Friday, January 10, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 11/07

Bản tin Biển Đông ngày 11/07

Bản tin Biển Đông ngày 11/07/2017.

Học giả Philippines: Phán quyết vụ kiện Trọng tài Biển Đông có thể sẽ trở nên “không còn quan trọng”

Ngày 10/7, ABS-CBN đưa tin, mới đây ông Jay Batongbacal, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Các vấn đề Biển và Luật Biển, Đại học Philippines cho rằng Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc ngày 12/7/2016 có thể sẽ sớm mất đi giá trị của mình nếu Chính phủ Philippines không có động thái nhất định nào với Phán quyết này, qua đó kêu gọi Chính phủ cần nêu vấn đề Phán quyết “khi còn có thể”, cho rằng đó là thời điểm “Philippines vẫn có thể tiếp tục bảo đảm quyền tiếp cận của mình, hay ít nhất có thể đạt được một thoả thuận bình đẳng với Trung Quốc về diễn biến trên Biển Đông và các vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines”. Ông Batongbacal giải thích Phán quyết có thể sẽ sớm mất đi ý nghĩa của mình là vì Trung Quốc đã “thiết lập sự hiện diện của họ trên Biển Đông, do đó có thể tuỳ tiện làm bất cứ điều gì họ muốn, bất kể là hoạt động quân sự, bán quân sự hay bán quân sự gì” và “ngăn cản điều này gần như sẽ là bất khả thi”. Ông kêu gọi mạnh mẽ “Philippines cần phải nêu ra vấn đề Phán quyết ngay bây giờ để có thể xây dựng một số cơ chế bảo vệ, để ít nhất có thể bảo vệ quyền tiếp cận của Philippines đối với các tài nguyên và bảo vệ chính những tài nguyên này”

Trung Quốc phân hoá sức ép quốc tế, tiếp tục hoàn thiện các công trình quân sự trên Biển Đông

Ngày 10/7, tờ The Philippine Star đăng bài viết “Trung Quốc phân hoá sức ép quốc tế, tiếp tục hoàn thiện các công trình quân sự trên Biển Đông”. Bài viết cho hay, trong một buổi phỏng vấn riêng với The Philippine Star, liên quan đến báo cáo của nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ về việc Trung Quốc tiếp tục ngang nhiên xây dựng các công trình quân sự trên ba cấu trúc ở Trường Sa, ông Gregory Poling, Giám đốc AMTI cho hay cách tiếp cận của Chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vẫn chưa làm chậm lại được tiến độ thi công các công trình quân sự của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông. Ông khẳng định “điều này cho thấy Bắc Kinh muốn Manila và các nước Đông Nam Á tiếp tục đàm phán, phân hoá sức ép quốc tế trong khi nước này hoàn thiện viện triển khai sức mạnh quân sự mà không bị can thiệp”. Ông còn nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đang quyết tâm thiết lập quyền kiểm soát thực tế đối với tất cả các cấu trúc nằm trong phạm vi đường chín đoạn phi lý mà nước này áp đặt ở Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế, và điều này được thể hiện rõ nhất qua phản ứng của Trung Quốc đối với Phán quyết Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016. Ông Poling cho hay “điều này có nghĩa là Bắc Kinh không muốn cho phép Philippines tiến hành bất cứ hoạt động khai thác nghề cá, dầu khí hay các nguồn tài nguyên khác, hoạt bất cứ hoạt động kinh tế hay quân sự nào mà không có sự cho phép của Trung Quốc”. Bên cạnh đó, ông khẳng định bước đi đầu tiên mà Trung Quốc thực hiện để giành quyền kiểm soát sẽ là thiết lập các hệ thống radar và tuần tra nhằm theo dõi tình hình tại Bãi Cỏ Rong và Bãi Cỏ Mây, cho phép đội tàu nổi và tàu chiến đấu của Trung Quốc ngăn cản các hoạt động của các bên trong tranh chấp Biển Đông tại bất cứ khu vực nào trong phạm vi đường chín đoạn cũng như ngăn chặn Mỹ và các nước “loại trừ các nguy cơ đe doạ tự do hàng hải ở khu vực”. Ông Poling cảnh báo, Bắc Kinh hiện đã có thể triển khai các hoạt động như phóng các tên lửa và máy bay chiến đấu đầu tiên trên các vùng biển tranh chấp.

Học giả Trung Quốc chỉ trích chính sách Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ

Ngày 10/7, tờ Thời báo Hoàn cầu đăng bài viết “Chính sách Châu Á – Thái Bình Dương của ông Trump đã định hình” của Zhang Tengjun, Trợ lý Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc. Ông Tengjun cho rằng trong vòng 6 tháng đầu năm 2017, nhiều hoạt động như các chuyến thăm tới các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tham dự các hội nghị khu vực và đặc biệt với hai hoạt động gần đây của Mỹ nhằm khẳng định quyền tự do hàng không và tự do hàng hải ở Biển Đông, cho thấy chính sách Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ đang định hình, với mục tiêu chính là “duy trì và củng cố vị thế độc tôn ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” và “khu vực này chính là trọng tâm trong chiến lược toàn cầu của Mỹ”. Tiếp tục luận điệu của rất nhiều bài viết khác của các học giả Trung Quốc, ông này muốn thông qua bài viết để cảnh báo chính quyền Mỹ “đang ngày càng can thiệp sâu vào các vấn đề ở Biển Đông”, chỉ trích Mỹ làm cho vấn đề Biển Đông “ngày càng trở thành vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ” trong khi “tình hình Biển Đông đã rất ổn thoả trong vòng 1 năm sau Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016 dù tranh chấp chủ quyền vẫn còn đó”

RELATED ARTICLES

Tin mới