Friday, December 27, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiBí quyết giúp Việt Nam "hóa rồng"

Bí quyết giúp Việt Nam “hóa rồng”

Chuyên gia kinh tế Vũ Minh Khương nhận định, để phát triển đất nước trong thời đại mới, tránh không bị tụt hậu với thế giới, cách mạng công nghệ 4.0 chính là chìa khóa của Việt Nam lúc này.

PGS.TS Vũ Minh Khương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ.

PGS.TS Vũ Minh Khương hiện là giảng viên của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (thuộc Đại học Quốc gia Singapore).

Ông cũng là người đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ ở Trường ĐH Harvard (Mỹ) với luận án “Phân tích những ảnh hưởng của công nghệ thông tin tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu”. Hiện nay, PGS.TS Vũ Minh Khương là một trong số 15 thành viên của Tổ tư vấn kinh tế cho Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định thành lập gần đây.

Nhân dịp PGS.TS Vũ Minh Khương có chuyến công tác ngắn ngày tại Việt Nam, VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông về vấn đề cách mạng 4.0 và những tác động của nó đối với Việt Nam.

– Thưa PGS.TS Vũ Minh Khương, trong thời gian qua, dư luận tại Việt Nam đã và đang nói đến rất nhiều đến khái niệm “cách mạng 4.0”. Tuy nhiên, khái niệm “cách mạng 4.0” sự thực là gì thì vẫn nhiều cách hiểu khác nhau. Vậy theo ông, nội hàm thực sự của khái niệm này là gì?

“Cách mạng 4.0” bắt đầu từ thuật ngữ “Industry 4.0”. Thuật ngữ này bắt nguồn từ một dự án trong chiến lược công nghệ cao của chính phủ Đức, nó thúc đẩy việc sản xuất vi tính hóa sản xuất.

Đặc biệt là tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2016 diễn ra tại Davos-Klosters của Thụy Sĩ, tên gọi của cuộc cách mạng này đã được đưa ra làm chủ đề chính của hội nghị với tên gọi “Làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Có thể nói, cuộc “cách mạng 4.0” hay còn được gọi là cuộc “cách mạng công nghiệp lần thứ tư” hay “cuộc cách mạng số” đã và đang diễn ra một cách mạnh mẽ trên toàn cầu, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)…

Về thực chất, đó là quá trình chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Trong đó, mạng lưới vạn vật kết nối Internet và điện toán đám mây đóng vai trò nền tảng khuyến tạo, có tác động lớn đến nhịp độ và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp, các tổ chức.

Cụ thể, có thể hiểu rằng trong cách mạng 4.0, dựa vào phân tích mọi dữ liệu về bạn, trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật cho bạn thưởng thức như làm một bộ phim mà không cần diễn viên, máy bán hàng tự động sẽ bán bất kỳ thứ gì mà bạn muốn, các giao dịch ngân hàng tự động toàn bộ…

Cách mạng 4.0 có biên độ rất lớn, cho nên tổ chức nào, nhà nước nào nắm bắt được kịp thời sẽ có những bước tiến rất nhanh.

– Ông đánh giá thế nào về nền tảng công nghệ của Việt Nam hiện nay, những “rào cản” khiến Việt Nam khó tiếp cận “cách mạng 4.0”?

Việt Nam đã có những bước tiến rất là tốt, phải nói là có những bước thần kì trong vòng 10 năm qua về nắm bắt công nghệ thông tin. Thế giới cũng như ở Đông Nam Á đều rất ấn tượng với điều này của Việt Nam.

Vì họ nói rằng dù Việt Nam là nước có thu nhập bình quân đầu người còn khá thấp nhưng lại là nước hội nhập nhanh hơn và nắm bắt công nghệ thông tin nhanh hơn nhiều nước khác.

Nhưng nói đi thì cũng phải nhìn lại. Để công nghệ thông tin trở thành một động lực chủ đạo cho sự phát triển nói chung của Việt Nam hay chưa thì phải thừa nhận một thực tế là chưa thực sự mạnh mẽ. Việt Nam vẫn chưa nhận thức được đấy là một mũi nhọn chiến lược, nên điều cần làm hiện nay là phải dốc toàn lực để sử dụng, phát triển công cụ chiến lược này.

Nguồn nhân lực Việt Nam phải nói rằng là khá dồi dào. Nhưng để kiến tạo cho họ thành một đẳng cấp cao hơn, có năng lực, có trình độ là chưa có.

Hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam có nhiều điểm đáng tự hào, song nhiều mặt lại chưa đáp ứng được thực tế phát triển, nhất là trong thời đại mới.

Tôi lấy vị dụ như việc sử dụng 4G trong viễn thông thôi, nhiều nước cũng thắc mắc tại sao Việt Nam lại chậm trễ thế. 3G Việt Nam làm rất nhanh, nhưng mà 4G lại rất chậm. 4G của Việt Nam còn đi sau cả Lào và Campuchia.

Tôi cũng vừa có một khảo sát về ứng dụng điện toán đám mây tại trên 500 doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam. Điều đáng mừng là nếu so với các nước trong khối ASEAN, Việt Nam là nước có tốc độ tăng chi tiêu cho điện toán đám mây trong giai đoạn 2010-2016 cao nhất (64,4%/năm), cao hơn hẳn mức bình quân của ASEAN (49,5%) và thế giới (42.5%).

Tuy nhiên, về con số tuyệt đối, mức chi tiêu cho điện toán đám mây của Việt Nam còn rất thấp (1,7USD/người/năm 2016), thấp hơn 107 lần so với Singapore; 6,5 lần so với Malaysia; 2,4 lần so với Thái Lan; và 1,3 lần so với Philippines. Những con số trên phản án thực tế đang có rất nhiều rào cản trong việc thúc đẩy công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Nói thể để thấy rằng Chúng ta cũng có những bước tiến nhưng mà vẫn giật cục, chưa có những nét căn bản để lấy công đến rất nhanh.

