Ông Trump được cho là rõ ràng đang dàn dựng cuộc chơi riêng với các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Âu.
Ông Trump thể hiện những quan điểm khác biệt so với những tổng thống Mỹ tiền nhiệm trong mối quan hệ vói NATO. Ảnh: AP
Những đối tác cũ…
Trong nửa năm cầm quyền đầu tiên, tổng thống Mỹ Donald Trump công du châu Âu 3 lần. Ở châu lục này, Mỹ có nhiều đồng minh quân sự truyền thống và đối tác chiến lược quan trọng trong suốt nhiều thập kỷ qua. Nếu chỉ vì lẽ ấy thì việc tổng thống Mỹ vài lần đi châu Âu trong thời gian ngắn vốn không có gì lạ. Nhưng với ông Trump thì chuyện lại khác.
Ba lần tới châu Âu thật đấy nhưng ông Trump chỉ thăm chính thức có Toà thánh Vatican và Ba Lan, chứ còn đến Bỉ, Italy hay Đức chỉ để tham dự các hội nghị cấp cao của NATO, nhóm G7 và nhóm G20. Lần tới Pháp vừa đây, ông Trump được mời tham dự duyệt binh nhân Quốc khánh Pháp và kỷ niệm 100 năm ngày nước Mỹ tham gia vào cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất.
Vì Mỹ xưa nay quá quan trọng đối với NATO và EU, vì NATO và EU xưa nay luôn cần Mỹ đảm trách vai trò lãnh đạo – đồng nghĩa với việc nhận về trách nhiệm lớn nhất và gánh chịu chi phí nhiều nhất – nên NATO và EU nói chung cũng như các thành viên của hai tổ chức này nói riêng tìm mọi cách tranh thủ ông Trump.
Ông lại không lọc lõi về chính trị và ngoại giao như Bill Clinton hay Barack Obama mà thực dụng như George W. Bush và tự tin quyền lực như Ronald Reagan nên nhìn nhận toàn bộ mối quan hệ đồng minh quân sự và đối tác chiến lược giữa Mỹ với châu Âu qua lăng kính của phương châm “Nước Mỹ trước hết”.
Ở lần đầu tiên đi châu Âu, ông Trump chủ ý không thăm bất cứ đồng minh và đối tác nào mà chỉ thăm Toà thánh Vatican.
Ngầm ý của ông là không coi trọng nước nào hơn nước nào. Thủ tướng Anh Theresa May được ông Trump đón tiếp đầu tiên ở Nhà Trắng và Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã mời ông Trump sang thăm Anh. Nhưng ông Trump không muốn và chưa dám thăm Anh bởi trên đảo quốc có làn sóng mạnh mẽ phản đối ông.
Ở lần thứ hai đi châu Âu, ông Trump chỉ thăm chính thức Ba Lan – một quốc gia ở Đông Âu, lại là thành viên mới của EU và NATO. Ở đó, ông Trump tuyên bố coi Ba Lan là “trái tim của châu Âu” với cả nghĩa đen và nghĩa bóng của ngôn từ – chứ không phải Đức hay Pháp hay quốc gia nào đó khác ở Tây Âu.
Lần thứ 3 đi châu Âu, ông Trump chỉ tới Pháp và hết lời ca tụng vợ chồng tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Sau nhiều lần quanh co và úp mở, ông Trump đã khẳng định cam kết của Mỹ đối với NATO.
Còn trên những lĩnh vực chính sách khác, ông Trump thể hiện quan điểm thái độ khác biệt những người tiền nhiệm của mình, không còn coi trọng NATO và EU như trước, không quan tâm đến việc duy trì đồng thuận quan điểm và hài hoà lợi ích của Mỹ với các nước thành viên NATO và EU, đưa ra tiêu chí dẫn dắt và chỉ đạo suy nghĩ cũng như hành động của mình là phải có lợi trước hết cho Mỹ.
Cho nên mới có chuyện ông Trump đòi các nước thành viên NATO phải tăng chi phí quốc phòng và chấp nhận trả giá cho sự đảm bảo an ninh của Mỹ cũng như chuyện ông Trump bất chấp các đối tác trong vấn đề bảo vệ khí hậu trái đất và tự do hoá mậu dịch.
… và cuộc chơi mới
Ông Trump cần hình ảnh về mức độ đón tiếp trọng thị ở nước ngoài để đối phó với áp lực gia tăng từ những chuyện nội bộ ở Mỹ nhưng rõ ràng là ông còn đang dàn dựng cuộc chơi riêng với các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Âu.
Có thể thấy chính sách của ông Trump đối với châu Âu hiện vẫn còn trong giai đoạn định hình, chưa hoàn chỉnh và thống nhất, nhưng cốt lõi của nó bao hàm những nét chính sau.
Thứ nhất, ông Trump không còn coi châu Âu là “đối tác ngang bằng” nữa mà đặt châu Âu trước sự lựa chọn là bị Mỹ bất cần hoặc phải chơi cuộc chơi do Mỹ sắp đặt theo luật chơi do Mỹ định ra và chịu sự dẫn dắt của Mỹ về mọi phương diện chứ không chỉ có về an ninh.
Cả việc ông Trump gặp tổng thống Nga Vladimir Putin cũng phục vụ cho định hướng này ngoài mục đích tìm cách gây dựng sự khởi đầu mới cho mối quan hệ giữa Mỹ và Nga.
Thứ hai, ông Trump cho thấy không xác định đối tác hay đồng minh cụ thể nào làm trọng tâm mà nhằm vào việc phân hoá nội bộ các nước thành viên EU và NATO để tạo nên giữa các đối tác này có cuộc ganh đua giành sự coi trọng của Mỹ.
Ông Macron của nước Pháp đã lợi dụng lời mời ông Trump sang Pháp vừa rồi để đề cao vị thế của mình ở châu Âu và đẩy nước Pháp vào tâm điểm của chính trị thế giới thì ông Trump cũng lợi dụng chuyến đi Pháp để thực hiện chủ định nói trên.
Thứ ba, tiêu chí quyết định nhất đối với ông Trump trong chính sách với châu Âu là có lợi thiết thực cho Mỹ hiện tại và trong tương lai chứ không phải truyền thống quan hệ trong quá khứ, mức độ gắn kết đã có được hay lý tưởng hoặc hệ giá trị chung mà xưa nay Mỹ và các đồng minh, đối tác này luôn cùng tung hô.
Vậy là cuộc chơi mới giữa các đối tác cũ. Kết cục cuối cùng của nó phụ thuộc vào việc ông Trump dám chơi đến đâu và các đối tác kia chịu chơi cùng đến đâu.