Friday, December 27, 2024
Trang chủQuân sự5 vũ khí giết người bị cấm sử dụng trong chiến tranh

5 vũ khí giết người bị cấm sử dụng trong chiến tranh

Một số vũ khí bị cấm sử dụng trên chiến trường theo các công ước quốc tế vì để lại hậu quả quá nặng nề cho nạn nhân.

Công ước Hague năm 1899 cấm việc sử dụng đạn nở, tuy nhiên quân đội đế quốc Nga và Đức vẫn triển khai chúng trong Thế chiến I. Ngày nay, hầu hết quân đội các nước không trang bị đạn đầu rỗng, mặc dù Mỹ cho rằng loại đạn này là vũ khí cần thiết trong chiến đấu. Việc sử dụng đạn đầu rỗng ở quy mô lớn trên chiến trường bị coi là tội ác chiến tranh.

Loại đạn này hiện nay chủ yếu được dùng trong lực lượng cảnh sát, cho phép họ hạ đối tượng một cách nhanh chóng, hạn chế thiệt hại cho những người xung quanh. Thợ săn cũng được sử dụng đạn nở để tiêu diệt những con thú kích thước lớn.

Bom napalm

Napalm là chất lỏng dễ cháy, có thành phần chính gồm chất tạo keo và xăng cô đặc. Loại vũ khí này được phát triển tại phòng thí nghiệm bí mật của đại học Harvard vào năm 1942, là sản phẩm của nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Louis Fieser.

5-vu-khi-giet-nguoi-bi-cam-su-dung-trong-chien-tranh-1

Bom napalm trong cuộc tập trận Mỹ – Ecuador năm 1985. Ảnh: Wikipedia.

Napalm được triển khai lần đầu tiên tại chiến trường châu Âu trong Thế chiến II, ban đầu nhằm tấn công cơ sở hạ tầng và sau đó là gây sát thương cho sinh lực đối phương. Loại vũ khí này có giá rất rẻ và dễ chế tạo, đồng thời tạo ra khả năng sát thương và hiệu ứng tâm lý khủng khiếp. Napalm dễ bắt lửa và bám dính vào mọi bề mặt, kể cả da người, gây ra những vết bỏng nặng khó dập tắt.

Vì những hiệu ứng hủy diệt đáng sợ, Công ước Liên Hiệp Quốc về các loại vũ khí thông thường (CCCW) năm 1980 cấm hoàn toàn việc dùng bom napalm nhằm vào dân thường. Tuy nhiên, còn nhiều quốc gia chưa thông qua điều khoản của CCCW và tiếp tục duy trì kho vũ khí napalm.

Bom chùm

Hầu hết các loại bom đạn chùm đều được triển khai bởi không quân. Bom chùm có thân vỏ rỗng, bên trong chứa đầy bom con với khối lượng có thể lên tới 10 kg. Một quả bom chùm có thể chứa 100 bom con, nhằm tiêu diệt bộ binh, tăng thiết giáp và cơ sở hạ tầng trên diện tích lớn.

Khi được thả, vỏ bom sẽ phát nổ ở độ cao nhất định, phân tán các quả bom con ra một diện tích lớn. Nhờ đó, bom chùm có hiệu quả cao với những mục tiêu phân tán. Nhược điểm của vũ khí này là bom con có thể bung ra nhưng không phát nổ, trở thành những quả mìn nguy hiểm, gây sát thương cho dân cư và binh lính ngay cả khi chiến tranh đã kết thúc. Một số loại bom chùm hiện đại được trang bị cơ cấu tự hủy, nhưng vẫn không thể loại bỏ nhược điểm này.

Công ước kiểm soát bom đạn chùm (CCM) được đưa ra vào năm 2008 tại Dublin, Scotland và đến nay đã có 108 quốc gia ký kết. Tuy nhiên, những cường quốc chế tạo và sử dụng nhiều bom chùm như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Israel vẫn chưa tham gia CCM, cho rằng loại vũ khí này có hiệu quả rất cao trong tác chiến.

Phốt-pho trắng (WP)

Đạn WP được quân đội các nước sử dụng trong cả hai cuộc thế chiến. Quân đội Mỹ cũng triển khai bom phốt-pho trắng trong Chiến tranh Triều Tiên, cũng như chiến dịch can thiệp quân sự tại Iraq và Syria.

Phốt-pho trắng dễ bắt lửa, có khả năng tự bốc cháy khi tiếp xúc với không khí. Chúng có khả năng bám dính vào da, gây bỏng và tổn thương tới phần xương người. Nạn nhân thường tử vong vì vết bỏng nặng và hít phải khói độc từ phản ứng cháy của WP.

Công ước Geneva về bảo vệ các nạn nhân chiến tranh năm 1977 chính thức cấm những vũ khí “gây thương vong hoặc đau đớn không cần thiết”, trong đó có phốt-pho trắng.

Mìn

Nhiều loại mìn đã được triển khai trong hàng loạt cuộc chiến kể từ đầu thế kỷ 20. Chúng thường được cài dưới mặt đất hoặc những chỗ khó phát hiện, nhằm mục đích tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa lực lượng đối phương, từ bộ binh cho tới xe cơ giới và tăng thiết giáp.

Việc sử dụng mìn gây nhiều tranh cãi vì chúng vẫn có thể gây sát thương trong hàng chục năm sau khi chiến tranh kết thúc. Một số chuyên gia ước tính vẫn còn hàng triệu quả mìn chưa nổ ở các khu vực trên khắp thế giới.

Hiệp ước Ottawa được ký năm 1997 đã cấm hoàn toàn việc triển khai mìn trong chiến đấu. Nhưng nhiều nước, đi đầu là Mỹ, Nga và Trung Quốc, vẫn chưa tham gia hiệp ước này. Bên cạnh đó, các nhóm khủng bố cũng thường áp dụng chiến thuật cài mìn, gây thiệt hại không nhỏ cho dân cư địa phương.

RELATED ARTICLES

Tin mới