Bản tin Biển Đông ngày 26/06/2017.
Trung Quốc lo sợ cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ấn Độ có thể chạm gáy nước này khi đề cập đến vấn đề Biển Đông
Tờ Times of India cho biết, qua phát biểu của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng vào ngày 23/6, có thể thấy Trung Quốc đang lo ngại về cuộc gặp sắp tới giữa Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể bao gồm vấn đề Biển Đông và thậm chí hai nước sẽ có các hoạt động quân sự chung ở khu vực. Bắc Kinh cũng lo ngại khả năng Mỹ sẽ cố gắng khuyến khích Ấn Độ thúc đẩy hợp tác với Việt Nam và các nước khác có tranh chấp với Bắc Kinh ở Biển Đông. Ông Quian Feng, một học giả thuộc Trung tâm Chiến lược Quốc gia, Đại học Thanh Hoa tiết lộ rằng cuộc gặp giữa ông Modi và Tổng thống Trump “sẽ được người dân Trung Quốc theo dõi sát sao vì một số vấn đề sẽ được thảo luận có liên quan đến lợi ích của Trung Quốc”.
Chỉ tránh xung đột đơn thuần ở Biển Đông là không đủ
Ngày 24/6, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Chỉ tránh xung đột đơn thuần ở Biển Đông là không đủ” của Jonathan G. Odom, Giáo sư Pháp lý quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương. Qua một số phân tích liên quan đến nội dung bài viết “Các biện pháp thực chất nhằm tránh xung đột trên biển” của nhà báo quân sự Trung Quốc Zhou Bo đăng trên tờ Thời báo Hoàn cầu, GS. Odom cho rằng nếu chỉ đơn thuần tránh xung đột ở Biển Đông sẽ là không đủ, việc quản lý các tranh chấp biển ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cần phải thực tế và dựa trên các nguyên tắc trên nền tảng tạo nên trật tự quốc tế. Ông cho rằng, mặc dù nhìn thoáng qua có thể thấy các biện pháp nêu trong bài báo này thể hiện tính xây dựng và tích cực, thế nhưng nhiều trong số đó dường như đã cố tình “đơn giản hoá, xem nhẹ, thậm chí lợi dụng những thành tố cơ bản của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, “dường như phản ánh những phát biểu lặp đi lặp lại của Bắc Kinh”. Cụ thể, ông Odom cho rằng: (i) ông Zhou Bo đã “thiếu bao quát” trong việc đánh giá các nhóm nguy cơ đe doạ hoà bình và ổn định của khu vực khi bỏ qua các nguy cơ đối đầu, leo thang căng thẳng, nghi kỵ và các vụ va chạm bất ngờ trên biển đặc biệt là do việc tăng cường sử dụng các lực lượng “không thông thường”, điều mà Trung Quốc vẫn đang thực hiện nhằm đạt được mục đích riêng thông qua các biện pháp ép buộc, mặt khác khôn khéo tránh được việc gây ra xung đột vũ trang quốc tế ; (ii) dù ông Zhou Bo tiếp tục nhắc lại quan điểm của phía Trung Quốc rằng các bên cần giải quyết tranh chấp thông qua “đàm phán và tham vấn hoà bình” nhưng cách ông đã cố ý phớt lờ các cơ chế bên thứ ba là Toà án và Toà Trọng tài quốc tế cũng như cách phía Trung Quốc đã bác bỏ các cơ chế tài phán cho thấy rõ ràng Trung Quốc đang kéo dài thời gian nhằm tìm cách sử dụng sức mạnh quân sự và sáng kiến kinh tế “Một Con đường, Một Vành đai” vào mục đích mặc cả trên bàn đàm phán vào một thời điểm nào đó trong tương lai, (iii) mặc dù khăng khăng rằng Trung Quốc đã giải quyết được rất nhiều tranh chấp biên giới với các nước láng giềng thông qua đàm phán nhưng ông Zhou đã cố tình bỏ qua sự tồn tại của “Đường chín đoạn” – yêu sách phi lý do Trung Quốc ngang nhiên vẽ ra để áp đặt yêu sách lên gần như toàn bộ Biển Đông, đồng thời cũng là rào cản đối với mọi cơ hội giải quyết tranh chấp Biển Đông ở khu vực, (iv) trong bài viết, ông Zhou Bo đã tìm cách tổng hợp “một cách có chọn lọc” thực tiễn quốc gia và các quy định của luật quốc tế để cho rằng “một số quốc gia” đã tiến hành hoạt động trinh sát và theo dõi “được xem là thiếu thân thiện, thậm chí gây thù địch” trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước khác nhưng lại cố tình phớt lờ những hoạt động trinh sát của Trung Quốc trong vùng EEZ của một số nước khác nhiều năm qua trong đó có Úc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Mỹ, gây hoài nghi về cái mà Trung Quốc gọi là cam kết dựa trên luật lệ đối với tự do trên biển, (v) ngang nhiên yêu cầu tất cả các quốc gia phải tuân theo các tiêu chuẩn hiện hành, dựa trên luật lệ về an toàn trên biển, trong đó có Các quy định quốc tế về phòng ngừa đâm va năm 1972 (COLREGs), nhưng sự thật là ông Zhou không hề nhận ra rằng các quy định của COLREGs áp dụng đối với cả các tàu phi nhà nước, bao gồm các tàu đánh cá thuộc lực lượng quân dân biển của Trung Quốc đã nhiều lần vi phạm các tiêu chuẩn này trong các vụ va chạm với tàu thuyền nước ngoài, trong khi đó, việc triển khai một cách hiệu qủa các tiêu chuẩn này là một quá trình lâu dài đối với các quốc gia trên thực tế, chứ không chỉ gói gọn trong lý thuyết
Cựu Giám đốc Cơ quan tình báo Mỹ David Petraeus kêu gọi Úc cần “cứng rắn” với Trung Quốc
Ngày 24/6, hãng ABC News cho biết, phát biểu tại tiệc gala của Đảng Tự do Úc tại Sydney, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) David Petraues kêu gọi Úc cần “cứng rắn với Trung Quốc”, đồng thời hối thúc nước này tham gia vào các cuộc tập trận tự do hàng hải ở Biển Đông. Ông Petraeus bảo đảm rằng Úc vẫn hoàn toàn có thể tin cậy đồng minh chiến lược quan trọng nhất của mình, khẳng định rằng “sẽ có nhiều sự tiếp diễn hơn là thay đổi” trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bên cạnh đó, ông Petraeus đã đưa ra “đánh giá thẳng thắn” về những nguy cơ đang nổi lên ở khu vực, mô tả yêu sách phi lý của Trung Quốc áp đặt lên gần như toàn bộ Biển Đông là “vô cùng thô bạo”, đồng thời kêu gọi Mỹ và Úc cần cứng rắn trong phản ứng đối với nước này.
Trung Quốc điều đội tàu hộ vệ tiến hành hoạt động huấn luyện trên Biển Đông
Ngày 26/6, Mạng Quân sự Trung Quốc đưa tin, từ 17/6 đến 21/6, các tàu hộ vệ mang tên lửa hành trình có tên Qujing (số hiệu 508) và Qingyuan (số hiệu 589) cùng một đội tàu hộ vệ thuộc Hạm đội Nam Hải, Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận huấn luyện trên biển kéo dài 4 ngày tại các vùng biển “không được tiết lộ” trên Biển Đông, bất chấp những lo ngại của các nước trong và ngoài khu vực trước cách hành xử đơn phương của nước này đang đe doạ hoà bình và ổn định ở Biển Đông.