Mỹ cảnh báo cuộc chiến tranh hạt nhân với Trung Quốc và Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ đáp trả chóng vánh.
Sputnik ngày 27/7 dẫn các đánh giá của giới chuyên gia quân sự Nga đưa ra nhận định cho rằng, trong trường hợp Washington bị tấn công hạt nhân, Bắc Kinh sẽ ngay lập tức tấn công đáp trả và có khả năng gây thiệt hại lớn cho Mỹ.
Tổng biên tập Tạp chí “Arsenal Tổ quốc” – ông Viktor Murakhovski cho rằng, trong trường hợp một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Trung Quốc, Bắc Kinh có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho Washington.
Song ông cho rằng, xác suất chiến tranh hạt nhân là rất khó xảy ra, bởi không có điều kiện tiên quyết cho một cuộc chiến tranh như vậy.
“Bất chấp “sự cuồng loạn” hiện nay trong lĩnh vực chính trị Mỹ, trong số các nhà lập pháp không có những kẻ tự sát. Xin nói thêm là liên quan đến Nga, tình hình cũng như vậy” – ông Murakhovski nhận định.
Chuyên gia quân sự, Tổng biên tập tạp chí “Quốc phòng” Igor Korotchenko thì cho rằng, một khả năng tấn công hạt nhân là điều có thể xảy ra và bắt nguồn từ phía Mỹ.
Ông Korotchenko nhận định, tình huống được nhắc đến của chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ không phải là lời đe dọa về một cuộc tấn công trong tương lai với Bắc Kinh mà chỉ là câu trả lời của ông này khi báo chí đặt vấn đề tấn công hạt nhân Trung Quốc.
Song, đối với sự sắp đặt không ai đoán trước được của Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng với tất cả các mâu thuẫn tích lũy trước đó, khả năng tấn công hạt nhân là điều có thể.
Đô đốc chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Scott Swift cùng ngày đã có tuyên bố trước báo chí cho rằng, nếu có lệnh của Tổng thống Trump, ông sẵn sàng tiến hành cuộc tấn công hạt nhân vào Trung Quốc.
Trong một hội nghị an ninh ở Australia, Đô đốc Swift được hỏi rằng liệu ông có sẵn sàng tấn công hạt nhân Trung Quốc nếu Tổng thống Trump yêu cầu như vậy không.
“Câu trả lời là có”, Đô đốc Mỹ nói. Ông đồng thời nói rằng, tất cả thành viên quân đội Mỹ đều đã tuyên thệ sẽ tuân theo mệnh lệnh của các quan chức và tổng tư lệnh là tổng thống để bảo vệ hiến pháp Mỹ.
“Đó là cốt lõi của nền dân chủ Mỹ”, Reuters dẫn lại lời ông Swift nói. “Bất cứ khi nào bạn có một đội quân xa rời và không còn trung thành với việc kiểm soát dân sự, đó thật sự là vấn đề nghiêm trọng”.
Phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương – ông Charles Brown sau đó giải thích rằng câu trả lời của Đô đốc Swift chỉ nhằm tái khẳng định nguyên tắc kiểm soát dân sự đối với quân đội Mỹ.
“Đô đốc không đề cập đến tiền đề của câu hỏi, ông ấy chỉ nói về nguyên tắc quyền lực dân sự của quân đội mà thôi. Bản thân tiền đề của câu hỏi đó là vô lý”, ông Brown cho biết.
“Nói một cách thẳng thắn, tiền đề của câu hỏi vô cùng lố bịch”, người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương Charlie Brown tuyên bố.
Diễn đàn an ninh tổ chức ở Đại học Quốc gia Australia được tổ chức tiếp sau một cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn giữa quân đội Mỹ- Australia ở ngoài khơi bờ biển quốc gia châu Á.
Các cuộc tập trận được cho đã bị một tàu thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc do thám ngoài khơi bờ biển Đông Bắc Australia.
Cuộc tập trận chung được tổ chức 2 năm một lần mang tên Talisman Saber nói trên quy tụ 36 chiến hạm, trong đó có tàu sân bay USS Ronald Reagan, 220 máy bay và 33.000 binh lính.
Đô đốc chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Scott Swift
Trong khi đó, tàu do thám của Trung Quốc theo sát cuộc tập trận này được xác định là tàu Hải quân-Lục quân Type 815, lớp Dongdiao. Được biết, con tàu này đã đi vào bên trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế của Úc.
Theo lời ông Swift, Trung Quốc từng đưa một tàu do thám tương tự vào vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ quanh Hawaii trong cuộc tập trận hải quân đa quốc gia do Hạm đội Thái Bình Dương chủ trì năm 2014.
Trung Quốc có quyền vào vùng đặc quyền kinh tế Mỹ vì mục đích quân sự theo Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (hay UNCLOS) – vốn quy định quyền hạn và trách nhiệm của các quốc gia đi lại trên vùng biển của thế giới.
Tuy vậy, ông Swift nhấn mạnh rằng các chính phủ cần phải trao đổi với Bắc Kinh để nắm được tại sao Trung Quốc không chấp nhận rằng Mỹ cũng có quyền tiếp cận tương tự đối với vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.