Ria Novosti dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Igor Morgulov cho biết, Moscow đã soạn thảo “lộ trình” nhằm giải quyết vấn đề Bán đảo Triều Tiên và sẵn sàng thảo luận với các đối tác.
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên ngày càng căng thẳng
“Chúng tôi đã soạn thảo và sẵn sàng thảo luận với các đối tác một tập hợp các biện pháp thiết thực tương đương như một “lộ trình” với mục đích cuối cùng là hình thành cơ chế hòa bình lâu dài ở khu vực Đông Bắc Á với giải pháp đồng thời về việc giải quyết các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên, bao gồm giải trừ chương trình hạt nhân của nước này”, ông Morgulov nói.
Cũng theo ông Igor Morgulov, Moscow phát huy sáng kiến này nhằm phối hợp hành động với đối tác Trung Quốc, quốc gia cũng đang lo ngại về những gì đang xảy ra trong khu vực.
Tài liệu bao gồm một chương trình chuyển biến theo từng giai đoạn của các bên tham gia đối thoại không cần điều kiện tiên quyết, Thứ trưởng Ngoại giao Igor Morgulov cho biết.
“Chúng tôi đề xuất di chuyển theo hướng không cần điều kiện tiên quyết, theo từng giai đoạn, từ đơn giản đến phức tạp, bằng cách xuất phát từ những điều hiển nhiên – thể hiện sự kiềm chế lẫn nhau, không khiêu khích lẫn nhau, bắt đầu đàm phán về những nguyên tắc chung của mối quan hệ, chẳng hạn như không gây hấn, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực”, ông Morgulov nhấn mạnh.
Trong trường hợp này, CHDCND Triều Tiên cần được đảm bảo an ninh để cho phép nước này tiếp tục từ bỏ chương trình tên lửa hạt nhân, ông Morgulov nói thêm.
Ngoài ra, ông Morgulov cũng lưu ý rằng Nga đang phối hợp hành động động với đối tác Trung Quốc, nước đang quan tâm đến những gì xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov lưu ý thêm rằng vấn đề bán đảo Triều Tiên cần phải được giải quyết bằng con đường hòa bình, thông qua đối thoại của tất cả các bên liên quan, và trước hết là hai nước đối lập chính – Mỹ và CHDCND Triều Tiên.
Trong những năm gần đây, căng thẳng giữa hai nước liên tục gia tăng trong bối cảnh Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Washington mới đây đã gửi tới vùng biển Nhật Bản tàu sân bay hạt nhân Carl Vinson nhằm đe dọa Bình Nhưỡng, và sau đó hoàn thành việc sửa chữa hàng không mẫu hạm Ronald Reagan tại cảng Yokosuka Nhật Bản. Nga tin rằng những hành động khiêu khích quân sự của các bên chỉ làm trầm trọng thêm tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Vào đầu tháng Sáu, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhất trí thông qua một nghị quyết mở rộng lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên liên quan đến các vụ phóng thử tên lửa của nước này.
Các cuộc đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bắt đầu vào tháng 8/2003. Tham gia đàm phán có các nhà ngoại giao Nga, Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Kết quả là, Triều Tiên không chỉ đóng băng chương trình hạt nhân của mình, mà còn bắt đầu tháo dỡ các lò phản ứng tại trung tâm thử nghiệm ở Yongbyon.
Tuy nhiên, kể từ năm 2008 cuộc đối thoại thực sự bế tắc sau khi Mỹ và Triều Tiên thất bại trong việc thỏa thuận về cách thức xác minh danh sách các chương trình hạt nhân, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc từ chối thực hiện nghĩa vụ của mình là cung cấp nhiên liệu cho Triều Tiên để sản xuất điện thông thường nhằm đổi lấy việc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân.