Tờ Washington Free Beacon của Mỹ đưa tin rằng, Iran đang chế tạo tên lửa đạn đạo tầm xa ở Syria, còn Nga và Triều Tiên đang giúp họ.
Báo Mỹ: Nga, Triều Tiên hỗ trợ Iran sản xuất tên lửa ở Syria
Tờ “Hải đăng Tự do Washington” (Washington Free Beacon) của Mỹ đã dẫn nguồn tin được công bố gần đây trên trang web của tờ báo đối lập Syria Zamanalwsl.net, công bố một số báo cáo và hình ảnh của các nhà máy vũ khí “đáng ngờ” ở Syria.
Trong bài báo nêu rõ, các nhà máy vũ khí nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Iran. Nhà máy tọa lạc tại vùng ngoại ô Tartus ở một nơi được gọi là “Thung lũng địa ngục”, mà Hoa Kỳ đã xác định đó là cơ sở chủ chốt của chính phủ để sản xuất vũ khí phi truyền thống.
Báo cáo nhấn mạnh rằng, theo một số hình ảnh được công bố và kết quả các cuộc điều tra được tiến hành bởi Viện Nghiên cứu Truyền thông Trung Đông (Middle East Media Research Institute, MEMRI), Iran đã bắt đầu sản xuất tên lửa công nghệ tiên tiến ở Syria, với sự cho phép của Tổng thống Bashar al-Assad.
Nhóm tác giả bản báo khẳng định rằng, tại cơ sở này sản xuất tên lửa đạn đạo tầm xa và tên lửa đạn đạo tầm trung M600, đó là những phiên bản Syria của tên lửa Iran Fateh-110. Việc nghiên cứu, phát triển này được sự hỗ trợ đắc lực của Nga và Triều Tiên.
Trong bản báo cáo của MEMRI nói rằng, nhà máy này có chi nhánh tại phía tây của tỉnh Hama, nơi sản xuất hóa chất và cũng tại đây có căn cứ quân sự của Nga, cũng là nơi trước đây sĩ quan Triều Tiên đã từng phục vụ. Do đó, trong hoạt động vũ trang mà Iran đang tiến hành tại “Thung lũng địa ngục” ở Syria có Nga và Triều Tiên trợ giúp.
Theo ấn bản Mỹ, trong “Thung lũng địa ngục” thực chất đang phát triển “mảnh đất ươm mầm cái ác”. Tuy nhiên, các chuyên gia mà Sputnik phỏng vấn đều nói rằng thông tin đó là không đúng sự thật, hoàn toàn phi lý và với mục đích chia rẽ hợp tác của Syria-Iran-Nga, cũng như để tìm một cái cớ tiếp theo trong mắt công chúng nhằm cho phép phát động sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria.
Ông Boris Dolgov, cộng tác viên khoa học cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Ả Rập và Hồi giáo tại Viện phương Đông, thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga, người đã hai lần đến Syria kể từ đầu cuộc khủng hoảng trong thành phần phái đoàn quốc tế, đã bác bỏ điều này.
Theo ông, việc tung ra tất cả những thông tin từ các trang web của phe đối lập cực đoan Syria cần phải được xem xét dưới góc độ cái gọi là “sức mạnh tổng hợp của công tác tuyên truyền đối lập”.
Trước đó, từ phía phe đối lập đã tung ra luận điệu về việc sử dụng vũ khí hóa học, mà trong thực tế là một lời buộc tội phi lý. Những đoạn phim dàn dựng đáng nực cười, khi cái gọi là đại diện của “Mũ bảo hiểm trắng” khiêng nạn nhân bị thương do vũ khí hóa học mà chính bản thân họ cùng lúc đó không sử dụng bất cứ phương tiện phòng hộ nào hết.
Mặc dù là những điều này phi lý đến độ tất cả những người bình thường đều không thể tin được, nhưng đối với Mỹ và phương Tây, tất cả điều này đã trở thành “chứng cứ đáng tin cậy”, là cái cớ cho lực lượng liên quân Mỹ ném bom căn cứ không quân Syria.
Tất cả chỉ là chiến dịch truyền thông của phương Tây?
