BienDong.Net: Sau sự kiện giàn khoan HD 981, thì hiện nay Trung Quốc lại tiếp tục đẩy tình hình an ninh trên Biển Đông vào trạng thái nguy hiểm hơn khi cho cải tạo và xây dựng những cấu trúc địa chất thuộc quần đảo Trường Sa.
Báo chí trong nước và nước ngoài tập trung vào các hình ảnh vệ tinh của tạp chí tình báo quốc phòng IHS Janes[1] và lo ngại trước tình trạng Trung Quốc gia tăng các hoạt động xây dựng tại các cấu trúc địa lý này. Trang web của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS – Mỹ) đã liệt kê và cung cấp hình ảnh vệ tinh về việc Trung Quốc cải tạo và xây dựng 7 cấu trúc địa lý tại Trường Sa, bao gồm: đá Gạc Ma, đá Gaven, đá Huy gơ, đá Châu Viên, đá Chữ Thập, đá Subi, và đá Vành Khăn. Một số báo chí nước ngoài còn đề cập đến bãi Én Đất, nhưng còn có những tranh luận khác nhau về bên đang kiểm soát bãi này.
Tại sao Trung Quốc lại dốc sức xây dựng và cải tạo các cấu trúc tại Trường Sa? Việc xây dựng và cải tạo này của Trung Quốc có dẫn đến những hệ lụy gì cho các quốc gia láng giềng?
Có một số giải thích cho các hành động nói trên của Trung Quốc giúp Trung Quốc đạt được nhiều mục đích, cả về mặt chiến lược, quân sự lẫn pháp lý.
Về mặt chiến lược, Trung Quốc luôn nhấn mạnh yếu tố thế và thời trong chiến lược của họ, điều này cũng được Taylor Fravel nhắc tới trong cuốn sách “Strong Borders, Secure Nation” của ông ta[2]. Yếu tố thế yêu cầu Trung Quốc phải giành được thế thượng phong so với các bên khác tham gia tranh chấp. Trước năm 1988, Trung Quốc có vị trí kém trong khu vực Trường Sa vì Trung Quốc không thật sự kiểm soát được bất kỳ cấu trúc nào ở Trường Sa. Chính vì vậy, năm 1988 Trung Quốc đã tấn công quân đội Việt Nam để chiếm giữ một số cấu trúc, năm 1995 lại tiếp tục tấn công quân đội Philippines để chiếm giữ tiếp thêm bãi Vành Khăn. Cho đến nay, Trung Quốc đang kiểm soát 7 cấu trúc tại Trường Sa. Tuy nhiên, tất cả các cấu trúc tại Trường Sa mà Trung Quốc đang kiểm soát lại rất nhỏ, không tạo ra được các điểm tựa cho hoạt động quân sự, và như vậy, đó là một bất lợi về mặt chiến lược của Trung Quốc so với các bên tranh chấp khác.
Về yếu tố thời, đây đang là “thời điểm vàng” để Trung Quốc “tung hoành” trên Biển Đông, khi cả thế giới đang hướng về nhiều điểm nóng và vấn đề nóng như Nga, Ukraina, Hy Lạp cũng như khu vực Trung Đông với các điểm nóng Syri và tổ chức Hồi giáo IS… Quốc gia duy nhất có thể thách thức vai trò và hành động của Trung Quốc là Hoa Kỳ thì đang phải “phân thân” ra khắp thế giới, cho nên để khẳng định sức mạnh và vị thế của mình, Trung Quốc cần phải thay thế Hoa Kỳ để thống trị thế giới, địa bàn mà Trung Quốc muốn thách thức Hoa Kỳ đầu tiên chính là Biển Đông và Châu Á.
Về mặt quân sự, nếu như ở khu vực Hoàng Sa, Trung Quốc có căn cứ quân sự tại đảo Hải Nam, cũng như họ đã xây dựng đảo Phú Lâm thành một căn cứ quân sự cỡ nhỏ, điều này khiến Trung Quốc sẽ có lợi thế một khi xảy ra xung đột quân sự tại khu vực này. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra điểm yếu của Trung Quốc khi xảy ra xung đột quân sự tại Trường Sa, đó là khoảng cách khá xa từ đất liền của Trung Quốc tới khu vực này, khiến cho khả năng tiếp liệu của hải quân và không quân Trung Quốc bị hạn chế, cho nên, khi xây dựng các cấu trúc này thành các căn cứ quân sự cỡ nhỏ, nó sẽ trở thành những điểm tiếp liệu như những “tàu sân bay không chìm”, tạo sức mạnh liên hoàn trong chiến tranh trên biển. Đặc biệt, vị trí án ngữ địa lý khu vực Trường Sa của đá Chữ Thập mà Trung Quốc đang chiếm giữ sẽ tạo một sức mạnh đáng kể cho quân đội Trung Quốc nếu xảy ra xung đột trên khu vực này.
