Trong căng thẳng Trung-Ấn, sự tồn tại của căn cứ quân sự của Bắc Kinh ở Djibouti như 1 viên ngọc trai trong chuỗi ngọc trai kéo dài từ TQ tới Ấn Độ Dương, bao vây New Delhi.
Ấn Độ lo lắng trước hành động Trung Quốc cử quân tới căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài. Ảnh minh họa: Sputnik
Căn cứ quân sự hay căn cứ hậu cần?
Mới đây, Trung Quốc vừa tuyên bố hoàn thành căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài – căn cứ quân sự ở Djibouti.
Mặc dù, Bắc Kinh chỉ “miêu tả” căn cứ này như một cơ sở hậu cần nhưng truyền thông Nga cho rằng, Trung Quốc đã sớm ấp ủ kế hoạch triển khai quân đội ở nước ngoài và căn cứ này có vai trò giúp Bắc Kinh trở thành cường quốc hàng hải toàn cầu.
Tờ Sputnik (Nga) ngày 13/7 nhận định, dù Bắc Kinh luôn nhấn mạnh căn cứ quân sự tại Djibouti là “căn cứ hậu cần” nhưng trên thực tế nó vẫn là căn cứ hải quân.
Báo Nga cho hay, Bắc Kinh đang có ý định triển khai sức mạnh tại khu vực nối giữa biển Đỏ và kênh đào Suez. Kênh đào Suez là một kênh đào nhân tạo thuộc Ai Cập, nối Địa Trung Hải với vịnh Suez – một nhánh của biển Đỏ.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông) từng dẫn lời cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc phòng, Đại học Giải phóng quân Trung Quốc – Kim Nhất Nam khẳng định, căn cứ Djibouti là “căn cứ quân sự ở nước ngoài cần thiết” của Trung Quốc.
Ông này lý giải, Bắc Kinh triển khai căn cứ quân sự ở nước ngoài xuất phát từ việc đảm bảo lợi ích bên ngoài của Trung Quốc.
Đồng thời, Kim Nhất Nam cho rằng, thời đại Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đã xa, kinh tế Trung Quốc hiện nay dịch chuyển theo hướng xuất khẩu nên bảo đảm an ninh đường biển trở thành yếu điểm của Bắc Kinh.
Ngày 12/7, tờ Red Star (Nga) dẫn lời chuyên gia quân sự Vladimir Sharbakov bình luận, đây không phải là căn cứ ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc bởi Bắc Kinh đã sớm triển khai căn cứ quân sự ở nước ngoài.
Theo ông Sharbakov, Bắc Kinh thực tế đã thiết lập căn cứ quân sự tại Pakistan và Myanmar nhưng luôn tiếp cận thận trọng hoặc dùng danh nghĩa là “triển khai cảng biển kinh tế song phương”.
Đã là căn cứ của họ, bên trong họ muốn triển khai lực lượng, trang thiết bị vũ khí gì, họ đều có thể triển khai bất cứ lúc nào, chuyên gia Nga nhấn mạnh.
“Chuỗi ngọc trai” siết chặt Ấn Độ
Trước động thái Bắc Kinh cử quân tới căn cứ quân sự tại Djibouti, Reuters (Anh) cho rằng, trong bối cảnh tranh chấp biên giới Trung-Ấn leo thang căng thẳng, sự tồn tại của căn cứ quân sự của Bắc Kinh ở Djibouti giống như một “viên ngọc trai” trong chuỗi ngọc trai kéo dài từ Trung Quốc tới Ấn Độ Dương, bao vây New Delhi.
Theo tờ Hindustan Times (Ấn Độ), New Delhi có năm lý do để quan ngại vấn đề trên.
Thứ nhất, nằm ở phía Tây Bắc của Ấn Độ Dương, Djibouti có thể trở thành một viên ngọc trai của “chuỗi ngọc trai” trong những liên minh quân sự với Bắc Kinh như Bangladesh hay Sri Lanka.
Thứ hai, Trunng Quốc đã tăng cường hoạt động ở Ấn Độ Dương, nơi mà New Delhi cũng xem là vùng ảnh hưởng của mình. Trong thời gian gần đây, hơn chục tàu chiến Trung Quốc, bao gồm tàu ngầm, tàu do thám xuất hiện trên vùng biển Ấn Độ Dương với lý do tuần tra chống cướp biển và duy trì tự do hàng hải.
Thứ ba, do Ấn Độ Dương là khu vực trung chuyển đến 80% lượng dầu thế giới và 1/3 lượng hàng hóa toàn cầu nên Bắc Kinh cho rằng cần bảo đảm an ninh các tuyến vận tải năng lượng và thương mại dọc theo trục giao thông quan trọng này.
Đáng chú ý, những năm gần đây, Ấn Độ Dương nổi lên như một “sân chơi” lớn dành cho các quốc gia nhằm thể hiện vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế. Do đó, Trung Quốc đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng với các nước xung quanh Ấn Độ Dương bằng cách đầu tư vào các dự án cảng biển, đường xá.
Thứ tư, dù Bắc Kinh chính thức mô tả căn cứ ở Djibouti như một “căn cứ hậu cần” và khẳng định không “bành trướng quân sự” hay “tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang nào” nhưng tờ Thời báo Hoàn cầu, thuộc chủ quản của báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo lại bình luận rằng” chẳng có gì sai trái nếu đây là một căn cứ quân sự”.
“Chắc chắn đây là căn cứ đầu tiên ở nước ngoài của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) và chúng tôi sẽ đóng quân ở đó”, Hoàn cầu viết.
Thứ năm, Trung Quốc đang tìm cách mở rộng sự hiện diện ở Ấn Độ Dương và đang xây dựng các cầu cảng, cơ sở hạ tầng khác ở Sri Lanka, Bangladesh, Pakistan. Đây là khu vực nằm trong sáng kiến Vành đai và con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ấn Độ tuy không tham gia vào sáng kiến này nhưng Pakistan – nước láng giềng đang tranh chấp với Ấn Độ tại vùng Kashmir lại nằm trong dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan – một nhánh của Vành đai và con đường.