Theo nhà phân tích Boris Dolgov, tất cả các chuyên gia quân sự và các nhà phân tích chính trị phương Tây có lòng tự trọng đều khẳng định đó là những cáo buộc vô lý, cả về quan điểm chính trị, quân sự hay nhân đạo.
Thế nhưng, những lời buộc tội như vậy liên tục vẫn liên tục được đưa ra để làm bằng chứng chống lại Syria. Điều này được thực hiện với 2 mục đích vô cùng thâm độc.
Một là để thực hiện mục đích đầu tiên và nhất quán của phương Tây là lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Từ trước đến nay, Phương tây chưa bao giờ từ bỏ âm mưu loại bỏ nhà lãnh đạo “cứng đầu” của Syria. Do đó, những thông tin này là sự định hướng rõ ràng của giới chức lãnh đạo phương Tây, để tạo cớ phát động cuộc tấn công quân sự mới vào các lực lượng vũ trang Syria.
Mục đích thứ hai của những tuyên bố ngớ ngẩn này là để thúc đẩy xung đột giữa Nga với Hoa Kỳ.
Đây là một nỗ lực tuyên truyền rầm rộ để gán ghép Nga, Triều Tiên, Iran và Syria thành một thực thể hiện thân của “trục ma quỷ” và mê hoặc người dân phương Tây rằng, dường như thế lực này muốn bằng cách dùng tên lửa đạn đạo để tấn công Hoa Kỳ hoặc châu Âu.
Do đó, chiến dịch truyền thông đã được khởi dộng trên quy mô lớn để tô vẽ hình tượng 4 nước này như những thể chế xâm lược, cần phải bị trừng phạt và phản đối kịch liệt. Đây cũng là lời hô hào kêu gọi Mỹ tiếp tục chính sách chống Nga, chống Syria và chống Iran.
Một người đối thoại khác của Sputnik là chuyên gia Iran Emad Abshenas, nhà khoa học chính trị và chuyên gia về Trung Đông, đồng thời là Tổng biên tập báo Iran News nhận xét rằng, việc gán ghép việc sản xuất vũ khí cho Iran, Nga và Triều Tiên tại “Thung lũng địa ngục” ở Syria chính là một thứ ảo ảnh từ “Thung lũng cổ tích mơ ước”của Mỹ và Israel.
Iran có thừa khả năng sản xuất tên lửa đạn đạo tầm trung ở trong nước |
Mỹ và Israel sẽ làm tất cả mọi điều với mục đích là tạo cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của Syria. Do đó, họ đã phải lợi dụng đến những thủ đoạn thông tin như vậy.
Ông nhấn mạnh rằng, báo cáo về những hoạt động sản xuất vũ khí ở Syria, cụ thể là việc chế tạo tên lửa của Iran, với sự tham gia của Nga và Triều Tiên là hoàn toàn thiếu logic và phi lý.
Tất cả chúng ta đều biết rằng, về nguyên tắc, tên lửa đạn đạo được thiết kế cho hoạt động tầm xa. Và nếu giả sử rằng Nga, Iran và Triều Tiên cần những vũ khí như vậy, thì họ sẽ chế tạo ra chúng ở chính nước họ chứ không ở trong lãnh thổ của một nước thứ ba.
Và một nguyên nhân quan trọng khác là tại sao 3 nước này phải sản xuất tên lửa đạn đạo tầm xa cho Syria, nếu ở đó không có địa điểm nào để sử dụng chúng? Syria chỉ đơn giản là không cần vũ khí như vậy, họ không có mục tiêu nào cần thiết phải dùng đến nó.
Vì vậy, Abshenas tin rằng tất cả các báo cáo này chỉ là chỉ là những thủ đoạn vu cáo bằng truyền thông của thế giới phương Tây. Mục tiêu của họ là để gây áp lực cho Iran và Nga, hai nước chủ chốt và là đồng minh quan trọng nhất của Syria trong cuộc chiến chống khủng bố.
Bởi vì hiện nay, mỗi ngày quân đội Syria với các đồng minh của mình đang thẳng tiến mạnh mẽ về phía trước, giành được những thắng lợi rực rỡ trong cuộc chiến chống khủng bố. Vì vậy, phương Tây muốn dùng thông tin và áp lực chính trị để ngăn chặn những thành công quân sự này.