Cái yếu nhất của Việt Nam chính là mọi người đều năng động làm mọi thứ, nhưng mà biến thành sức mạnh cộng hưởng với nhau thì còn nhiều hạn chế. Đây là những rào cản, mà để giải quyết được thì Chính phủ cần phải giải quyết tốt bài toán này.

– Ông đã nói đến những “rào cản”, vậy để “xé rào” và tiếp cận rồi vận dụng “cách mạng 4.0” để tạo ra cú đột phá về kinh tế thì hiện nay Việt Nam cần phải làm gì?

Người Việt Nam có một đặc điểm rất đặc biệt và cũng rất đáng quý: đó là một khi họ nhận thức được rõ mục tiêu và có điều kiện kiến tạo tốt thì họ thực hiện, vận dụng rất nhanh, rất hiệu quả.

Trong công nghệ thông tin hiện nay, Việt Nam cần tập trung xây dựng ứng dụng điện toán đám mây, xem ứng dụng công nghệ thông tin như là mũi chủ đạo trong chiến lược cạnh tranh của mình, trước hết là đối với các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần tạo cho khách hàng sự trải nghiệm tốt hơn chứ không phải là chạy theo giá thành hạ thấp hay số lượng nhiều như thông thường nữa. Cạnh tranh bằng sự trải nghiệm đã và đang là xu thế chủ đạo trong kinh doanh hiện nay.

Sự trải nghiệm đó là từ sản phẩm sáng tạo, giá thành phải chăng, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin được áp dụng triệt để, từ đó tạo ra sự kết hợp giữa các nhà cung ứng với các đối tác để tạo ra sự sống động, sự trải nghiệm tốt.

Đây là vấn đề mang tính chiến lược và rất quan trọng. Nhận thức của nhà quản lí, của doanh nghiệp đối với điều này phải luôn luôn đi đầu. Trong đó có vấn đề phối thuộc với nhau, cùng nhau hành động.

Một điều nữa là Việt Nam cần phải có hệ sinh thái số. Hệ sinh thái số của Việt Nam hiện nay vẫn đang trên đà hình thành để phát triển. Nhưng đặc thù của Việt Nam là một nền kinh tế mới phát triển nên còn có những khoảng trống rất lớn trong lĩnh vực này. Nên việc chiếm lĩnh các khoảng trống này thường là những tập đoàn có tiềm lực về tài chính, nhân lực đa quốc gia bên ngoài là chủ yếu, chứ các doanh nghiệp trong nước còn rất yếu.

Sự phối thuộc giữa các tập đoàn đa quốc gia với các doanh nghiệp trong nước đóng vai trò quan trọng, vừa là cầu nối, vừa là động lực. Trong sự phối thuộc này thì vai trò của Chính phủ là chủ đạo. Tôi lấy kinh nghiệm như ở Singapore chẳng hạn, Chính phủ sẽ phải đi đầu trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, thậm chí Chính phủ là người tụ họp lại với các doanh nghiệp để bàn với nhau là làm gì để ứng dụng công nghệ thông tin tốt hơn, để từ đó đề ra những quyết sách phù hợp.

– Được biết, luận án tiến sĩ của ông ở Trường đại học Harvard là phân tích về tác động của công nghệ thông tin tới kinh tế toàn cầu. Vậy, nếu để chọn một mô hình kinh tế số phù hợp cho Việt Nam lúc này, theo ông là mô hình nào?

Nếu chọn một mô hình kinh tế số phù hợp cho Việt Nam lúc này thì tôi nghĩ đó là “mô hình SMART”. SMART là viết tắt từ chữ cái của 5 từ: Strategy, Monitoring, Accountability, Rethinking và Trust.

Strategy chính là chiến lược, có tầm nhìn thời đại công nghệ, nỗ lực hợp tác toàn cầu, biết rõ những điểm mạnh, điểm yếu của mình và những ưu tiên cần đột phá để thay đổi căn bản cục diện và động thái phát triển.

Monitoring là đo lường kết quả, giám sát nhịp độ tiến triển và tiêu sánh với các nước đi đầu.

Accountability nghĩa là phải giao cho cơ quan chịu trách nhiệm về thiết lập mục tiêu và phối thuộc hành động.

Rethinking là phải đổi mới tư duy và mạnh dạn cải cách tư duy thời đại.

Và cuối cùng, Trust chính là phải chú trọng xây dựng lòng tin trong mọi nỗ lực chính sách.

Việt Nam phải đón nhận và vận dụng “cách mạng 4.0” ở cả hai thế “công” và “thủ”. “Công” ở đây có nghĩa là cách mạng 4.0 là cơ hội cực kì quý hiếm, mà như theo “lý thuyết đuổi bắt” thì phải nói đây là thời cơ vô giá để các nước còn nghèo như Việt Nam tận dụng cơ hội để vượt lên phát triển.

Còn “thủ” đó là Việt Nam cần có một cái thế nhất định để nắm bắt, để không bị thua thiệt, nghĩa là để nắm bắt được thì ta phải trang bị những gì, nền tảng là gì để tương thích với nó.

Tôi tin rằng nếu Việt Nam nhận thức được rõ ràng và đầy đủ, từ đó làm tốt điều này thì Việt Nam sẽ thành công trong việc bứt phá vươn lên phát triển ngoạn mục, trở thành một trong những “con rồng” của Châu Á.

RELATED ARTICLES

Tin mới