Bản tin Biển Đông ngày 07/08/2017.
ASEAN và Trung Quốc thông qua khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông
Reuters đưa tin, ngày 6/8, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc đã thông qua khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Đánh giá về sự kiện này, ông Robespierre Bolivar, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định việc thông qua khung COC đã phản ánh cam kết nhằm tạo ra một bộ quy tắc “thực chất và hiệu quả”. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đây chính là chiến thuật của Trung Quốc nhằm kéo dài thời gian củng cố sức mạnh trên biển của nước này, mặc dù các Bộ trưởng vẫn coi đây là “bước tiến triển”. Bên cạnh đó, dùcác bên đều cho rằng khung COC mới chỉ phác thảo phương thức xây dựng Bộ Quy tắc song các nhà phê bình cho rằng việc các bên không thể dự thảo COC theo mục tiêu ban đầu là đưa COC thành văn kiện có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý và đảm bảo tính khả thi hay có một cơ chế giải quyết tranh chấp đã gây hoài nghi về hiệu quả của văn kiện.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dường như khá hài lòng về kết quả này. Ông cho rằng việc thông qua khung COC đã tạo ra cơ sở vững chắc để triển khai đàm phán có thể sẽ bắt đầu ngay trong năm nay, nhưng vẫn đưa ra lời cảnh cáo rằng chỉ có thể làm được điều này “nếu tình hình ở Biển Đông nhìn chung được ổn định và với điều kiện là không có sự can thiệp nghiêm trọng nào từ các nước ngoài khu vực”. Reuters cho hay, theo một số nhà phân tích và quan chức ngoại giao đánh giá, “sự hứng thú bất ngờ” của Trung Quốc đối với COC sau 15 năm trì hoãn chính là nhằm thực hiện âm mưu trì hoãn tiến trình đàm phán, kéo dài thời gian để hoàn thành các mục tiêu chiến lược của nước này ở Biển Đông. Trong khi đó, những người không tán thành thì cho rằng khung COC đã bị thúc đẩy vào thời điểm Mỹ đang hướng sự quan tâm tới những vấn đề khác và chưa làm rõ chiến lược an ninh của nước này ở Châu Á và điều này đã làm yếu đi lập trường đàm phán của ASEAN.
Reuters cũng đánh giá việc Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN ra Thông cáo chung cùng ngày nhằm kêu gọi phi quân sự hoá và bày tỏ lo ngại về hoạt động xây dựng đảo ở Biển Đông cho thấy các nước ASEAN đã “vượt qua được bế tắc” trong việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc ở điểm nóng này. Nguyên nhân là vì Thông cáo chung đã thể hiện lập trường mạnh mẽ hơn so với Thông cáo đã được ra năm ngoái tại Lào khi nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc phi quân sự hoá và tự kiềm chế”, lưu ý về “những hoạt động ở khu vực gây xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng và làm tổn hại hoà bình, an ninh và ổn định”.
Philippines mong muốn Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý
Ngày 6/8, The Philippine Star đưa tin: theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar cho hay, ngày 5/8, một ngày trước khi ASEAN và Trung Quốc thông qua khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano đã khẳng định với những người đồng cấp trong ASEAN rằng “Philippines mong muốn có một bộ quy tắc ứng xử có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý nhưng đương nhiên các bên vẫn cần phải có một Bộ quy tắc ứng xử mang tính hiệu quả”. Bên cạnh đó, ông Bolivar cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được COC, đó là đảm bảo tất cả các bên đều phải tuân thủ và làm theo Bộ Quy tắc này.
Các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông sẽ bắt đầu trong năm nay
The Philippine Star đưa tin, chiều ngày 6/8, tại cuộc họp báo sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra tại Manila, Philippines, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã ra tuyên bố để thông báo “mười một Bộ trưởng Ngoại giao đã nhất trí và thông qua dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử” nhưng đồng thời cũng cho biết Trung Quốc sẽ đưa ra “đề xuất ba bước” đối với Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đó là: (i) khởi động tham vấn về nội dung COC trong năm 2017, (ii) thực thi COC và thảo luận với các nước ASEAN khác và (iii) cân nhắc khởi động các cuộc tham vấn về COC trước tháng 11/2017, tại cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo ASEAN tại Clark, Pampanga. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar cho hay các Bộ trưởng Ngoại giao cũng đã nhất trí về đề xuất này song ông không bình luận gì về ảnh hưởng của việc thông qua khung COC đối với hoạt động bồi đắp đảo và quân sự hoá tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Ông Bolivar cũng cho biết thêm rằng nội dung của khung COC sẽ không được công khai do tính chất nhạy cảm cuả nó nhưng mặt khác nhấn mạnh rằng các thành tố trong khung COC sẽ là cơ sở để tiến hành các cuộc đàm phán tiếp theo trong năm nay.
Trước cách hành xử hiếu chiến của Trung Quốc, Ấn Độ đánh giá cao vai trò của ASEAN đối với an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Trang India.com đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ V.K.Singh khi phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Ấn Độ lần thứ 15 tại Manila, Philippines đã khẳng định rõ “từ quan điểm của Ấn Độ, ASEAN đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”. India.com cho hay, phát biểu của ông Singh được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng trở nên hiếu chiến trong vấn đề Biển Đông cũng như trong các tranh chấp biên giới với các nước láng giềng, cụ thể là tranh chấp tại khu vực Sikkim giữa Ấn Độ và Trung Quốc gần đây. Cũng trong thời điểm này, Ấn Độ và các nước ASEAN khác, bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đang có những hoạt động đánh dấu 25 năm quan hệ đối tác đối thoại. Hiện Ấn Độ đang tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế và an ninh chiến lược với các nước ASEAN dựa trên Chính sách Hướng Đông của Chính phủ nước này.
Động thái đáng chú ý: Trung Quốc sắp thử nghiệm tàu lặn nước sâu đầu tiên trên biển vào giữa tháng 8 này
Tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết, theo truyền thông Trung Quốc đưa tin ngày 6/8, tàu lặn nước sâu đầu tiên Trung Quốc tự sản xuất sẽ được thử nghiệm trên biển vào giữa tháng 8 và dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2018. Các cuộc thử nghiệm dự kiến sẽ kéo dài trong vòng 3 tháng. Ông Hu Zhen, Thiết kế trưởng của chiếc tàu lặn chưa có tên chính thức, cho hay tàu này được sản xuất nhằm “phục vụ cho tham vọng của Trung Quốc trong việc khai phá và phát triển Biển Đông, cũng như tiến hành các nghiên cứu về một số hiện tượng như “miệng phun thuỷ nhiệt” và “lỗ phun lạnh””. Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch sản xuất một tàu lặn nước sâu có thể hoạt động tại độ sâu 11.000 mét trước năm 2020.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn chưa hề công bố bất cứ thông tin nào liên quan đến vị trí mà tàu này sẽ được đưa vào sử dụng, cũng như thực hư đằng sau mục đích sử dụng của tàu này. Đây hoàn toàn có thể trở thành nguồn cơn căng thẳng mới ở khu vực, gây lo ngại cho các nước láng giềng của Trung Quốc về những hoạt động trong tương lai của nước này ở Biển Đông.