Cả tỷ dân đang giàu lên và muốn ăn uống an toàn hơn là lý do Trung Quốc ra sức thâu tóm và đầu tư nông nghiệp khắp thế giới.
Trang trại bò sữa của Van Diemen’s Land mà công ty Trung Quốc đã thâu tóm. Ảnh: Bloomberg
Nhờ cú bắt tay của chính phủ Mozambique và chính quyền tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), công ty Wanbao Grains & Oils được tạo điều kiện để đầu tư 250 triệu đôla vào tỉnh Gaza của quốc gia châu Phi. Nguồn vốn này được đổ vào để giải tỏa mặt bằng 20.000 hécta, đầu tư hệ thống tưới tiêu và máy móc để trồng lúa và ngô.
Trước làn sóng phản đối của cư dân địa phương vì cho rằng bị thất nghiệp và mất đồng cỏ chăn thả gia súc, trang trại của Wanbao bố trí hàng rào kiên cố với tháp canh và lực lượng bảo vệ có vũ trang.
Công ty này là một ví dụ về làn sóng thâu tóm hoặc thuê các trang trại ở nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc trong thập niên gần đây. Mục tiêu nhằm giải quyết vấn đề đất đai canh tác trong nước ngày càng thu hẹp và 1,4 tỷ dân ngày càng ăn nhiều hơn.
Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng là lý do chính. Nhóm này có nhu cầu ăn nhiều hơn nhưng đồ ăn phải phong phú và an toàn hơn. Năm qua, Trung Quốc đã tiêu thụ một nửa sản lượng thịt heo và sữa bột của thế giới, một phần ba đậu nành và gạo.
Chính phủ Trung Quốc đang phải chi những khoản trợ cấp khổng lồ cho nông dân trong nước để trồng ngô và lúa, xây dựng kho dự trữ ngũ cốc và giảm nhu cầu nhập khẩu. Cả những trang trại ở nước ngoài như Wanbao cũng phải chịu những ràng buộc của chính phủ trong việc giao thương với thị trường ngũ cốc thế giới.
Không chỉ tìm đến các nước nghèo để thuê mua đất, nước này đang dần chú ý hơn đến các quốc gia phát triển. “Trung Quốc chỉ mới bắt đầu. Họ đang từng bước xây dựng sức mạnh và chuỗi cung ứng cho họ”, Kartini Samon – người điều hành chương trình Châu Á về hạt ngũ cốc – bình luận.
Số liệu của Viện Doanh nghiệp Mỹ và Tổ chức Heritage cho biết, các công ty Trung Quốc đã chi gần 52 tỷ đôla cho các hợp đồng nông nghiệp ở nước ngoài từ năm 2005. Các giao dịch liên quan đến ngành công nghiệp thực phẩm của nước này đã tăng 4 lần trong sáu năm qua.
“Ngày càng nhiều công ty Trung Quốc muốn mua các doanh nghiệp thực phẩm thực sự chất lượng, thay vì mua ồ ạt như trước đây”, ông Ian Proudfoot – Giám đốc mảng kinh doanh nông nghiệp của KPMG nhận xét. Bằng chứng là năm 2013, WH Group (Trung Quốc) thâu tóm Smithfield Foods, nhà sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới của Mỹ. Hay như thương vụ 43 tỷ đôla mua tại Tập đoàn Syngenta (Thụy Sỹ) của Tập đoàn Hóa chất Trung Quốc (ChemChina).
Số liệu của Tổ chức AEI/Heritage Foundation cho biết, trong 17 hợp đồng nông nghiệp do các công ty Trung Quốc thực hiện hai năm qua, chỉ có 2 ở các nước đang phát triển là Campuchia và Brazil. Trong khi đó, có 6 hợp đồng là ở Australia.
Tháng 2/2016, Moon Lake Investments của Trung Quốc chi 210 triệu đôla để thâu tóm công ty sữa lớn nhất Australia là Van Diemen’s Land. Ở một diễn biến khác, sau khi chính phủ Australia bác bỏ đề xuất cho Shanghai Pengxin mua lại nhà sản xuất thịt bò S. Kidman & Co, một công ty Trung Quốc khác là Shanghai CRED Real Estate Stock đã bắt tay với người phụ nữ giàu nhất Australia – Gina Rinehart, để cùng sở hữu một trang trại khổng lồ, diện tích lớn hơn cả Hàn Quốc.
Theo Bloomberg, với quy mô dân số và mức độ giàu có ngày càng tăng, sự xâm nhập của Trung Quốc vào lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm toàn cầu sẽ càng cao. Tất nhiên, nước này cũng không hoàn toàn thuận lợi. Không phải dự án nào cũng thành công như họ mong muốn.
Trang trại của Wanbao tại Mozambique là một kinh nghiệm. Lũ lụt đã xóa sổ vụ mùa 2012-2013 của công ty này. Hạn hán làm giảm khoảng 70% sản lượng thu hoạch vào vụ mùa sau đó. Đến nay, chỉ có 7.000 hécta trong số 20.000 hécta được gieo trồng. Đó là chưa kể sự bất bình của cư dân địa phương.