Về pháp lý, để biện minh cho các hành động “hung hăng” của mình trên Biển Đông, Trung Quốc lập lờ vin vào yêu sách “đường lưỡi bò”. Yêu sách này của Trung Quốc được lý giải không chính thức và rất khác nhau, một trong số đó là Trung Quốc lập luận rằng vì Trung Quốc có chủ quyền “không thể tranh cãi” đối với các nhóm quần đảo ở Biển Đông, mà các đảo này vì là đảo (Islands) nên theo khoản 2 điều 121 UNCLOS (Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982) nó sẽ có các vùng biển như vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), thềm lục địa (CS) … và do đó đem lại cho Trung Quốc quyền hành xử trên vùng Biển Đông này.
Trong số các cấu trúc này thuộc Trường Sa, có đá Gaven, đá Ken Nan, và bãi Vành Khăn đã được Philippines nêu trong đơn khởi kiện Trung Quốc ra một Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS và yêu cầu Tòa xác định đó là các đảo nửa chìm nửa nổi (LTEs – Low tide elevations). Ba cấu trúc khác bao gồm đá Châu Viên, đá Chữ Thập và Gạc Ma thì Philipppines yêu cầu Tòa xác định là đá (Rocks) chứ không phải là đảo (Islands).
Theo quy định của UNCLOS tại điều 121 thì:
“1. Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước.
2. Với điều kiện phải tuân thủ khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác.
3. Những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa”.
Trung Quốc muốn thay đổi bản chất pháp lý của các cấu trúc địa lý này nhằm diễn giải lại UNCLOS theo cách của họ, bởi vì, theo quy định tại điều 121, muốn đáp ứng là một đảo, yêu cầu đầu tiên phải là “vùng đất tự nhiên”, vì thế, các cấu trúc này khi được con người cải tạo, bồi đắp nó không còn là “vùng đất tự nhiên” nên nó không đáp ứng được yêu cầu là “đảo”, mà chỉ đáp ứng yêu cầu của một “đảo nhân tạo” (Artificial Islands). Theo điều 60, khoản 8 của UNCLOS, thì: “Các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế hoặc thềm lục địa”.
Trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài, phía Trung Quốc đã phớt lờ yêu cầu tham gia vụ kiện này từ phía Philippines và từ phía Tòa trọng tài. Nếu không có gì thay đổi, theo trình tự của phiên tòa, đến tháng 7/2015 Tòa trọng tài sẽ có phán quyết. Chính vì vậy, để nhằm làm thay đổi bản chất pháp lý của các cấu trúc này, như một hành động nhằm “ngụy tạo bằng chứng”, Trung Quốc nỗ lực biến các cấu trúc này thành đảo (Islands) nhằm mục đích hỗ trợ cho yêu cầu kiểm soát Biển Đông của họ.
Với hành động xây dựng này, Trung Quốc đã vi phạm quy định của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông mà Trung Quốc đã tham gia ký kết với ASEAN năm 2002, theo đó tại Điều 5 quy định: “Các bên liên quan cam kết tự kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc gia tăng các tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định, kể cả không tiến hành các hoạt động đưa người đến sinh sống trên các đảo, bãi đá ngầm, bãi cát ngầm, dải đá ngầm và những cấu trúc khác hiện chưa có người sinh sống và xử lý các bất đồng một cách xây dựng”.
Tham vọng của Trung Quốc là đặt toàn bộ khu vực Biển Đông dưới sự kiểm soát của họ, mặc dù Trung Quốc biết rõ rằng họ sẽ không bao giờ được quốc tế ủng hộ nhưng họ đã bất chấp luật pháp quốc tế cũng như lẽ phải, công lý chỉ để đạt được cái mà họ muốn.
Rất có khả năng sau khi Trung Quốc hoàn tất việc xây dựng các cấu trúc này, Trung Quốc sẽ chính thức tuyên bố một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) như Trung Quốc đã làm với biển Hoa Đông hơn một năm trước. Và nếu Trung Quốc làm như vậy, thì hoà bình ổn định, tự do và an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông sẽ bị đe doạ nghiêm trọng.
BDN
[1] http://www.janes.com/article/40335/more-details-emerge-on-china-s-reclamation-activities-in-spratlys
[2] M. Taylor Fravel, Strong Borders, Secure Nation, Princeton University Press, 2008.