngầm của họ để dọa nạt, răn đe những người lãnh đạo cuộc biểu tình ở Hong Kong cũng như họ đã làm với các nước Việt Nam, Philippines… ở Biển Đông vậy.
Xét về mặt lợi ích mà nói thì xem ra cuộc biểu tình chống lại chính quyền Bắc Kinh ở Hong Kong là có lợi cho các nước ven Biển Đông. Do phải tập trung đối phó với cuộc biểu tình ở Hong Kong nên trong thời gian trước mắt Bắc Kinh ít có khả năng có những hành động hung hăng ở Biển Đông.
Trong thời gian từ đầu năm 2014 đến nay, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã phải đối phó với nhiều vụ gây rối của người Duy Ngô Nhĩ gây ra ở Vân Nam, Tân Cương và cả ở Bắc Kinh… Sự kiện biểu tình ở Hong Kong là một “quả báo mới” đối với những người cầm quyền ở Bắc Kinh đang thi hành một chính sách hết sức cứng rắn về đối nội cũng như đối ngoại. Ông Tập Cận Bình, một con người ngạo mạn đang phải đứng trước những khó khăn thách thức sau 2 năm cầm quyền.
Đúng là một hiện tượng “nhân quả”, “gieo gió ắt phải gặp bão”. Ông Tập thực hiện nhiều chính sách nội bộ cứng rắn đã gây ra tình hình bất ổn và bây giờ ông ta đang phải đối phó với tình trạng rối ren ở Hong Kong mà chưa có lối thoát. Ông Tập Cận Bình cũng thi hành chính sách cứng rắn trên vấn đề biển đảo với các nước láng giềng nên đã làm cho hình ảnh Trung Quốc xấu đi nghiêm trọng trước thế giới. Dư luận quốc tế hết sức lo lắng về nguy cơ bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông và biển Hoa Đông, cả thế giới đã phê phán những hành động hiếu chiến của Trung Quốc đối với Việt Nam và Philippines trên Biển Đông. Và giờ đây những người lãnh đạo ở Bắc Kinh do ông Tập đứng đầu đang phải oằn mình lên để đối phó với vụ kiện của Philippines.
Đã có những tiếng nói của quốc tế (Mỹ, Anh, Châu Âu…) cảnh báo Trung Quốc không được sử dụng vũ lực để dẹp biểu tình ở Hong Kong; Liên hợp quốc cũng đã bày tỏ lo ngại về tình hình ở Hong Kong và kêu gọi Bắc Kinh đối thoại, sử dụng biện pháp hòa bình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng chỉ trích việc các nước như Mỹ và Anh bày tỏ lo ngại với vụ chính quyền Hong Kong dùng vũ lực đối phó với người biểu tình và nhấn mạnh: “Vấn đề Hong Kong là công việc nội bộ của Trung Quốc. Chúng tôi kêu gọi các nước bên ngoài không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc theo bất kỳ hình thức nào”.
Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh cần tranh thủ sự ủng hộ của các nước láng giềng, nhất là Việt Nam một nước có đường biên giới dài với Trung Quốc ở phía Nam và rất gần với Hong Kong. Do vậy, trong thời gian trước mắt có lẽ Bắc Kinh sẽ chưa thể có hành động gây hấn mới với Việt Nam ở Biển Đông. Người Việt Nam không mong muốn Trung Quốc bất ổn, nhưng rõ ràng cuộc biểu tình ở Hong Kong đã giảm bớt sức ép đối với Việt Nam trên vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, ý đồ thâm hiểm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là không thay đổi nên cần luôn luôn đề cao cảnh giác với các hành động bành trướng của Bắc Kinh.
BDN