BienDong.Net: Một số nguồn tin cho hay, Trung Quốc đang mưu toan thiết lập cái gọi là Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Thông tin này hoàn toàn có cơ sở bởi Trung Quốc đang ráo riết lấn biển mở rộng quy mô lớn các cấu trúc ở Trường Sa cũng là nhằm phục vụ cho kế hoạch này (đến nay, Trung Quốc đã mở rộng bãi Chữ Thập rộng đến 150 héc ta).
Chuyện ADIZ đã từng diễn ra ở biển Hoa Đông liên quan đến Hàn Quốc, Nhật Bản hồi cuối năm 2013 rồi; do vậy các hành xử như vậy của Trung Quốc ở Biển Đông chắc chắn cũng không thể loại trừ. Nếu điều đó xảy ra thì sẽ gây làn sóng phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, trước hết là các cường quốc bên ngoài như Mỹ hay Nhật Bản…
Nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông thì những nước bị tác động lớn nhất là Việt Nam và Philippines. Trong đó, tỷ phần hay tỷ lệ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam sẽ cao hơn so với Nhật Bản. Trung Quốc lập ADIZ ở biển Hoa Đông chỉ ảnh hưởng đến phần phía Nam của lãnh thổ Nhật Bản. Còn đối với Việt Nam, toàn bộ mặt tiền Biển Đông của Việt Nam kéo dài (bờ biển Việt Nam dài trên 3200 km dọc theo Biển Đông), toàn bộ diện tích vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông 1 triệu km2 sẽ bị ảnh hưởng, không gian sinh tồn của Việt Nam sẽ bị thu hẹp.
Trong cuộc đối phó với những hành động hiếu chiến của Trung Quốc, kể cả trong việc Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông, Việt Nam không thể chỉ dựa vào sức mình mà cần phải phối hợp các nước khác trong và ngoài khu vực. Chủ trương lựa chọn các đối tác an ninh ở khu vực để cân bằng sức mạnh với Trung Quốc, hay để vô hiệu hóa các sự đe dọa từ phía Trung Quốc là hết sức cần thiết ở thời điểm hiện nay khi thế và lực của Việt Nam còn hạn chế. Nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông thì Việt Nam không thể thoái thác trách nhiệm lên tiếng vì ADIZ ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền và lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông và trên bầu trời Biển Đông.
Để đối phó với hành vi xâm lấn trên biển của Trung Quốc, phòng ngừa việc Trung Quốc thiết lập ADIZ, Việt Nam đã gửi một bản Tuyên bố đến Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông của Philippines bày tỏ quan điểm lập trường của mình trên các vấn đề liên quan trong vụ kiện Biển Đông, đồng thời lưu ý Tòa Trọng tài quan tâm đến các quyền và lợi ích của Việt Nam trong vụ kiện Biển Đông giữa Philippines với Trung Quốc. Đây là bước đi đúng đắn, nếu chậm chễ hơn Việt Nam sẽ chịu thiệt hại lớn từ vụ kiện, Việt Nam sẽ không có khả năng để đòi lại quyền hợp pháp của mình ở Biển Đông.
Trong bản Tuyên bố gửi Tòa án Trọng tài, Việt Nam đã thừa nhận cơ quan này có quyền tài phán với các nội dung kiện của Philippines, điều này đã bác bỏ quan điểm của Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam còn khẳng định kiên quyết bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông và xem tuyên bố đơn phương này của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, đây mới chỉ là biện pháp tối thiểu mà Việt Nam cần phải làm. Việt Nam cần có các bước đi tiếp theo liên quan đến vụ kiện, chẳng hạn như can dự vào vụ kiện để có thể bảo vệ được một cách tốt nhất các quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông.
Chiêu bài nguy hiểm nhất của Trung Quốc đối với Biển Đông hiện nay là Trung Quốc đang tìm mọi cách, kể cả gây sức ép, đe dọa để thuyết phục Việt Nam “cùng khai thác” trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam thuộc phạm vi “đường lưỡi bò”; đồng thời Trung Quốc gây sức ép để Việt Nam không đưa các vụ việc tranh chấp đó ra quốc tế hay khu vực.
Nếu Việt Nam nghe theo và chấp nhận yêu cầu này của Trung Quốc thì sẽ là một sai lầm nghiêm trọng vì khi đó Việt Nam sẽ mất hết các quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông được luật pháp quốc tế cho phép. Việt Nam sẽ rơi vào cái bẫy của Trung Quốc và sẽ không còn cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông.
Việt Nam chỉ có thể chấp nhận “cùng khai thác” như một giải pháp tạm thời ở khu vực chồng lấn giữa bờ biển miền Trung Việt Nam và bờ biển đảo Hải Nam Trung Quốc, chẳng hạn như ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Điều này được luật pháp quốc tế cho phép.
Một việc làm hết sức cần thiết với Việt Nam hiện nay là cần phải công khai minh bạch những hành vi xâm lấn của Trung Quốc để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Việt Nam cũng cần tranh thủ việc Mỹ can dự vào Biển Đông để làm đối trọng với Trung Quốc. Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với Philippines, nước cũng đang bị Trung Quốc o ép ở Biển Đông; tranh thủ sự hợp tác trên biển với Nhật Bản, nước đang có tranh chấp với Trung Quốc ở biển Hoa Đông./.
BDN