Friday, December 27, 2024
Trang chủĐiểm tinTổng thống Mỹ bị ép ký lệnh trừng phạt Nga

Tổng thống Mỹ bị ép ký lệnh trừng phạt Nga

Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể “bị ép” ký lệnh trừng phạt Nga khi Thượng viện và Hạ viện Mỹ quyết buộc Kremlin phải chịu trách nhiệm vì đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngày 24.7 (giờ Mỹ), Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu thông qua những gói trừng phạt Nga, Iran và CHDCND Triều Tiên. Hồi tháng 6, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trừng phạt Nga với 98 phiếu thuận, 2 phiếu chống.

Tổng thống Mỹ cần chuyển tải thông điệp đến ông Putin

Đã có những nhượng bộ giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa để Quốc hội Mỹ có thể thông qua đạo luật trừng phạt Nga, gồm cấm cho các cá nhân, tổ chức Nga vay tiền; cấm doanh nhân Nga tham gia các dự án năng lượng và quốc phòng của các công ty Mỹ. Nếu được thông qua, đạo luật sẽ là lần đầu tiên Quốc hội Mỹ áp đặt ý chí lên Tổng thống Trump về một vấn đề chính sách lớn.

Đạo luật yêu cầu Tổng thống phải xin phép Quốc hội trước rồi mới có thể nới lỏng các lệnh trừng phạt Nga.

Ông Trump sẽ phải báo cáo Quốc hội các đề xuất để “thay đổi đáng kể” chính sách đối ngoại của Mỹ với Nga. Những “thay đổi đáng kể” này rất rộng, có thể là nới lỏng các biện pháp trừng phạt hoặc trả lại hai cơ sở ngoại giao của Nga ở Mỹ bị chính phủ Tổng thống Barack Obama tịch thu hồi năm ngoái.

Trong trường hợp này, Quốc hội Mỹ (đảng Cộng hòa đều nắm thế đa số ở Hạ viện và Thượng viện) sẽ có ít nhất 30 ngày để thảo luận, điều trần và tổ chức bỏ phiếu ủng hộ hay bác bỏ các đề xuất thay đổi của tổng thống.

Thượng nghị sĩ Ben Cardin, thủ lĩnh đảng Dân chủ ở Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nói: “Một Quốc hội gần như thống nhất đã sẵn sàng gửi một thông điệp nhân danh toàn bộ người dân và đồng minh đến Tổng thống Nga Vladimir Putin. Việc chúng ta cần bây giờ là Tổng thống Trump sẽ chuyển tải thông điệp đó”.

Phản ứng của chính phủ Mỹ với lệnh trừng phạt này sẽ được theo dõi kỹ. Nếu ông Trump không ký phê duyệt đạo luật thì sẽ có những chỉ trích ông về phe với Tổng thống Putin, vào lúc các ủy ban tình báo Thượng – Hạ viện Mỹ và Cục điều tra liên bang (FBI) điều tra nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 và nhóm tranh cử của ông Trump thông đồng với các quan chức Nga.

Ngày 26.7, con trai cả của Tổng thống Mỹ là Donald Trump Jr. và Paul Manafort, cựu trưởng ban tranh cử tổng thống của ông Trump, sẽ phải giải trình trước Ủy ban tư pháp Thượng viện Mỹ về cuộc gặp một nữ luật sư Nga vào ngày 9.6.2016 tại New York.

Trong những email tự công bố, Donald Trump Jr. đã thừa nhận ông đã gặp nữ luật sư Nga Natalia Veselnitskaya hồi tháng 6.2016 tại New York, sau khi được biết bà này có thông tin “có thể bôi nhọ” bà Hillary Clinton để ông Trump có thể trúng cử tổng thống.

Trump “con” cũng được cho biết rằng bà Veselnitskaya là luật sư của chính phủ Nga, nhưng bà Veselnitskaya nói chỉ là một luật sư tư nhân và không có quan hệ với Điện Kremlin.

Ngày 24.7, cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner, con rể của Tổng thống Trump, cũng sẽ giải trình trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ trong một phiên điều trần kín.

