Triển lãm tại Đài Bắc lần đầu tiên đã trưng bày một phần nhỏ các tư liệu được Tưởng Giới Thạch và Quốc dân Đảng, hay Đảng theo Chủ nghĩa dân tộc, mang đến Đài Loan khi chạy trốn từ Đại lục năm 1949. Phát biểu tại Khai mạc triển lãm, Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã làm rõ yêu sách của chính quyền Quốc dân Đảng vào năm 1947 khi khẳng định chủ quyền đối với các đảo bị Nhật Bản chiếm giữ trong Thế chiến thứ 2. Không giống như Trung Quốc chưa bao giờ giải thích liệu nước này yêu sách mọi thứ bên trong “đường lưỡi bò” – gồm các đảo, đá, bãi cạn, đá ngầm, thủy sản, dầu khí và các vùng nước – hay chỉ yêu sách các đảo, Tổng thống Mã Anh Cửu đã chỉ rõ ra rằng Quốc dân Đảng giới hạn yêu sách năm 1947 đối với các đảo và vùng nước phụ cận từ 3 đến 12 hải lý của các đảo này. Ông Mã Anh Cửu cũng nói rằng “không hề có bất kỳ yêu sách đối với các khu vực biển nào khác”.
Với nội dung phát biểu nói trên của ông Mã Anh Cửu, “đường lưỡi bò” có thể được giải thích phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành. Phát biểu của ông Mã Anh Cửu phản ánh đúng thực chất tranh chấp hiện nay là có sự tồn tại tranh chấp về chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Sa và vùng biển đòi hỏi cho các cấu trúc thuộc các quần đảo này chỉ là từ 3 đến 12 hải lý về cơ bản không trái với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Theo điều 121 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, với nguyên tắc “đất thống trị biển”, các cấu trúc đất ở Biển Đông có thể được hưởng lãnh hải 12 hải lý bởi trước đây nó đều là những vùng đất hoang không thích hợp cho con người sinh sống và không đủ điều kiện để có thể có đời sống kinh tế riêng.
Kể từ khi yêu sách “đường lưỡi bò” xuất hiện trên các bản đồ của Trung Quốc năm 1947, Trung Quốc cũng như Đài Loan chưa bao giờ giải thích rõ ý nghĩa của yêu sách quái đản này. Phát biểu tại triển lãm của ông Mã Anh Cửu, Tổng thống Chính phủ Trung Hoa Dân quốc ở Đài Loan, “cha đẻ” của yêu sách “đường lưỡi bò” đã lần đầu tiên làm rõ yêu sách này. Phát biểu của ông Mã Anh Cửu phù hợp với nội dung ghi trên tấm bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” với cái tên “Bản đồ vị trí các đảo ở Nam Hải”.
Đây là một cơ sở quan trọng để làm rõ yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” của Chính quyền Bắc Kinh. Phát biểu của ông Mã Anh Cửu đi ngược lại với quan điểm của Trung Quốc cho rằng các cấu trúc bên trong “đường lưỡi bò” có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý, đồng nghĩa với việc bác bỏ hoàn toàn quan điểm của Bắc Kinh đòi hỏi vùng biển rộng lớn trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò” chiếm đến 90% diện tích Biển Đông lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước ven Biển Đông.
Là một bên tranh chấp ở Biển Đông và đang chiếm đóng đảo Ba Bình, cấu trúc có diện tích lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, song Đài Loan không được tham gia vào quá trình giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông với các nước liên quan, kể cả quá trình xây dựng, thực thi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiện nay là do sự o ép của Bắc Kinh. Tuy nhiên, phát biểu của ông Mã Anh Cửu làm rõ về yêu sách “đường lưỡi bò” về cơ bản được hầu hết các nước hoan nghênh và điều này giúp cho Đài Loan nâng cao vị thế của họ trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông và có tác động tích cực để Đài Loan có thể tham gia vào giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.
Bắc Kinh rõ ràng là không thể hài lòng với phát biểu của ông Mã Anh Cửu, song cũng không thể vu cáo cho ông Mã Anh Cửu từ bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” bởi lẽ ông Mã Anh Cửu không từ bỏ yêu sách này mà đã giải thích “đường lưỡi bò” theo đúng bản chất của nó ở những tấm bản đồ xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1947 với cái tên “Bản đồ yêu sách về các đảo” và việc ông giải thích yêu sách về các vùng biển của các cấu trúc nằm trong “đường lưỡi bò” là phù hợp với luật pháp quốc tế đương thời cũng như Công ước Luật biển 1982.
Đã đến lúc các nước ven biển cần có cách tiếp cận thực tế với Đài Loan trong việc thảo luận về giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông. Với phát biểu nói trên của ông Mã Anh Cửu về “đường lưỡi bò”, các nước ASEAN, nhất là các nước liên quan đến tranh chấp Biển Đông cần ủng hộ việc Đài Loan tham gia vào các cơ chế giải quyết tranh chấp ở Biển Đông với tư cách một bên tranh chấp. Ông Mã Anh Cửu, đại diện cho Trung Hoa Dân quốc chính thức bác bỏ “đường lưỡi bò” thì Bắc Kinh không có cơ sở để đòi hỏi toàn bộ các vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” như họ vẫn làm bấy lâu nay.
Theo một số thông tin, gần đây Mỹ liên tục “thúc ép” Đài Loan lên tiếng công khai giải thích rõ ý nghĩa của yêu sách “đường lưỡi bò” năm 1947. Phát biểu của ông Mã Anh Cửu về yêu sách “đường lưỡi bò” năm 1947 sẽ làm hài lòng Mỹ. Bà Bonnie Glaser từ Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược, một cơ quan nghiên cứu chính sách của Washington, nói rằng Mỹ đã bí mật thúc giục ông Mã Anh Cửu giải thích rõ mục đích của Quốc dân Đảng khi vẽ tấm bản đồ “đường lưỡi bò”, với hy vọng rằng việc này sẽ gây áp lực buộc Trung Quốc phải làm rõ yêu sách này và thậm chí thay đổi lập trường. Đây là một trong những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn xung đột trên biển, tuyến hàng hải quan trọng chiếm phần lớn giao thương của thế giới. Mỹ không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ nhưng Mỹ không đồng ý với các hành động hiếu chiến của Trung Quốc với các nước láng giềng gây tình hình căng thẳng ở Biển Đông.
Đáng chú ý là theo một số nguồn tin đáng tin cậy thì Mỹ cũng đang xây dựng một tài liệu, trong đó có đưa ra các lập luận về “đường lưỡi bò” và có thể sẽ được công bố trong 1 đến 2 tuần tới. Phát biểu của ông Mã Anh Cửu sẽ là một lập luận mà Mỹ sẽ sử dụng để bác bỏ “đường lưỡi bò”.
Trong bối cảnh vụ kiện của Philippines về “đường lưỡi bò” đang bước vào giai đoạn then chốt thì phát biểu của ông Mã Anh Cửu cũng như những động thái mới của Mỹ liên quan đến “đường lưỡi bò” có tác động tích cực đến vụ kiện của Philippines và là cơ sở quan trọng để Tòa Trọng tài phán quyết về yêu sách “đường lưỡi bò”.
BDN