BienDong.Net: Trong hai ngày 24 và 25/11/2014, tại Bắc Kinh, Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Quản lý khủng hoảng và hợp tác trên biển tại Châu Á – Thái Bình Dương”.
Tại cuộc hội thảo này, Dị Tiên Lương – Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới Biển Trung Quốc đã có bài phát biểu và trả lời câu hỏi với những lời lẽ hết sức cứng rắn, khẳng định lại mục tiêu xây dựng cường quốc biển;
nhấn mạnh Trung Quốc luôn kiên trì chủ trương bảo vệ chủ quyền và lợi ích biển, thông qua đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp, thúc đẩy “hợp tác cùng khai thác”. Ông Dị Tiên Lương giải thích Trung Quốc coi cường quốc khác là bá quyền nhưng chính sách của Trung Quốc lại bị hiểu lầm là hung hăng, cứng rắn, bá quyền bành trướng. Ông Dị Tiên Lương bao biện rằng trên thực tế, Trung Quốc hành xử kiềm chế luôn đi sau các nước khác trên vấn đề khẳng định chủ quyền, lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), tôn tạo các đảo đá và khai thác tài nguyên.
Ông Dị Tiên Lương vu cáo Mỹ can thiệp vào Biển Đông ủng hộ các nước khu vực chống Trung Quốc làm cho tình hình Biển Đông căng thẳng. Ông Dị Tiên Lương đe dọa rằng thế và lực của Trung Quốc đã thay đổi, các nước khác cũng thay đổi nên hai bên cùng phải có hiểu biết về nhau và thích nghi với nhau; tuy nhiên cả 2 yếu tố này đều chưa có nên xuất hiện nghi kị và va chạm, xung đột.
Đặc biệt trong phần hỏi đáp, ông Dị Tiên Lương đã có những lời lẽ hết sức ngang ngược và ngạo mạn. Ông ta dám ngang nhiên tuyên bố yêu sách “đường 9 đoạn” là “hợp lý, hợp pháp và chính đáng” và thể hiện “quyền lịch sử” của Trung Quốc; các nước khác chỉ trích “đường 9 đoạn”, thậm chí chưa rõ “đường 9 đoạn” là gì, nhất là đường này do chính quyền cũ đưa ra. Câu trả lời của ông Dị Tiên Lương đã phản bác lại ngay cách làm của Trung Quốc bởi lẽ chính Trung Quốc không hề có một lời giải thích nào về “đường 9 đoạn”, kể cả khi đưa bản đồ này ra Liên hợp quốc mặc dù các nước và giới luật gia học giả quốc tế đều yêu cầu Trung Quốc làm rõ yêu sách này.
Có lẽ phát biểu này của ông Dị Tiên Lương đã thôi thúc Mỹ sớm công bố Báo cáo Các giới hạn trên biển (Limits in the Seas) số 143 để đưa ra các lập luận bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc đầu tháng 12/2014.
Liên quan đến Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), ông Dị Tiên Lương cho rằng COC là phát sinh từ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhưng COC không nên là một văn kiện ràng buộc về mặt pháp lý. Lý lẽ mà ông Dị Tiên Lương đưa ra để bào chữa cho quan điểm sai trái này là vì văn hóa Á Đông không thích lý, do vậy đem lý ra nói thì lòng tin bị suy giảm. Lời nói của ông Dị hết sức vô trách nhiệm bởi DOC đã không giúp giải quyết được tranh chấp ở Biển Đông vì đây chỉ là văn kiện chính trị vì vậy các bên thấy cần có COC với tính ràng buộc cao để làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp, bất đồng.
Ông Dị nói văn hóa Á Đông không thích lý là một sự ngụy biện vì ngay cả các nước ASEAN đã sử dụng cơ chế pháp lý để giải quyết bất đồng về lãnh thổ như Malaysia, Indonesia, Singapore, Campuchia, Thái Lan…. Và sau khi các vấn đề được giải quyết tại Tòa, quan hệ giữa các nước tốt hơn nhiều. Ngay cả Trung Quốc cũng đã sử dụng cơ chế Trọng tài quốc tế để giải quyết nhiều tranh chấp thương mại với các nước. Nếu không thích lý, tại sao Trung Quốc lại đưa ra Tòa để giải quyết tranh chấp đó.