Chính phủ sẽ không vội phê duyệt

Ngày 23.7, Nhà Trắng phát đi thông tin ông Trump có thể ủng hộ lệnh trừng phạt Nga.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders đã nói với kênh ABC: “Chúng tôi ủng hộ dự luật”. Bà nói những bản nháp trước đó có những điều khoản “bào mòn” quyền tiến hành ngoại giao của tổng thống.

Bà Sanders nói cần có những thay đổi cho dự luật: “Chính phủ rất ủng hộ việc cứng rắn với Nga, nhất là bằng cách đặt ra sự trừng phạt. Bản gốc của dự luật bị soạn thiếu sót, nhưng chúng tôi có thể làm việc với Thượng viện và Hạ viện… Chúng tôi hiện ủng hộ dự luật và có thể nó sẽ còn những thay đổi nữa”.

Theo báo The Wall Street Journal, các nghị sĩ tham gia soạn dự luật đến tận khuya 21.7 nên khó có thể có những thay đổi. Nhưng cấp trên của bà Sanders, tân giám đốc thông tin Nhà Trắng Anthony Scaramucci đã cẩn trọng hơn khi trả lời phỏng vấn của CNN: “Tổng thống chưa quyết định ký phê duyệt dự luật”.

Tuy nhiên, ông Anthony Scaramucci cũng không biết chắc chuyện gì sẽ xảy ra vì ông chỉ mới nhận chức giám đốc thông tin Nhà Trắng được 2 ngày. Ông nói: “Các vị nên hỏi thẳng Tổng thống. Tôi cho rằng ông ấy sẽ sớm có quyết định”.

Khi nhà báo Jake Tapper của CNN phỏng vấn, ông Scaramucci nói rằng nguồn tin nặc danh của ông không tin tin tặc Nga tấn công vào email của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ (NDC) ở cuộc tranh cử tổng thống Mỹ 2016, vì nếu thực sự điệp viên Nga thực hiện việc này thì họ sẽ không để bị lộ.

Ông nói: “Hôm qua có người nói với tôi rằng nếu Nga thật sự tấn công tin tặc và để lộ những email này, bạn sẽ không bao giờ đọc được chúng và cũng sẽ không có được chứng cứ về họ”.

Nhưng rồi ông Scaramucci lại nói giả thiết này là từ ông Trump: “Nếu người đó là Tổng thống thì sao, Jake?”. Ông Scaramucci cho biết thêm: “Tôi nói chuyện với ông ấy hôm qua. Tổng thống gọi tôi từ chuyên cơ Air Force One và nói: “Ông biết không, có thể họ tấn công mạng nhưng cũng có thể họ không làm”.

Sau đó, bà Sanders nói bình luận của bà và ông Scaramucci không “vênh” với nhau. Bà khẳng định chính phủ sẽ ủng hộ dự luật, nhưng sẽ không vội ký phê duyệt mà chờ đến khi bản dự luật cuối cùng được trình lên Quốc hội Mỹ.

Nga sẽ có quan điểm “cực kỳ tiêu cực” với đạo luật Mỹ

Đạo luật trừng phạt Nga cũng sẽ có những hậu quả lâu dài cho mối quan hệ Mỹ – Nga và cho quyền lực tổng thống Mỹ.

Điện Kremlin báo trước rằng sẽ có quan điểm “cực kỳ tiêu cực” về đạo luật trừng phạt Nga.

Khi các sự trừng phạt trở thành luật, sẽ rất khó dỡ bỏ hoặc nới lỏng, thậm chí luật vẫn kéo dài dù hoàn cảnh dẫn đến trừng phạt đã thay đổi.

Chính vì thế đây là lý do các đồng minh châu Âu của Mỹ phản đối đạo luật. EU kêu gọi Quốc hội Mỹ phối hợp với các đối tác trong nhóm G7.

Người phát ngôn EU nói đạo luật sẽ có “hậu quả ngoài ý muốn” cho những quyền lợi kinh tế và an ninh năng lượng của châu Âu”.

RELATED ARTICLES

Tin mới