Trong khi chiếc Su-57 còn chưa biết khi nào mới vào biên chế Không quân Nga thì J-20 của Trung Quốc đã hoàn thành nốt công đoạn chủ chốt cuối cùng.
Trong phóng sự mới phát sóng trên kênh truyền hình CCTV4, Quân đội Trung Quốc khẳng định rằng tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20 đã sử dụng động cơ chế tạo trong nước thay vì loại AL-31FN nhập khẩu từ Nga.
Thực ra ngay từ năm 2014, trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã xuất hiện bức ảnh lạ về chiếc J-20 mang số hiệu 2011.
Theo đó, có vẻ như nó đang lắp cùng lúc 2 loại động cơ khác nhau là AL-31FN cùng với WS-15 để tiến hành thử nghiệm.
Với tuyên bố vừa được đăng tải, có thể đi tới nhận định rằng động cơ nội địa WS-15 đã hoàn tất mọi công đoạn kiểm tra để tích hợp lên J-20 trong lô sản xuất hàng loạt.
Như vậy trong khi chiếc PAK FA (Sukhoi Su-57) của Nga còn chưa có thời hạn chính thức vào biên chế thì J-20 đã sẵn sàng. Liệu đây có phải bằng chứng rằng Trung Quốc đã vượt qua Nga trong cuộc đua chế tạo tiêm kích thế hệ 5?
Một tấm ảnh khác về chiếc J-20 số hiệu 2011, nó đã không còn lắp 2 loại động cơ khác nhau nữa |
Câu trả lời là “CHƯA”, Trung Quốc đã hoàn thiện động cơ WS-15 nhưng chất lượng và tính năng của chúng có đáp ứng được mọi tiêu chuẩn của tiêm kích thế hệ 5 hay không lại là chuyện khác hoàn toàn.
Bắc Kinh gần đây vẫn đang loay hoay tìm cách sao chép động cơ AL-41F1S (117S) lắp trên Su-35SK để ứng dụng cho chiến đấu cơ tương lai của mình, trong khi đó mặt hàng này được xác định chỉ là giải pháp tạm thời trong lúc chờ đợi động cơ thực sự của PAK FA hoàn thiện.
Rõ ràng việc chưa làm chủ được thế hệ AL-41F1S thì Trung Quốc tất nhiên không thể chế tạo động cơ chuẩn thế hệ 5 có chức năng che giấu tín hiệu hồng ngoại và giúp máy bay bay siêu âm toàn hành trình vào lúc này.
Động cơ WS-15 có thể được hiểu chỉ là sự thay thế cho AL-31FN mà thôi, với động cơ này, J-20 vẫn đơn thuần là tiêm kích thế hệ 4++, nó còn xa mới tiệm cận được với Sukhoi Su-57 của Nga ngay tại thời điểm này, bất chấp việc J-20 được tuyên bố đã vào biên chế còn Su-57 thì chưa.