Lời phát biểu của ông Dị càng cho thấy tính 2 mặt trong các chủ trương chính sách của Trung Quốc. Họ không dám dùng lý để giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ chẳng qua vì các yêu sách của họ hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Điều này cũng phần nào lý giải vì sao Trung Quốc phản đối và không tham gia vào vụ kiện của Philippines.
Ông Dị Tiên Lương còn trắng trợn nói rằng DOC tuy có vai trò tích cực nhưng hiện nay không nước nào tuân thủ nên không cần gì phải có COC. Ông ta còn cho rằng trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông đang bị chính trị hóa cao độ như hiện nay, thúc đẩy COC là có hại. Ở đây cần phải làm rõ một điều, chính Trung Quốc là kẻ vi phạm DOC, xâm lấn vùng biển của các nước khác. Với một quan điểm thô bạo như vậy nên Trung Quốc không chịu ngồi cùng các nước ASEAN để bàn bạc về COC mặc dù các nước ASEAN đã nhiều lần đề nghị và các nước ngoài khu vực luôn kêu gọi sớm đạt được nhất trí về COC.
Ông Dị Tiên Lương còn lớn tiếng nói rằng Trung Quốc tiến hành các hoạt động tôn tạo đảo đá trên “lãnh thổ Trung Quốc”, các nước không có gì liên quan mà nhảy vào. Phát biểu này của ông Dị Tiên Lương càng lộ rõ ý đồ thôn tính Biển Đông của Trung Quốc và việc Trung Quốc lấn biển, mở rộng quy mô lớn các cấu trúc ở Trường Sa là nhằm phục vụ âm mưu lâu dài của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, đẩy Mỹ và các nước lớn khác ra khỏi khu vực này.
Bài phát biểu của Dị Tiên Lương đã gây bất bình mạnh mẽ đối với các học giả nước ngoài tham dự Hội thảo vì ông ta đổ lỗi cho người khác. Nhiều đại biểu cảm thấy bị “sốc” trước những lời lẽ trắng trợn của Dị Tiên Lương. Cách nói lấy được này của Dị Tiên Lương thể hiện rõ sự trịch thượng, thậm chí còn ngược lại ngay những chính sách mà Trung Quốc lâu nay vẫn cam kết với các nước láng giềng.
Dị Tiên Lương là một quan chức cấp vụ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nên phát biểu của ông ta thể hiện rõ chính sách hết sức cứng rắn của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và trong quan hệ với các nước láng giềng. Với phát biểu này của ông Dị, nhiều nhà nghiên cứu quốc tế cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục có nhiều hành động gây hấn, hiếu chiến ở Biển Đông thời gian tới.
Bất bình trước thái độ hống hách, trịch thượng của quan chức chính phủ Trung Quốc (ông Dị Tiên Lương), các đại biểu tham dự hội thảo đã có những phát biểu phê phán trực diện Trung Quốc. Một số đại biểu cho rằng trong con mắt của khu vực và thế giới, Trung Quốc ngày càng trở thành thách thức, thậm chí là mối đe dọa. Trung Quốc đẩy mạnh phát triển lực lượng quân sự để sử dụng sức mạnh gây sức ép với các nước láng giềng, công khai bày tỏ tham vọng nước lớn; hành vi của Trung Quốc trên thực địa ngày càng quyết liệt, thậm chí hung hăng, nhất là trong việc khẳng định yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Một số ý kiến tại Hội thảo cho rằng gần đây Trung Quốc đưa ra nhiều sáng kiến hòng che đậy sự hiếu chiến trong chính sách của họ. Các sáng kiến của Trung Quốc không thể làm dịu bớt nỗi lo lắng, sợ hãi của các nước láng giềng vì Trung Quốc được coi là “nói nhiều, làm ít”. Các sáng kiến của Trung Quốc là nhằm phục vụ cho lợi ích và những toan tính của Trung Quốc, chứ không vì lợi ích chung; hành xử của Trung Quốc không xứng với vai trò, vị thế nước lớn của Trung Quốc. Các sáng kiến này là công cụ để Trung Quốc thực hiện chính sách “chia để trị”; lôi kéo, mua chuộc các nước đi theo quỹ đạo của Trung Quốc. Hành vi của Trung Quốc có xu hướng leo thang làm cho tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng./.
BDN