Wednesday, November 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiHàm ý trong những tuyên bố "bất nhất" của Mỹ với Qatar?

Hàm ý trong những tuyên bố “bất nhất” của Mỹ với Qatar?

Nếu những nỗ lực hàn gắn cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh bất thành và Mỹ cũng không thể giúp Qatar thoát khỏi thế cô lập, Washington sẽ khó có thể đạt được những mục tiêu đã đặt ra ở Trung Đông.

Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim Bin Hamad Al-Thani gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng Năm.

Theo National Interest, những thông điệp bất nhất của Mỹ về cuộc khủng hoảng Qatar đã cho thấy mức độ phức tạp của các cáo buộc nhằm vào quốc gia Ả Rập giàu dầu mỏ này.

Trong thời gian qua, truyền thông Trung Đông đã nhiều lần có những tuyên bố công kích lẫn nhau sau khi Ả Rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar trước cáo buộc Doha hỗ trợ lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, al Qaeda và các phiến quân do Iran hậu thuẫn hoạt động tại nhiều nước vùng Vịnh.

Thông qua những hành động và lời nói mà giới chức ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc đưa ra kể từ khi cuộc khủng hoảng Qatar bùng nổ hồi đầu tháng Sáu có thể thấy rõ ràng, Washington muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tất cả thành viên thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) trong cuộc chiến chống khủng bố.

Tuy nhiên, những thông điệp hỗn độn của chính quyền Mỹ về cuộc khủng hoảng Qatar cho thấy, bản chất đa chiều và phức tạp trong các cáo buộc chung nhằm vào Doha.

Cụ thể, giới chức cấp cao trong Hạ viện và Thượng viện Mỹ đều lên tiếng chỉ trích cả Doha và Riyadh đồng thời cho rằng chính họ là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng vùng Vịnh hiện nay. Dưới thời lãnh đạo của cựu Tổng thống Barack Obama, mối quan hệ giữa Qatar với Hamas và các nhóm Hồi giáo dòng Sunni đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía giới chức Mỹ. Điển hình, hồi năm 2009, Thượng nghị sĩ John Kerry từng nhấn mạnh: “Qatar không thể là đồng minh của Mỹ trong ngày thứ Hai mà lại chuyển tiền cho Hamas vào ngày thứ Ba”.

Gần đây nhất, hồi tháng Sáu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc giới chức “cấp cao” ở Doha ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.

Tuy nhiên, hồi đầu tháng này, phản ứng trước bản yêu sách 13 điểm mà nhóm 4 nước vùng Vịnh đưa ra với Doha, cố vấn truyền thông của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, ông R.C.Hammond nhận định, “đây là con đường hai chiều” và “không có bàn tay sạch”.

Hôm 12/7, ông Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ còn nhấn mạnh, “sự ủng hộ mà Ả Rập Xê-út dành cho chủ nghĩa khủng bố có vẻ nhỏ hơn so với việc Qatar đang làm”.

Hồi năm ngoái, các nghị sỹ Mỹ cũng đã bác bỏ phủ quyết của Tổng thống Obama và thông qua Đạo luật Công lý chống tài trợ khủng bố (JASTA), ám chỉ chính quyền Ả Rập nhúng tay vào các vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Trong giai đoạn tranh cử Tổng thống Mỹ và với tư cách ứng viên, ông Trump và bà Hillary Clinton cũng đã ủng hộ đạo luật này song cho tới nay, tương lai của JASTA vẫn chưa có gì là chắc chắn.

Còn khi tham dự hội nghị GCC, Ngoại trưởng Tillerson cho rằng, phản ứng của Doha đối với bản yêu sách 13 điểm là “hoàn toàn hợp lý”. Điều đó đồng nghĩa với việc Washington sẽ tiếp tục xem Qatar như một đồng minh thân cận của Mỹ. Ngoài ra, Mỹ và Qatar đã ký kết thỏa thuận chống khủng bố khi ông Tillerson tới Doha ngày 11/7. Trước đó vào tháng Sáu, Mỹ và Qatar đã hoàn tất thỏa thuận mua bán chiến đấu cơ trị giá 12 tỷ USD.

Đáng nói chỉ sau tuyên bố của Ngoại trưởng Tillerson một ngày, chia sẻ với CBN, ông Trump cho biết: “Chúng tôi vẫn đang có mối quan hệ tốt đẹp với Qatar và không có chuyện gì xảy ra với căn cứ quân sự al-Udeid”.

Căn cứ al-Udeid là nơi đóng quân của khoảng 11.000 quân nhân Mỹ. Từ căn cứ này, Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ tiến hành các đợt tấn công nhằm tiêu diệt lực lượng khủng bố IS ở Syria, Iraq và Afghanistan.

Điều đó cho thấy, bất chấp những dòng chia sẻ trên Twitter chỉ trích Qatar của ông Trump, Washington và Doha vẫn đang duy trì mối quan hệ thân thiết.

Vậy phải chăng trong thời gian tới Mỹ sẽ chuyển trọng tâm sang chỉ trích Riyadh và các nước GCC là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh? Theo National Interest, điều này là hoàn toàn có thể. Bởi hiện tại, Qatar có thể cho thấy, họ đang tuân thủ những tiêu chuẩn chống khủng bố mà Washington thiết lập. Do đó, trong bất kỳ trường hợp nào, việc Washington và Doha ký kết thỏa thuận chống khủng bố sẽ xóa bỏ nỗ lực của 4 nước vùng Vịnh trong việc thuyết phục Mỹ nhìn nhận Qatar bằng “thấu kính” của họ.

Ngoài ra, chính quyền của Tổng thống Trump cũng cam kết tăng cường hợp tác chống khủng bố với cả Ả Rập Xê-út và Qatar đồng thời có ý định hòa giải Riyadh và Doha.

Nói cách khác, mục đích của Ngoại trưởng Tillerson là tăng cường vị thế của Mỹ và các đồng minh Ả Rập dòng Sunni trong cuộc chiến chống IS, các nhóm phiến quân khác và cả Iran.

Nếu như những nỗ lực ngoại giao nhằm đưa ra giải pháp cho khủng hoảng Qatar trở nên vô ích, chính quyền của Tổng thống Trump sẽ đối mặt với ngày càng nhiều thách thức ở Trung Đông mà cụ thể, Nhà Trắng sẽ khó có thể đạt được các mục tiêu đã đặt ra ở Trung Đông trong tương lai.

RELATED ARTICLES

Tin mới