BienDong.Net: Vào những tháng cuối năm 2014, tại Mỹ có 2 sự kiện quan trọng có thể ảnh hưởng đến chính sách Biển Đông: một là, Đảng Cộng hòa đã thành công lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ, duy trì được quyền kiểm soát Hạ viện, đồng thời giành lại được đa số ở Thượng viện, định chế thiết yếu trong đường lối đối ngoại của Mỹ; hai là, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, một người được cho là rất quan tâm đến Châu Á và Việt Nam, xin từ chức, và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định đề cử ông Ashton Carter, một cựu Thứ trưởng Quốc phòng lên thay.
Trước những diễn biến đó, giới phân tích đã có nhiều đánh giá về tác động của 2 sự kiện này đến chính sách “xoay trục” sang Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và chính sách của Mỹ đối với Biển Đông nói riêng.
Nhận định chung của nhiều nhà phân tích quốc tế là Đảng Cộng hòa luôn có thái độ cứng rắn với Trung Quốc; việc Đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát cả hai viện Quốc hội Mỹ sẽ không làm thay đổi đường lối ngoại giao của Mỹ, trong đó có chính sách Châu Á. Thậm chí, chính sách này còn có thể được củng cố thêm, với vế an ninh quân sự, cũng như kinh tế, thương mại có thêm hỗ trợ từ phía lập pháp.
Liên quan đến việc ông Chuck Hagel từ chức và ông Ashton Carter được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng ngay khi có tin là Tổng thống Obama đã quyết định đề cử ông Ashton Carter lên thay ông Chuck Hagel, giới quan sát đã cố lục tìm trong tiểu sử nhân vật lãnh đạo tương lai của Lầu Năm Góc để tìm hiểu về mối quan tâm của ông đến Châu Á.
Nhật báo Mỹ Washington Post, trong số ra ngày 05/12/2014 vừa qua đã ghi nhận sự tương đồng quan điểm chiến lược giữa ông Carter và Tổng thống Obama, trong đó có chính sách “xoay trục” qua Châu Á:
“Về vấn đề chính sách và tầm nhìn chiến lược, ông Carter từng là một người thẳng thắn ủng hộ nhiều sáng kiến mang chữ ký của Obama. Sau 13 năm chiến tranh và xung đột ở Afghanistan và Trung Đông, cả hai đều nói rằng Hoa Kỳ đã bỏ bê nhiều thách thức an ninh quốc gia khác và cần phải chú tâm trở lại trên một số ưu tiên dài hạn của mình.
Ông Obama chẳng hạn, đã tìm cách chuyển dịch mối quan tâm quân sự, chính trị và kinh tế từ Trung Đông qua Châu Á. Khu vực này đã vươn lên thống trị thương mại toàn cầu, nhưng cán cân quyền lực đã trở nên bất ổn vì sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trong những tuyên bố công khai kể từ khi ông rời Lầu Năm Góc vào năm ngoái, ông Carter vẫn tiếp tục ủng hộ chính sách gọi là “xoay trục” qua Châu Á của ông Obama, cho dù vào lúc đó Tổng thống Mỹ bị rất nhiều chỉ trích về phản ứng bị coi là thụ động của ông trước tình hình khủng hoảng ở Trung Đông.
Trong một bài nói chuyện vào tháng Năm vừa qua tại Đại học Harvard, ông Carter cho rằng, sức mạnh quân sự của Mỹ vẫn cần thiết để tiếp tục đảm bảo hòa bình và phồn vinh ở Châu Á. Ông nói: “Không phải là tôi cho rằng một cuộc xung đột hoặc là một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi, thậm chí có khả năng xảy ra… Nhưng trên đời này, không có gì là tự động cả, và điều đó đòi hỏi một nỗ lực nhất định của chúng ta để đảm bảo sao cho mọi thứ không vuột khỏi tầm kiểm soát… Chẳng hạn như khi thấy người ta đang đánh nhau vì những mỏm đá nhỏ khô cằn ở vùng Biển Đông”.
Đánh giá về chính sách của Mỹ đối với Châu Á và Biển Đông, Giáo sư chính trị học Nguyễn Mạnh Hùng thuộc trường Đại học George Mason, tiểu bang Virginia (Hoa Kỳ), cho rằng nhìn một cách tổng quát, với việc Đảng Cộng hòa Mỹ giành lại quyền kiểm soát Thượng viện, cùng lúc với việc ông Ashton Carter lên thay ông Chuck Hagel ở Bộ Quốc phòng, chính sách Biển Đông của Mỹ có khả năng trở nên kiên quyết hơn đối với Trung Quốc.
