Bản tin Biển Đông ngày 27/07/2017.
Ngoại trưởng Philippines khẳng định “Philippines không nhượng bộ lãnh thổ cho Trung Quốc”
Ngày 27/7, The Philippine Star đưa tin, tại cuộc họp báo ngày 26/7, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano khẳng định Philippines sẽ không để mất dù chỉ “một inch” lãnh thổ vào tay Trung Quốc nếu như nước này triển khai thỏa thuận thăm dò chung với Trung Quốc. Ông Cayetano cũng khẳng định rằng bất cứ thỏa thuận nào cũng phải phù hợp với Hiến pháp và pháp luật của Philippines. Ông cho biết thêm, Trung Quốc luôn nhất quán trong quan điểm về thăm dò chung kể từ năm 1986, khi các cuộc thảo luận về phát triển chung với Trung Quốc giữa Tổng thống Philippines Corazon và Aquino và Chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, nhưng cho đến nay Philippines vẫn còn ngần ngừ vì sự khác nhau giữa các chính quyền và Hiến pháp Philippines vẫn còn non trẻ. Ông Cayetano nhấn mạnh, các thỏa thuận trong tương lai cần phải đem lại nhiều lợi ích cho người dân Philippines hơn thỏa thuận phát triển Malampaya. Ông Cayetano cũng cho biết Manila sẽ tham vấn 9 nước thành viên ASEAN về đề nghị phát triển chung này vì “ưu tiên của Tổng thống là hòa bình và ổn định”, do đó “cần phải tham vấn toàn thể ASEAN để đảm bảo sự ổn định ở khu vực”. Tuy nhiên, ông Cayetano không nói gì về việc liệu dự án thăm dò dầu khí chung với Trung Quốc có nằm tại các khu vực mà các nước ASEAN khác như Việt Nam, Malaysia và Brunei cũng yêu sách hay không.
Đài Loan đang chuẩn bị sẵn sàng bích kích pháo để bảo vệ Ba Bình trên Biển Đông
Ngày 26/7, Quartz đăng bài viết “Đài Loan đang chuẩn bị sẵn sàng bích kích pháo để bảo vệ Ba Bình trên Biển Đông” của nhà báo Steve Mollman. Ông Mollman cho hay, ngày 25/7, theo tạp chí The Taipei Times đưa tin, quân đội Đài Loan mới đây đã cung cấp 6 bích kích pháo cho lực lượng Cảnh sát biển có nhiệm vụ bảo vệ Ba Bình. Ông cho biết, cảnh sát biển sẽ chỉ lưu giữ các bích kích pháo này và chuẩn bị sẵn sàng để đối phó ngay khi có dấu hiệu phát sinh vấn đề, thay vì lắp đặt vũ khí trên đảo và gây ra nguye cơ leo thang căng thẳng. Tác giả bài viết nhận định, dù Phán quyết Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016 đã kết luận Ba Bình không phải một đảo nhưng “dù là đảo hay đá thì Đài Loan vẫn cho rằng mình có chủ quyền với Ba Bình và quyết tâm bảo vệ Ba Bình, với sự hỗ trợ của các loại vũ khí lớn”. Ông cho biết, sự hiện diện của lực lượng nước ngoài gần Ba Bình nhất là Đảo Sơn Ca của Việt Nam nhưng đối tượng mà Đài Loan lo ngại chính là Trung Quốc chứ không phải Việt Nam, với những yêu sách như yêu sách đường chín đoạn đã bị Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông bác bỏ hay yêu sách Đài Loan là lãnh thổ của mình thay vì là một quốc gia độc lập.
Úc “rất quan ngại” về hành vi của Trung Quốc khi đưa tàu do thám tới gần Queensland
Ngày 27/7, hãng ABC News đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne khẳng định Úc đang theo dõi “rất sát sao” hoạt động của một tàu do thám của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc khi tàu này theo dõi các hoạt động quân sự chung có tên Talishman Sabre giữa Úc và Mỹ ở khu vực Queensland một tháng trước. Một số quan chức quân sự cấp cao đã gọi đây là hành động mang tính “khiêu khích” dù Ngoại trưởng Úc Julie Bishop đã phải nhanh chóng trấn an rằng Trung Quốc có quyền tiếp cận gần với Úc trong khi đang ở vùng biển quốc tế. Bà Payne cũng ủng hộ phát biểu của bà Bishop nhưng nhấn mạnh rằng Úc cần theo dõi chặt chẽ hoạt động của tàu này dù hoạt động này vẫn nằm trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế. Nhiều quan chức và chính trị gia Úc đã tránh không công kích trực diện Trung Quốc vì hành động điều tàu tới khu vực các vùng biển quốc tế để theo dõi cuộc diễn tập chung Talishman Sabre. ABC News nhận định, có thể một phần là vì Chính phủ Úc đã nhiều lần đề nghị Trung Quốc tôn trọng quyền tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế ở Biển Đông. Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc lại lớn tiếng cáo buộc truyền thông Úc thổi phồng những thông tin liên quan đến tàu do thám của nước mình. Một bài báo trên Thời báo Hoàn cầu còn ngang ngược tuyên bố “Mỹ và các đồng minh luôn thực hiện các cuộc tuần tra chung một cách đơn phương ở Biển Đông, tàu hải quân và tàu do thám của Trung Quốc từ giờ sẽ bắt đầu xuất hiện trên các vùng biển có ý nghĩa quan trọng đối với phương Tây” và “Trung Quốc sẽ sản xuất thêm nhiều tầu chiến và đồng thời tận dụng tối đa những tàu này”.
Vì sao Bắc Kinh đẩy mạnh các hoạt động thử nghiệm tàu ngầm ở Biển Đông?
Ngày 26/7, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đăng bài viết “Vì sao Bắc Kinh đẩy mạnh các hoạt động thử nghiệm tàu ngầm ở Biển Đông” của nhà báo Stephen Chen. Theo nhận định của tác giả bài viết, việc Trung Quốc thả xuống nhiều tàu ngầm được thiết kế để nhanh chóng gửi dữ liệu thu thập được ở khu vực về đất liền ở “một khu vực không cụ thể” trên Biển Đông đã thể hiện “bước đột phá” của nước này nhằm theo dõi vị trí của các tàu ngầm nước ngoài, trùng với thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump duyệt kế hoạch cho phép Hải quân Mỹ tiến hành thêm các hoạt động tuần tra trên Biển Đông, một động thái được cho là thách thức các yêu sách của Trung Quốc ở khu vực.