Wednesday, January 1, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiĐộng lực khiến Mỹ đưa tên lửa Patriot đến gần biên giới...

Động lực khiến Mỹ đưa tên lửa Patriot đến gần biên giới Nga

Việc Mỹ lần đầu tiên triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tới Litva được chuyên gia quân sự đánh giá là “tín hiệu không thân thiện” từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO).

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. Ảnh: AP

Bộ Quốc phòng Litva thông báo: “Ngày 10/7, lần đầu tiên Mỹ đã cử hệ thống Patriot tới Litva. Việc điều động này cho thấy Mỹ cam kết chắc chắn với an ninh Litva và sẵn sàng đưa tiềm lực chiến lược tới khu vực”.

Theo Bộ Quốc phòng Litva, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot sẽ góp mặt trong cuộc tập trận phòng không “Tobruq Legacy 2017” diễn ra từ ngày 11-22/7. Dự kiến khoảng 500 binh sĩ và 30 hệ thống phòng không của quân đội Anh, Latvia và Ba Lan và Mỹ sẽ phô diễn tại “Tobruq Legacy 2017”.

Chuyên gia quân sự Boris Rozhin tại Trung tâm báo chí quân sự và chính trị đã đưa ra nhận định với hãng tin Sputnik (Nga) về quyết định điều động hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ.

“Patriot được điều động tại Đông Âu từ rất lâu. Ba Lan, CH Séc và Romania đã sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa này trong tập trận. Tuy nhiên, việc Mỹ đưa hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tới quốc gia Baltic là động thái không thân thiện của NATO. Họ muốn chơi lá bài hoang đường về viễn cảnh Nga tấn công các quốc gia Baltic”, ông Rozhin phân tích.

Chuyên gia quân sự này đồng thời đề cập rằng “mối đe dọa Nga” từ lâu đã trở thành cái cớ để NATO tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, từ binh sĩ tới chiến đấu cơ, chiến hạm và nay là hệ thống phòng thủ tên lửa.

“Nếu những hệ thống như vậy thường xuyên được điều động tới đó thì Nga sẽ buộc phải có phản ứng cân đối hoặc không đối xứng. Nhưng đến nay mục đích của hành động này là khiêu khích Nga, tương tự như trường hợp xảy ra với chiến đấu cơ Bộ Quốc phòng Nga và các máy bay quân sự khác của Nga khi bay qua Biển Baltic”.

Việc triển khai hệ thống Patriot tới Litva được đánh giá rất tốn kém, nhưng Mỹ dường như không bận tâm về điều này.

Ông Rozhin nhận định: “Vận chuyển, triển khai và bảo trì là vô cùng tốn kém. Trong khi các quốc gia châu Âu không đủ kinh phí cho việc phô trương này thì ngân sách quân đội Mỹ lại hoàn toàn có thể.

Hơn thế nữa, chiến dịch quân sự quanh Đông Âu, các nước Baltic và Ukraine mang lại lợi ích cho Lầu Năm Góc và ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Sự phô trương này sẽ dẫn đến kết quả là chi tiêu quốc phòng tăng thêm vào năm sau, đặc biệt bắt nguồn từ việc triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ tại Đông Âu”.

Vào đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Ba Lan và Mỹ đã ký một thỏa thuận chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ba Lan. Thỏa thuận đã được ký kết trong chuyến thăm gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Ba Lan.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz cho biết đến năm 2022 nước này sẽ tiếp nhận 8 hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot có tổng trị giá 7,5 tỉ USD từ Mỹ. Hệ thống này dự kiến sẵn sàng đi vào hoạt động từ năm 2023.

RELATED ARTICLES

Tin mới