Chính sách “xoay trục” của Mỹ sang vùng Châu Á – Thái Bình Dương cũng sẽ được tiếp tục, nhất là khi vế kinh tế còn yếu kém sẽ được củng cố thêm. Tiến trình đàm phán về Thỏa thuận mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được đẩy nhanh và có nhiều khả năng sớm được thông qua.
Riêng về quan hệ Việt – Mỹ, vốn đã có nhiều bước tiến trong thời gian qua, cũng sẽ tiếp tục phát triển do việc Hoa Kỳ ngày càng thấy rõ vai trò chiến lược của Việt Nam trong chính sách của Mỹ ở khu vực.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: “Tháng Giêng năm 2015, tân Chủ tịch Ủy ban Quân sự Thượng viện sẽ là Thượng nghị sĩ John McCain, một người rất quan tâm đến vấn đề Việt Nam, đồng thời là cựu sĩ quan Hải quân nên rất quan tâm đến vấn đề Biển Đông và đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này. Ông ấy cũng là người muốn có một quân đội mạnh, ông ấy sẽ ủng hộ Quân đội và nhu cầu của họ ở Biển Đông. Do vậy, về phía Thượng viện, chính sách Biển Đông sẽ mạnh hơn trước”.
Về sự thay đổi người đứng đầu Lầu Năm Góc Mỹ (Bộ Quốc phòng), ông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích: “Ông Hagel trước đây có vấn đề với hàng ngũ tướng lĩnh, và luôn cả với Nhà Trắng. Giới tướng lĩnh cho rằng ông Hagel muốn giảm quân, họ cũng không hài lòng với ngân sách. Còn đối với Nhà Trắng, thì ông Hagel không có những đường dây liên lạc trực tiếp với ông Obama, thành ra ông ấy tương đối không được hiệu nghiệm…
Ông Carter ngược lại không giống ông Hagel, không đi quân đội, không tham dự chiến tranh Việt Nam, nhưng có kinh nghiêm quản trị quốc phòng nhiều hơn, từng là Thứ trưởng Quốc phòng… Quan trọng nhất là ông Carter được coi là một nhà quản trị quốc phòng giỏi”.
Theo ông Hùng thì tân Bộ trưởng Quốc phòng Carter sẽ thi hành chính sách của ông Obama hơn là sáng chế ra một chính sách riêng. Chính sách như vậy, sẽ được quyết định ở Hội đồng An ninh Quốc gia, mà Hội đồng An ninh Quốc gia có thái độ cứng rắn hơn Bộ Ngoại giao trong vấn đề Biển Đông.
Từ những phân tích trên đây của ông Nguyễn Mạnh Hùng có thể thấy rằng Mỹ sẽ chú trọng đến Biển Đông, và sẽ có thái tương đối cứng rắn hơn trước bởi lẽ dù Đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa lên, quyền lợi Mỹ cũng như thế, chỉ khác nhau ở điểm nhấn mà thôi.
Trong tháng cuối năm 2014 có một loạt sự kiện khác đã cho thấy Mỹ cứng rắn và quyết liệt hơn trên vấn đề Biển Đông và trong quan hệ với Trung Quốc như: 04/12/2014, với số phiếu ủng hộ tuyệt đối (100% phiếu tán thành), Hạ viện Mỹ đã lần đầu tiên thông qua Nghị quyết mang mã số H.Res – 714 về vấn đề Biển Đông và Hoa Đông và chỉ trích đích danh Trung Quốc; ngày 05/12/2014, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Báo cáo Các giới hạn trên Biển số 143, trong đó đưa ra các lập luận phản bác yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông; ngày 18/12/2014, Tổng thống Barack Obama đã ký phê chuẩn “Dự luật chuyển giao tàu chiến hải quân”, mở đường cho việc bán 4 tàu khu trục nhỏ Mỹ không còn sử dụng cho Đài Loan.
Nhìn vào những động thái đó, có thể tiên đoán rằng Mỹ sẽ cương quyết hơn đối với Trung Quốc và sẽ giúp các nước ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam nhiều hơn trong việc tăng cường khả năng quốc phòng./.
BDN