Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiDIỄN BIẾN MỚI XUNG QUANH VỤ KIỆN CỦA PHILIPPINES

DIỄN BIẾN MỚI XUNG QUANH VỤ KIỆN CỦA PHILIPPINES

BienDong.Net: Thời hạn cuối cùng Tòa ấn định cho Trung Quốc nộp Bản phản biện trong vụ kiện của Philippines ngày 15/12/2014 đã hết. Tòa Trọng tài Phụ lục VII vụ kiện của Philippines sẽ bước vào giai đoạn then chốt xem xét vụ kiện. Trung Quốc tiếp tục phản đối, không tham gia vào vụ kiện. Hành động này của Trung Quốc càng thể hiện rõ sự coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc và Trung Quốc là thành viên vô trách nhiệm của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Trước thời hạn nộp Bản phản biện đúng một tuần, ngày 07/12/2014, Trung Quốc đã ra một Văn kiện lập trường bác bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng tài. Trung Quốc lựa chọn cách làm này để Tòa phải quan tâm đến các ý kiến của Trung Quốc khi mà Trung Quốc không tham gia vào vụ kiện của Philippines. Nhưng xem ra các lập luận trong Văn kiện lập trường của Trung Quốc thiếu tính thuyết phục, không ảnh hưởng đến thẩm quyền của Tòa thụ lý vụ kiện. Trung Quốc cũng hiểu rõ điều này nên họ không dám tham gia vào vụ kiện để bảo vệ quan điểm của họ. Họ chọn cách đưa ra Văn kiện lập trường để nếu trong trường hợp Tòa quyết định có thẩm quyền xét xử vụ kiện thì Trung Quốc sẽ tiếp tục phản đối và không bị ràng buộc bởi vụ kiện.

Phản ứng về Văn kiện lập trường ngày 07/12/2014 của Trung Quốc, hôm, 11/12/2014, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bác bỏ quan điểm của Trung Quốc; khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc; đồng thời, cho biết là Hà Nội đã đề nghị Toà Trọng tài vụ kiện của Philippines, quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam tại Biển Đông.

Đánh giá về việc Việt Nam gửi quan điểm lập trường đến Tòa Trọng tài vụ kiện của Philippines, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông tại trường Đại học Maine, Mỹ nhận định có thể xem đây là một động thái cần thiết của Việt Nam nhằm tạo cơ sở cho việc kiện Trung Quốc trong tương lai. Việt Nam đã lên tiếng đúng lúc để duy trì khả năng bảo vệ quyền lợi của mình trong tư cách là nước bị thiệt hại nặng nhất bởi “đường 9 đoạn” và những hành động xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Long nói rằng: “Nếu Việt Nam không lên tiếng khẳng định quyền lợi của mình khi Trung Quốc đưa ra công bố chính thức về vụ kiện của Philippines, cũng như trước thời hạn hết được nộp ý kiến, thì Việt Nam đã bỏ đi một cơ hội rất lớn để bảo vệ quyền lợi của chính mình”.

Mặc dù, nội dung văn bản gửi đến Tòa Trọng tài của Việt Nam không được công bố, song các nhà phân tích đều cho rằng, nội dung văn bản sẽ đưa ra những quan điểm hoàn toàn trái ngược với Trung Quốc vì Việt Nam và Trung Quốc có quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau trên vấn đề Biển Đông. Trên thực tế, Việt Nam có nhiều quan điểm chung với Philippines trên vấn đề Biển Đông như: cùng bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”, cùng có quan điểm là các đảo, đá thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chỉ có lãnh hải, không có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng…. Do vậy, dù lời văn trong văn bản của Việt Nam gửi đến Tòa được thể hiện như thế nào đi chăng nữa thì vẫn sẽ là ủng hộ cho quan điểm của Philippines trong vụ kiện.

Sau phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam (ngày 11/12/2014), ngay chiều 11/12/2014, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã lên tiếng phản đối, đồng thời nhắc lại rằng hôm 07/12/2014, Chính phủ Trung Quốc đã công bố lập trường của mình nói Tòa Trọng tài vụ kiện của Philippines không có tính pháp lý, và khẳng định Bắc Kinh sẽ không chấp nhận hoặc tham gia tố tụng.

Còn Philippines thì lên tiếng hoan nghênh việc làm của Hà Nội, cho rằng đây là cử chỉ ủng hộ cho việc giải quyết tranh chấp của Philippines thông qua cơ chế Trọng tài, góp phần vào việc duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông.

Phát biểu với giới truyền thông, chuyên gia Carl Thayer tại Học viện Quốc phòng Úc đã phân tích thêm về chiến lược ngoại giao mới này của Việt Nam. Giáo sư Thayer cho rằng Văn kiện của Việt Nam gửi Tòa Trọng tài không phải là đơn kiện Trung Quốc, nhưng đã phản bác toàn bộ luận điểm của Trung Quốc dù không gọi đích danh.

Ông Carl Thayer nói: “Khi bày tỏ mối quan tâm của mình trong trường hợp này, Việt Nam không tham gia cùng Philippines vào vụ kiện Trung Quốc. Tuy nhiên, bản Tuyên bố của Việt Nam sẽ được các thẩm phán của Toà án ghi nhận trong vụ xét xử kiện tụng giữa Trung Quốc và Philippines. Điều này sẽ có tác dụng nâng cao – tuy chỉ là một chút – tầm quan trọng của vụ kiện. Nói một cách khác, cho dù vụ kiện chỉ là một vấn đề song phương giữa Trung Quốc và Philippines, nhưng việc phân xử của các thẩm phán sẽ phải tính tới các lợi ích của các bên khác có thể bị phán quyết ảnh hưởng”. Ông Carl Thayer dự báo: “Rất có thể là với việc gửi bản Tuyên bố về các quyền tới Tòa Trọng tài, Việt Nam sẽ được mời đến trình bày các quyền và lợi ích của mình. Có thể nói, Việt Nam tiến hành kiện tụng qua cửa hậu “.

Cùng thời điểm này, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra một Báo cáo nghiên cứu số 143 về các Ranh giới trên biển (Limits in the Seas) với tiêu đề: “Yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông”, trong đó đưa ra những lập luận cụ thể bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên trong việc Việt Nam gửi văn bản đến Tòa bày tỏ quan điểm lập trường và Mỹ đưa ra Báo cáo phản bác “đường 9 đoạn”.

Phát biểu về điều này, ông Carl Thayer nhận định: “Thời điểm Việt Nam gửi tuyên bố tới Toà án, trùng với ngày Bộ Ngoại giao Mỹ công bố tài liệu về Các Ranh giới trên Biển, và 2 ngày trước khi Trung Quốc công bố Văn kiện về Lập trường, quả là rất phù hợp. Các sự kiện này, khi xem xét trong tổng thể, làm nổi bật lên vai trò của luật pháp quốc tế như là một công cụ để xử lý các tranh chấp về lãnh thổ ở Biển Đông. Trung Quốc sẽ không hài lòng bởi vì họ đã cố sức làm sao cho Tòa án Trọng tài không thụ lý vụ kiện của Philippines”.

                                                                                    BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới