Philippines hôm thứ Tư trấn an các quốc gia láng giềng ở Đông Nam Á liên quan tới đề xuất của nước này trong việc hợp tác khai thác dầu khí cùng Bắc Kinh tại vùng biển có tranh chấp, hãng tin AFP nói.
Manila hứa sẽ tham vấn với các nước liên quan về các kế hoạch đó.
Việc Tổng thống Rodrigo Duterte làm giảm nhẹ chính sách của người tiền nhiệm trước các đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến các nước khác trong vùng cảm thấy lo lắng.
Hôm thứ Hai, ông Duterte nói chính phủ ông đang đàm phán với Trung Quốc về việc khai thác chung các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở vùng biển này sau nhiều năm căng thẳng giữa hai nước.
Truyền thông Philippines dẫn lời Ngoại trưởng nước này Alan Peter Cayetano, nói việc phát triển chung giữa hai nước đã được lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và Tổng thống Corazon Aquino nêu ra từ 1986.
Bộ Năng lượng hôm 12/7 nói rằng việc khoan dầu khí tại Recto Bank, nơi có tên quốc tế là Reed Bank và Việt Nam gọi là Bãi Cỏ rong, có thể sẽ được nối lại vào cuối năm nay.
Tin tức nói chính phủ Philippines sẽ mở thầu cho các nhà đầu tư tham gia đấu thầu các lô thăm dò, khai thác trong tháng Mười Hai.
Các hoạt động tại đây đã bị ngưng từ 2014, khi Manila chờ kết quả phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague về vụ kiện Biển Đông.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano hôm thứ Tư nói rằng Manila sẽ tham vấn với chín nước thành viên ASEAN về đề xuất khai thác chung với Trung Quốc.
“Sẽ không phải là hành động đơn phương của Philippines, bởi ngài tổng thống đã hứa là sẽ vì hòa bình và ổn định, mà hành động đơn phương của bất kỳ bên nào cũng đều sẽ dẫn tới sự mất ổn định,” ông nói với các phóng viên.
“Sẽ cũng có cả các cuộc tham vấn với toàn khối ASEAN bởi chúng tôi muốn có sự ổn định ở đó.”
Ông Duterte đã làm giảm nhẹ việc tranh chấp trên biển giữa nước ông với Trung Quốc nhằm đổi lấy việc có được hàng tỷ đô la thương mại và đầu tư từ Bắc Kinh.
Ông cũng từ chối việc áp dụng nội dung phán quyết mà PCA đưa ra năm ngoái theo đó bác bỏ các tuyên bố của Bắc Kinh đối với hầu hết các diện tích trên Biển Đông.
Phiên họp thượng đỉnh của ASEAN hồi tháng Tư, do ông Duterte chủ trì, đã không đưa ra được tuyên bố lên án việc Trung Quốc thúc đẩy việc nắm quyền kiểm soát hầu hết vùng biển này.
Bản quyền hình ảnh VCG/Getty Images Image caption
Tuần tới, ông Cayetano sẽ gặp các ngoại trưởng khối ASEAN tại Manila, và dự kiến chủ đề Biển Đông sẽ nằm trong nghị trình bàn thảo, AFP nói.
Hiện ông Cayetano từ chối cho biết liệu hoạt động khai thác dầu khí chung giữa Trung Quốc và Philippines có nằm trong các khu vực biển mà Việt Nam, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền hay không.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Ba, khi tới thăm Manila, nói rằng Bắc Kinh để ngỏ khả năng phát triển chung với Manila, và cảnh báo việc bất kỳ nước nào tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông “đơn phương phát triển” hoạt động thăm dò, khai thác, sẽ gây tổn hại tới tình hình chung.
“Ở các vùng nước có sự chồng lấn về quyền và lợi ích, nếu một bên đơn phương phát triển, rồi một bên khác có hành động tương tự, thì điều đó sẽ làm phức tạp hóa tình hình trên biển, có thể dẫn đến căng thẳng và cuối cùng thì không ai có thể khai thác được các nguồn tài nguyên,” ông Vương nói.