Theo kết quả khảo sát của hãng điều tra VTSIOM công bố ngày 3.8, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn giữ mức rất cao, và ông là người được dân chúng Nga tin tưởng nhất.
Tỉ lệ tín nhiệm ông Putin ở cương vị Tổng thống Nga là 83.5% từ cuối tháng 7, mặc dù giảm nhẹ so với 84.1% vào giữa tháng, nhưng vẫn là tỉ lệ cao hơn rất nhiều so với các nhân vật chính trị nổi bật khác của Nga.
Số người Nga ủng hộ ông Dmitry Medvedev trên cương vị thủ tướng là 52.4%, ủng hộ chính phủ là 57.5%.
Tỉ lệ ủng hộ bầu cử cho đảng Nước Nga Thống nhất chiếm đa số trong Quốc hội tăng từ 47.9% hồi đầu tháng 7 lên 50.3% vào cuối tháng.
Những đảng phái khác trong Quốc hội nhận được sự ủng hộ thấp hơn nhiều. Chỉ hơn 11% nói sẽ bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ Tự do Nga, 9.1% ủng hộ Đảng Cộng sản và chỉ 5% lựa chọn đảng Nước Nga công bằng.
Cũng trong cuộc thăm dò này, VTSIOM hỏi công chúng Nga tin tưởng quan chức chính phủ và chính trị gia nào nhất. Kết quả là Tổng thống Putin đứng đầu, với 50.4% người được khỏi khẳng định tin tưởng nhà lãnh đạo Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu được 15.7%, tiếp theo là lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Nga Vladimir Zhirinovsky.
VTSIOM đã ghi nhận tỉ lệ ủng hộ cao kỷ lục với ông Putin vào cuối năm 2015 ở mức 89.9%, nhờ kết quả của hoạt động chống khủng bố ở Syria. Hãng thăm dò độc lập Levada Center cho biết, tỉ lệ người Nga hài lòng với công việc của Tổng thống Putin là 89%.
Một đỉnh cao khác của ông Putin về tỉ lệ tín nhiệm là vào giữa năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crưm.
Kết quả về tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Putin lần này được công bố trong bối cảnh Nga vừa bị Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới. Dự luật này được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua và được Tổng thống Donald Trump ký thành luật, dù miễn cưỡng.
Ngay sau khi Nhà Trắng công bố thông tin, Nga đã phản ứng mạnh mẽ với việc ký thành luật, nói rằng đây là “tuyên bố về một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện với Nga”.
Tuy nhiên, Nga tuyên bố, Mátxcơva – vốn đã chịu trừng phạt của Washington trong hàng thập kỷ – sẽ đương đầu với chế tài mới, tập trung phát triển kinh tế xã hội, tìm kiếm giải pháp thay thế nhập khẩu và giải quyết những vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Mátxcơva cho rằng, chính trừng phạt của Mỹ lại có lợi cho Nga xét theo nhiều khía cạnh, mặc dù về tổng thể, trừng phạt là phi lý.